Chậm trễ trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở Vĩnh Phúc

26/08/2024 14:10

Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc, hơn 40.000 công nhân trong các khu công nghiệp có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, nhiều dự án nhà ở công nhân “án binh bất động”, có nơi đã khởi công nhưng lại để cỏ mọc um tùm.

Chậm trễ trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở Vĩnh Phúc

Nhiều người lao động làm việc trong các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc đang phải sinh sống trong những phòng trọ chật chội. Ảnh: Dương Chung

Ước mơ an cư vẫn xa vời

Làm việc tại Công ty Giày Vĩnh Yên hơn 7 năm nay, chị Chu Thị Phương Nga, quê ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ vẫn phải chật vật sinh sống trong khu nhà trọ cấp 4 lụp xụp, diện tích phòng ở chỉ vẻn vẹn 10m2. Mỗi mùa mưa bão, nhà trọ bị dột, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt.

“Vợ chồng tôi làm việc và sinh sống ở Vĩnh Phúc đã lâu. Tuy nhiên, với mức thu nhập của cả 2 vợ chồng chỉ gần 15 triệu đồng/tháng trong khi dự án nhà ở xã hội khan hiếm nên ước mơ an cư vẫn còn xa vời” - chị Nga tâm sự.

Tương tự, anh Phạm Công Lợi - quê ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, đang làm việc tại Công ty TNHH Cammsys Việt Nam (Khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên) - cho biết: “Tiền lương công nhân và tăng ca của hai vợ chồng được hơn 13 triệu đồng/tháng. Vậy nên, chúng tôi tiết kiệm đến mức tối đa các sinh hoạt phí để mong có cơ hội mua một ngôi nhà dành cho người thu nhập thấp, hết cảnh ở trọ kiểu nay đây, mai đó”.

Số liệu khảo sát của Liên đoàn Lao động thị xã Phúc Yên, TP Vĩnh Yên và huyện Bình Xuyên (nơi có nhiều khu công nghiệp tập trung) cho thấy, có từ 30 - 35% công nhân lao động làm việc tập trung trong các Khu công nghiệp là lao động nhập cư, phải thuê trọ. Trên 3 địa bàn khảo sát, tổng số có 1.900 hộ gia đình có phòng trọ cho thuê, với tổng số phòng 19.200 phòng, với khoảng 20.000 công nhân thuê trọ.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, 9 khu công nghiệp trên địa bàn đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 135.000 lao động. Trong khi đó, dân số của tỉnh Vĩnh Phúc chỉ hơn 1,1 triệu người, cho thấy tình trạng thiếu hụt lao động trong những năm tới sẽ có chiều hướng gia tăng.

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ có 24 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với tổng diện tích khoảng 7.000ha. Như vậy sẽ thu hút thêm lực lượng lớn lao động đến làm việc, đồng thời nhu cầu về nhà ở xã hội sẽ tăng cao.

Trong khi đó, báo cáo của Sở Xây dựng chỉ ra, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện thu hút được 13 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng hơn 10.000 căn nhà, tổng diện tích sàn nhà ở hơn 960.000m2. Tuy nhiên, đến nay mới có 5 dự án khu nhà ở công nhân và người thu nhập thấp đang được triển khai gồm: Khu công nghiệp Khai Quang, khu nhà ở thu nhập thấp VINACONEX Xuân Mai, khu nhà ở công nhân của Công ty Honda Việt Nam, khu nhà ở xã hội phường Liên Bảo và khu nhà ở thu nhập thấp ở phường Phúc Thắng.

Ghi nhận tại Dự án khunhà ở thu nhập thấp ở phường Phúc Thắng cho thấy, hiện mới chỉ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Cao Tiến Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thân Hà (chủ đầu tư dự án) - cho biết, do một số vướng mắc về thủ tục gia hạn khiến công ty chưa thể triển khai xây dựng. Để đẩy nhanh tiến độ, công ty sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc, khởi công trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, các dự án còn lại vẫn đang chậm tiến độ do gặp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và liên tục có đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Trước những khó khăn trong triển khai xây dựng nhà ở xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục là cơ quan đầu mối, rà soát, tháo gỡ vướng mắc để phấn đấu trong năm 2024, có ít nhất 2 dự án nhà ở xã hội được khởi công.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt; đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình nhà ở xã hội, phục vụ người thu nhập thấp và công nhân, lao động.

AN NHIÊN