Đặc sản mới của Tây Bắc
A Đỉnh kể, trước kia dân bản Mô Cổng rất khó khăn. Năm 2019, mọi người được vận động liên kết với doanh nghiệp trồng chanh leo ngọt theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, cuộc sống bản làng dần thay đổi. Từ nghèo đói chuyển sang khá giả, xuất hiện triệu phú và giờ có cả tỷ phú.
Vợ chồng A Đỉnh có 2ha chanh leo ngọt. Mỗi năm cho thu hoạch khoảng 50 tấn. Năm thứ 2 trồng chanh, gia đình anh đã trở thành triệu phú trẻ ở bản. Chanh leo vườn A Đỉnh vừa chín thì doanh nghiệp gom mua hết. Những quả chanh leo vàng, ngọt và thơm mùi dứa bán về xuôi hay xuất khẩu thành đặc sản đắt giá xuất xứ Tây Bắc.
Anh Nguyễn Thạch Tùng Linh, Giám đốc doanh nghiệp chanh leo ngọt ở Mộc Châu (Sơn La) cho biết, A Đỉnh chỉ là một trong hơn 50 hộ dân mà doanh nghiệp liên kết trồng chanh leo ngọt VietGAP ở Sơn La. Đây là hàng cao cấp, được đóng hộp bán với giá 250.000 đồng/hộp. Loại phổ thông 12-14 quả/kg anh đổ sỉ với giá 80.000 đồng/kg, loại Vip 8-10 quả/kg có giá 110.000 đồng/kg. Tất cả các loại luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, khách phải “xếp hàng” chờ mua.
Theo anh Linh, năng suất chanh leo vàng ngọt đạt 20-25 tấn/ha. Năm nay, giá doanh nghiệp thu mua của các hộ dân ở mức 40.000-50.000 đồng/kg tuỳ loại. Với mức giá này, hộ trồng ít thu được vài trăm triệu, những hộ trồng 2-3ha thu tiền tỷ, thậm chí có hộ trồng 5ha thắng đậm.
Ở huyện Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu... dứa Queen cũng phủ xanh những triền đồi dốc. Tất cả sản lượng dứa đều được Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) thu mua chế biến.
Vừa chặt bỏ các ngọn dứa đã thu hoạch, chị Tòng Thơm ở Chiềng Khương (Sông Mã) nói: “Tôi và bà con trong bản ai cũng vui. Cứ 2 ngày một lần công ty cho xe vào thu mua tận bản, loại 1 có giá 4.500 đồng/kg, loại 2 có giá 2.800 đồng/kg. Hơn 3ha dứa của gia đình sẽ cho thu đến trung tuần tháng 12”. “Mùa dứa này, sau khi trừ hết chi phí, tôi ước tính lãi 240 triệu đồng. Ấm no rồi”, chị Tòng Thơm khoe.
Khó tin khoản vốn mồi… 200.000 đồng
Ở Sơn La những triệu phú, tỷ phú như A Đỉnh hay Tòng Thơm ngày càng nhiều. Đổi thay cuộc đời của họ bắt đầu từ quyết định cách đây 7 năm.
Trước năm 2015, Sơn La nổi tiếng trồng ngô và sắn với câu ca “ngô leo lên núi, núi ngả cúi đầu”. Có thời điểm diện tích ngô lên tới 200.000 ha nhưng giá bán chỉ 2.000 đồng/kg. Nên cuộc sống nông dân vẫn nghèo đói. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất, tâm sự, năm 2015, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Sơn La thực hiện một bước chuyển lớn trong nông nghiệp: Trồng cây ăn quả trên đất dốc.Tỉnh quyết định hỗ trợ tiền cho người cho người dân cải tạo vườn tạp.
Nói không ai tin, Sơn La năm 2015 có khoảng 30.000 ha cây ăn quả, tỉnh chỉ hỗ trợ vườn tạp mỗi hộ 200.000 đồng. Ở thời điểm đó, giá mỗi mắt ghép lên tới 12.000 đồng, tức mỗi hộ được hỗ trợ 15-16 mắt ghép. Trong 2 năm thực hiện có gần 90.000 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, số tiền hỗ trợ 18 tỷ đồng.
Chính sách “mồi” này mang lại hiệu quả rõ nét cho các vùng cây ăn quả ở tỉnh Sơn La. Các hộ gia đình nắm vững kỹ thuật lai ghép, phân biệt các loại giống, hiểu quy trình sản xuất sạch, hữu cơ… Cán bộ khuyến nông được cử đi học tập những mô hình nông nghiệp hay ở các địa phương khác để về truyền dạy lại cho người dân.
Nguyên Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khi còn đương nhiệm kể: “Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đến nhờ tôi mời gọi hộ mấy tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh. Đồng chí Bí thư nói, mấy ông đó lớn, khó mời lắm. Nhưng Bí thư tâm huyết, tha thiết mời gọi như thế, doanh nghiệp từ chối sao được. Tôi đã giới thiệu ngay để Bí thư gặp gỡ doanh nghiệp và mời gọi đầu tư”.
Rồi những doanh nghiệp đầu ngành rủ nhau lên Sơn La xây dựng những nhà máy, trung tâm chế biến rau quả quy lớn, công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới. Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau quả với công suất chế biến 10.000 tấn rau quả mỗi năm tại huyện Mộc Châu. Tập đoàn TH cũng rót 2.300 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến rau quả hiện đại ở Vân Hồ. Doveco cũng đầu tư xây dựng trung tâm chế biến rau quả ở huyện Mai Sơn với quy mô dự kiến 50.000 tấn sản phẩm/năm.
Từ chót bảng thành dẫn đầu
Hơn 7 năm sau quyết định “đánh thức tiềm năng trên triền đất dốc”, diện tích cây ăn quả của Sơn La đạt lên 82.800 ha, sản lượng trên 450.000 tấn/năm. Con số này đưa Sơn La từ vị trí gần “chót bảng” vượt qua Tiền Giang để trở thành “thủ phủ cây ăn quả” đứng đầu cả nước.
Sơn La cũng hình thành trung tâm chế biến rau quả lớn nhất Tây Bắc khi quy tụ hàng loạt những doanh nghiệp và tập đoàn lớn. Năm 2022, các doanh nghiệp thu mua hàng trăm nghìn tấn rau quả tại các vùng nguyên liệu đưa vào chế biến. Theo thống kê của tỉnh này, có gần 30% sản lượng quả tươi của tỉnh được đưa vào chế biến. Các sản phẩm sau tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE...
Hình thành được vùng sản xuất và chế biến nên sản lượng trái cây lên tới gần nửa triệu tấn mỗi năm, Sơn La vẫn nói không với “giải cứu”. Ở những vùng trồng cây ăn quả, người nông dân Sơn La trồng chanh leo tím và bơ ghép có thể thu tới 600 triệu đồng/ha; xoài ghép 500 triệu đồng/ha; nhãn ghép 360 triệu đồng/ha; na hoàng hậu, na sầu riêng cho thu 1 tỷ đồng/ha, chanh leo ngọt cũng cho thu tới hơn 1 tỷ đồng/ha… Có hộ nông dân chỉ trồng nhãn hay xoài, na… mỗi năm cũng lãi tới cả chục tỷ đồng.
Năm 2020, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường gọi Sơn La là “hiện tượng nông nghiệp” hay “hiện tượng Sơn La” Bởi, từ một tỉnh miền núi đi bán sắn, bán ngô vậy mà chỉ sau mấy năm, Sơn La từ “chót bảng” lên đã trở thành trung tâm chế biến, sản xuất rau quả lớn nhất vùng Tây Bắc, nhất nhì cả nước.
Trong cuộc đối thoại với 300 nông dân tiêu biểu của cả nước tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Sơn La là điểm sáng về phát triển cây ăn trái. Ông đánh giá việc “đưa cây ăn quả lên sườn dốc” là thay đổi tư duy quan trọng, giúp cơ cấu lại cây trồng, thay đổi thói quen canh tác, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.
Không dừng lại, năm 2022, Sơn La quyết định hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu trái cây, hướng tới phân khúc thị trường cao cấp, đánh vào giới nhà giàu. Bà Nguyễn Ngọc Huyền, Chủ tịch HĐQT Mia Group cho biết, doanh nghiệp của bà đã bắt tay với nông dân Sơn La làm thương hiệu cho trái “Mận hậu Ruby”. Khi thương mại hoá, sản phẩm liên tục “cháy hàng” tại thị trường nội địa dù giá bán lên tới 130.000-230.000 đồng/kg, xuất khẩu sang một số nước với giá 370.000 đồng/kg. Thu nhập của nhà vườn ngay lập tức tăng gấp 5-6 lần so với trước đây.
Sơn La từ chỗ không thu được 1 đồng ngoại tệ nào trong xuất khẩu nông sản thì năm 2021 đã mang về 150 triệu USD. Ông Nguyễn Xuân Cường dự báo: “Cứ đà phát triển này, chỉ sau một thời gian ngắn, Sơn La có thể xuất khẩu 1 tỷ USD mỗi năm, trở thành tỉnh giàu có, nông dân giàu có”.