Theo đó, số gạo được phân bổ cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của 10 huyện, thành phố; mỗi nhân khẩu được hỗ trợ định mức 15 kg gạo. Cụ thể, các địa phương được nhận gạo như : Bảo Lâm trên 204 tấn; huyện Bảo Lạc hơn 140 tấn; huyện Hà Quảng trên 139 tấn; huyện Trùng Khánh hơn 89 tấn; huyện Nguyên Bình 63,99 tấn; huyện Quảng Hòa 60,72 tấn; huyện Hòa An là 60,015 tấn; huyện Thạch An 48,18 tấn; huyện Hạ Lang 22,845 tấn và thành phố Cao Bằng 16,92 tấn… Dự kiến, thời gian tiếp nhận và phân bổ thực hiện đến hết ngày 30/7/2024.
UBND tỉnh Cao Bằng giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức tiếp nhận, cấp phát gạo theo số lượng được phân bổ đảm kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức và các quy định hiện hành. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc tiếp nhận, cấp phát gạo cho các hộ gia đình được hỗ trợ gạo và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh Cao Bằng.
Theo báo cáo, từ đầu năm 2024 đến nay, địa bàn Cao Bằng đã liên tiếp xảy ra gần 10 đợt thiên tai (lốc, sét, mưa đá, lũ lụt) làm gần 10.000 nhà ở bị hư hại; trên 2.500 ha cây lúa, ngô, thạch đen, rau màu bị gãy đổ. Bên cạnh đó, dịch châu chấu tre lưng vàng gây hại trên cây nông nghiệp đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Vì vậy, việc cấp phát gạo cứu đói giáp hạt của Nhà nước đã kịp thời hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống, bảo đảm mọi người dân đều có đủ lương thực không bị thiếu đói, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn dân tộc miền núi, biên giới như tỉnh Cao Bằng.