Chỉ đạo nóng sau vụ đối tượng tâm thần sát hại 2 người ở Phú Thọ

30/10/2024 08:48

Phú Thọ - Gần 1 tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xảy ra các vụ việc thương tâm liên quan tới người tâm thần, để lại nhiều nỗi đau, mất mát.

luc-luong-cong-an-do-1730252943.jpg
Đối tượng tâm thần Nguyễn Văn Sỹ tại xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa bị khống chế khi đang dùng dao kề cổ cháu ruột. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ.

Cần tăng cường công tác quản lý người có bệnh tâm thần

Như tin đã đưa, khoảng 8h sáng 28.10, tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng khiến 2 người tử vong thương tâm. 2 nạn nhân được xác định là ông H.V.L (sinh năm 1939) và bà H.T.K (sinh năm 1955), cùng trú tại xóm Chiềng 1, xã Kim Thượng.

Qua xác minh, các cơ quan chức năng đã làm rõ, đối tượng gây án là Hà Quốc Dương (sinh năm 1991, trú tại xóm Chiềng 1, xã Kim Thượng), là đối tượng thuộc diện tâm thần hưởng chế độ bảo trợ xã hội từ tháng 6.2022, đang được Trạm Y tế xã quản lý và cấp thuốc hàng tháng theo chỉ định của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Phú Thọ.

Chiều 29.10, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trần Khắc Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn - cho biết, huyện đã tổng hợp, báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm và đột xuất về tình hình, kết quả thực hiện quản lý đối tượng tâm thần trên địa bàn.

Về vai trò của cấp xã trong công tác quản lý các đối tượng tâm thần, ông Thăng cho hay, sau khi vụ án mạng nghiêm trọng tại xã Kim Thượng xảy ra, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo tất cả các xã trên địa bàn rà soát lại toàn bộ các đối tượng tâm thần.

Vụ việc thương tâm xảy ra sáng ngày 28.10 đã được làm rõ. Ảnh: Người dân cung cấp.
Vụ việc thương tâm xảy ra sáng 28.10 đã được làm rõ. Ảnh: Người dân cung cấp.

Hiện, trên địa bàn huyện Tân Sơn hiện có 100 khoảng đối tượng tâm thần (riêng xã Kim Thượng có 5 đối tượng). Sau sự việc, từ công tác cấp thuốc cho người tâm thần, phối hợp với các gia đình có người tâm thần cho đến việc báo cáo tình hình về các trường hợp..., các xã đều sẽ làm lại hết.

"Vụ việc xảy ra khiến ai cũng xót xa, cho thấy công tác quản lý người tâm thần phải được tăng cường hơn, được quan tâm đúng mực hơn. Các xã, khu dân cư có người tâm thần trên địa bàn cần thường xuyên nắm bắt tình hình, khi thấy bất thường phải khẩn trương báo cáo, phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý ngay" - ông Thăng chia sẻ.

Chưa đầy 1 tháng xảy ra ​​​3 vụ án liên quan tới người tâm thần

Tính cả vụ việc nêu trên, gần 1 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã xảy ra 3 vụ việc liên quan đến người tâm thần khiến 3 người tử vong, 1 cháu bé 5 tuổi bị đe dọa đến tính mạng.

Trước đó, ngày 3.10, Công an huyện Hạ Hòa nhận được tin báo đối tượng Nguyễn Văn Sỹ (SN 1991, ở khu 14, xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa) dùng dao kề vào cổ, khống chế, đánh đập cháu H.A.M (SN 2019, là cháu ruột Sỹ), đưa lên tầng 2 đóng cửa và cố thủ trong phòng.

Cháu M được các cán bộ, chiến sĩ công an giải cứu. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ.
Cháu M được các cán bộ, chiến sĩ công an giải cứu. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ.

Lập tức, 30 cán bộ, chiến sĩ công an có trang bị áo giáp, găng tay, súng và công cụ hỗ trợ để tiếp cận hiện trường. 2 tổ giải cứu được thành lập, 1 tổ nhanh chóng đột nhập vào tầng 1 đi lên tầng 2, tổ còn lại sử dụng thang nhôm tiếp cận tầng 2.

Đến khoảng 9h cùng ngày, nhận thấy thời cơ thuận lợi, 2 tổ đồng loạt tiếp cận, quật ngã, khống chế, bắt giữ và tước hung khí là con dao dài 40cm từ tay đối tượng, cháu M vì vậy mà thoát nạn trong gang tấc.

Đáng chú ý, Nguyễn Văn Sỹ là đối tượng tâm thần hiện đang điều trị tại nhà, thường xuyên có diễn biến bất thường về tâm lý, dễ bị kích động.

Gần 10 ngày sau, sáng 12.10, tại phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, đối tượng Đào Việt Đức (sinh năm 1992), cũng là 1 đối tượng tâm thần, đã ra tay tàn ác cướp đi mạng sống của 1 người.

Đối tượng tâm thần Đào Việt Đức bị bắt giữ sau khi ra tay sát hại bố đẻ. Ảnh: Người dân cung cấp.
Đối tượng tâm thần Đào Việt Đức bị bắt giữ sau khi ra tay sát hại bố đẻ. Ảnh: Người dân cung cấp.

Đau lòng hơn, người bị sát hại - ông Đ.V.H (sinh năm 1957, trú tại Đội 4, khu Thông Đậu, phường Minh Nông, TP Việt Trì) - là bố đẻ của Đức. Sau khi gây án, Đức rời khỏi hiện trường. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, Đức bị bắt khi đang lẩn trốn tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Các vụ việc đau lòng liên tiếp xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro, nguy hiểm đối với xã hội từ những người có bệnh tâm thần, những người khi phát bệnh có những hành động khác thường, khó lường, thậm chí có thể đoạt mạng người khác.

Vì vậy, như lời Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn Trần Khắc Thăng, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý người tâm thần, thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo khi nhận thầy sự bất thường xảy ra.

Cùng với đó, quá trình điều trị tại nhà, những người có bệnh tâm thần thường chưa được quan tâm chăm sóc như bệnh nhân. Vì vậy, những gia đình, người thân cần tích cực quan tâm, động viên, kiên nhẫn trong quá trình người tâm thần điều trị bệnh, giúp họ phục hồi chức năng, vượt qua bệnh tật và hòa nhập với cộng đồng.

 

Tô Công