Cam, quýt rớt giá, nông dân chật vật tìm đầu ra

21/03/2025 14:00

Bắc Kạn - Cam, quýt từng là cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ thoát nghèo. Nhưng giá bán giảm, chi phí tăng, khiến nông dân lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Cam, quýt rớt giá, nông dân chật vật tìm đầu ra

Nguy cơ mai một vùng trồng cam, quýt ở Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú.

Những hàng keo thẳng tắp đã thay thế vườn quýt trĩu quả ngày nào. Ông Cao Xuân Lãng lững thững bước qua những gốc quýt già cỗi còn sót lại, bàn tay khẽ chạm vào phần thân cây đã sần sùi.

Vài năm trước, khu vườn này mỗi vụ cho hàng chục tấn quả, thương lái đến tận nơi thu mua, xe chở quýt ra vào tấp nập. Giờ đây, tất cả chỉ còn trong ký ức.

Ông Lãng nhớ lại những ngày vào vụ, từ sáng sớm, cả nhà đã hối hả thu hoạch. Quýt chất đầy các sọt lớn, người mua người bán nhộn nhịp.

"Có năm, giá lên tới 15.000 đồng/kg, một vườn quýt 2ha thu về hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó, người dân chúng tôi có điều kiện sửa sang nhà cửa, sắm sửa tiện nghi, cuộc sống khấm khá hẳn lên", ông Lãng nói thêm.

Vùng trồng cam, quýt ở Bắc Kạn đang dần được thay thế bằng những cây nông nghiệp. Ảnh: Ngọc Tú.

Vùng trồng cam, quýt ở Bắc Kạn đang dần được thay thế bằng những cây nông nghiệp. Ảnh: Ngọc Tú.

Nhưng rồi những vườn quýt trù phú ngày nào bắt đầu tàn lụi. Khoảng năm 2020, cây già cỗi, sâu bệnh nhiều, năng suất giảm mạnh.

Quả quýt nhỏ, vỏ sần sùi, bán không ai muốn mua. Giá quýt giảm xuống chỉ còn 6.000 - 8.000 đồng/kg, nhiều hộ không còn mặn mà đầu tư chăm sóc.

Cách đó không xa, vườn quýt rộng 5ha của anh Dương Văn Sỹ, thôn Nà Đinh, xã Quang Thuận (Bạch Thông, Bắc Kạn) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Những năm quýt còn được giá, mỗi mùa thu hoạch, vườn nhà anh thu về hàng trăm triệu đồng.

Vườn quýt của anh Sỹ giờ chỉ còn lại gần 2ha, do mới trồng vài năm trở lại đây. Những gốc quýt cũ đã bị đốn hạ, thay vào đó là những luống cây lâm nghiệp đang lớn dần.

Không riêng gì ông Lãng, anh Sỹ, hàng trăm hộ dân ở Quang Thuận cũng đã dần từ bỏ cây quýt. Những năm 2012 - 2015, toàn xã có hơn 600ha quýt, là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất Bắc Kạn. Nhưng đến nay, diện tích chỉ còn khoảng 200ha, sản lượng cũng giảm mạnh.

Đâ

Sau nhiều năm, đất bạc màu, sâu bệnh nhiều, chi phí đầu tư lớn trong khi lợi nhuận không cao, khiến người dân không còn mặn mà. Ảnh: Ngọc Tú.

Nguyên nhân chính là cây quýt đã đến chu kỳ thoái hóa sau hơn 20 năm khai thác. Đất bạc màu, sâu bệnh nhiều, chi phí đầu tư lớn nhưng lợi nhuận thấp. Thêm vào đó, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài khiến nhiều vườn quýt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Lộc Hữu Nhất - Chủ tịch UBND xã Quang Thuận cho hay, việc suy giảm diện tích cam, quýt không chỉ do cây trồng già cỗi mà còn vì thiếu quỹ đất và nhân lực.

Nhiều lao động trẻ rời quê tìm việc ở các khu công nghiệp, trong khi việc trồng quýt đòi hỏi công chăm sóc tỉ mỉ, chi phí cao.

Hiện chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân cải tạo vườn quýt cũ, luân canh cây trồng để phục hồi đất.

Một số mô hình trồng quýt theo hướng hữu cơ, giảm thuốc bảo vệ thực vật đã được thử nghiệm để nâng cao chất lượng quả. Tuy nhiên, đầu ra vẫn là bài toán khó.

Cũng theo lãnh đạo xã Quang Thuận, nếu có sự hỗ trợ về kỹ thuật, giống mới và thị trường tiêu thụ ổn định, người dân có thể duy trì cây quýt thay vì chuyển đổi sang cây trồng khác.

Tuy nhiên, khi thị trường còn phụ thuộc vào thương lái, không có sự liên kết bền vững với doanh nghiệp, việc phục hồi vùng quýt vẫn rất khó khăn.

Nguyễn Hoàn
Bạn đang đọc bài viết "Cam, quýt rớt giá, nông dân chật vật tìm đầu ra" tại chuyên mục Đời sống.