Tại xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có khoảng 103ha diện tích trồng dong riềng, trong đó người dân trồng khoảng 53ha, HTX Hồng Phước 50ha. Chỉ tính riêng sản lượng dong của người dân là khoảng 2.500 tấn, từ đầu tháng 10 đến nay, diện tích dong riềng đã thu hoạch khoảng 20%.
Tuy nhiên, việc chế biến dong riềng tại địa phương từ nhiều năm qua vẫn chủ yếu là hoạt động chui khi chưa có cơ sở nào được cấp phép môi trường.
Theo ông Lò Văn Toản - Chủ tịch UBND xã Nà Tấu - đến thời điểm hiện tại (14.11), có thể khẳng định cả 7/7 cơ sở đều hoạt động trái phép, gây ô nhiễm và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Tuy nhiên rất khó bắt quả tang để xử lý.
"Như trường hợp cơ sở của bà Ngô Thị Huyền - chỉ cách trụ sở UBND xã khoảng 300m. Khi kiểm tra thì cơ sở dừng hoạt động, nhưng hằng ngày, nước và chất thải vẫn cứ xả ra ngoài môi trường", ông Toản cho biết.
Cũng theo vị chủ tịch xã, việc xử lý các cơ sở này hiện tại là vượt thẩm quyền của UBND xã. Nếu phát hiện, xã chỉ lập biên bản yêu cầu dừng việc thực hiện sơ chế tinh bột dong để báo cáo UBND thành phố Điện Biên Phủ xử lý, chứ chưa có chế tài mạnh hơn.
Ông Toản cũng cho biết, ngay từ đầu vụ, xã đã thành lập 3 tổ công tác, mỗi tổ gồm 9 thành viên để kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến dong riềng.
Thậm chí phải chia ca trực 24/24, tuy nhiên, việc quản lý vẫn rất khó khăn.
“Các cơ sở lén lút hoạt động vào nửa đêm, rạng sáng, khi thấy sự có mặt của cán bộ kiểm tra thì nhanh chóng dập cầu dao điện và trở về trạng thái dừng hoạt động. Khi tiến hành kiểm tra, chủ cơ sở thậm chí còn có hành vi thách thức” - ông Toản cho biết thêm.
Để giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản cho người dân khi các cơ sở chế biến không được cấp phép hoạt động, UBND xã Nà Tấu đã kết nối với một số doanh nghiệp thu mua dong riềng, đảm bảo theo giá thị trường, trong đó mức giá sàn là khoảng 2.500 đồng. Tuy nhiên tình trạng hoạt động trái phép của các cơ sở chế biến vẫn chưa được giải quyết.
Theo ghi nhận của PV, trong nhiều ngày qua các cơ sở chế biến dong riềng tại bản Phiêng Ban, bản Lán Yên vẫn ngang nhiên hoạt động. Việc xả thải ra môi trường khi chưa qua xử lý đã khiến nước sông Nậm Rốm, đoạn qua xã Nà Tấu chuyển màu đen kịt và bốc mùi hôi thối.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khi việc chế biến dong riềng tại xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ trở thành "điểm nóng" thì một số thương lái và hộ kinh doanh đã vận chuyển dong riềng đến các xã, các huyện lân cận để chế biến - đó là những nơi vấn đề quản lý còn ít chặt chẽ hơn.