Theo tìm hiểu của PV, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ có tổng chiều dài tuyến 40,2 km, thời gian thi công giai đoạn 1 từ năm 2021-2023, do nhiều nhà thầu cùng tham gia.
Trong đó, gói thầu thi công số 26: xây dựng đoạn tuyến từ Km0+00 - Km11+300 do Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang; liên danh trúng thầu là Công ty Cổ phần tập đoàn Thuận An - Công ty TNHH Hiệp Phú - Công ty Cổ phần LICOGI 14 với số tiền hơn 90 tỉ đồng.
Ngày 24.12.2023, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp UBND các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 cao tốc này đồng thời tiến hành thông xe.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động những ngày cuối tháng 6.2024, nhiều hạng mục tại gói thầu đã có dấu hiệu xuống cấp, bong tróc và sạt lở.
Quan sát thực tế cho thấy, trên đoạn tuyến có nhiều điểm thi công chắp vá, tạm bợ, bê tông đổ kè vỡ nát, mặt bê tông trên các đoạn chống sạt lở bị lún nứt, lan can có đoạn bị xô nghiêng...
Chiều 25.6, trao đổi với PV Báo Lao động, ông Nguyễn Thiện Tuyên - Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang - xác nhận thông tin một số khuyết điểm trên tuyến.
Ông Tuyên giải thích: “Vừa rồi do mưa, nước mưa trên mặt đường tràn xuống ta luy âm, chúng tôi khắc phục làm gờ chắn nước cho thoát ở những vị trí rãnh xuống. Do mưa bão, các chỗ liên quan đến khe rãnh, mái ta luy âm, anh em vẫn đang triển khai khắc phục”.
Ông Phạm Quang Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú - cũng cho biết: “Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đã thi công xong, phần gờ chắn nước đang thi công là phần phát sinh. Gói thầu do 3 đơn vị thi công, Công ty Cổ phần Licogi 14 làm từ Km0 đến Km3, Công ty Hiệp Phú làm từ gần Km3 tới Km6; còn Tập đoàn Thuận An đứng cái làm từ Km6 đến Km11+300”.
Theo ông Hiệp, gói thầu này thi công cùng với Tập đoàn Thuận An và các cơ quan chức năng đang thanh kiểm tra.
Một số hình ảnh do PV Báo Lao Động ghi nhận tại dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai:
Tại khu vực cột H3 - Km3, các hạng mục như bậc lên xuống, rãnh thoát nước cũng có dấu hiệu kém chất lượng khi xuất hiện hiện tượng lún nứt được đơn vị thi công đắp đổ bê tông chắp vá.
Tại cuối rãnh thoát nước cột H4 - Km3, nền khu vực thoát nước bị sụt, trơ móng khiến hạng mục cuối rãnh thoát nước có nguy cơ bị gãy đổ bất cứ lúc nào.
Tại mốc cột H4 - Km3, mặt bê tông được đổ cả mảng lớn, sau đó kẻ chia ô giống như lát từng ô. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bị cuốn trôi cả mảng lớn khi có hiện tượng sạt lở, nứt gãy thì bê tông.
Tại khu vực cột H5 - Km1, hạng mục thi công bổ sung gờ chắn nước có dấu hiệu thi công không đảm bảo kỹ thuật khi bê tông mới và bê tông cũ không đồng nhất, khiến kết cấu bê tông phân lớp dễ dàng bị bong tróc.
Phía chủ đầu tư cho rằng, nguyên nhân cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ vừa thi công xong đã xuống cấp do ảnh hưởng của mưa bão (?). Ảnh: Trọng Lộc
Nhà thầu "đấu đâu trúng đó" tại Tuyên Quang
Cùng liên danh với Tập đoàn Thuận An là Công ty TNHH Hiệp Phú - một trong những nhà thầu thuộc tốp đầu tỉnh Tuyên Quang trong thực hiện các dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tại địa phương.
Theo đó, Công ty TNHH Hiệp Phú đã tham gia và trúng 33 gói thầu tại Tuyên Quang với tổng số vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng.
Các chủ đầu tư mà Công ty Hiệp Phú trúng thầu hàng loạt có thể kể đến như Sở giao thông Vận tải tỉnh Tuyên Quang là 9/9 gói thầu với số vốn hơn 413 tỉ đồng; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang là 8/8 gói thầu với số vốn hơn 1.616 tỉ đồng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thành phố Tuyên Quang là 6/7 gói thầu, 1 gói chưa có kết quả với số vốn hơn 127 tỉ đồng.