Các tỉnh vùng cao tăng cường giám sát, quản chặt tài nguyên đất hiếm

17/11/2023 09:25

Các tỉnh vùng cao Tây Bắc đang tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt những địa bàn có trữ lượng đất hiếm nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Các tỉnh vùng cao tăng cường giám sát, quản chặt tài nguyên đất hiếm
Khu vực Tây Bắc có trữ lượng đất hiếm rất lớn. Ảnh: Bảo Nguyên

UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành công văn thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trên địa bàn.

Theo đó, Lào Cai hiện có 3 khu vực khoáng sản (2 khu vực apatit quặng II+IV và 1 khu vực đất hiếm vỏ phong hóa) thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Khu vực dự trữ đất hiếm vỏ phong hóa Cam Cọn - Tân Thượng thuộc địa bàn huyện Bảo Yên và huyện Văn Bàn có diện tích 18,90km2; tài nguyên, trữ lượng dự trữ: 125.000 tấn.

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các sở, ban, ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nói chung, bao gồm cả khoáng sản là đất hiếm; thực hiện việc truy quét, giải tỏa hoạt động khai thác trái phép hoặc các hoạt động đào trộm, hạ cốt nền để khai thác khoáng sản trái phép và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Dù được thăm dò, đánh giá trữ lượng từ hơn 40 năm nay song đến nay Việt Nam vẫn chưa khai thác và chế biến được mỏ đất hiếm nào.
Dù được thăm dò, đánh giá trữ lượng từ hơn 40 năm nay song đến nay Việt Nam vẫn chưa khai thác và chế biến được mỏ đất hiếm nào. Ảnh: Bảo Nguyên

Tại Yên Bái, chính quyền địa phương cũng đang tăng cường quản lý khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia sau khi huyện Văn Yên được Chính phủ công bố có 160.000 tấn đất hiếm dự trữ. Cũng như tại Lào Cai, đất hiếm ở Yên Bái đều có thời gian dự trữ 30 năm.

Đối với mọi hoạt động vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp (bao gồm cả khoáng sản là đất hiếm) sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam có khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc 44 triệu tấn. Dự kiến, năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái. Giai đoạn từ 2031-2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1 đến 2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai.

Việc khai thác đất hiếm có ý nghĩa quan trọng nhưng vậy nhưng theo chuyên gia, hiện nay, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ chế biến đất hiếm.
Việc khai thác đất hiếm có ý nghĩa quan trọng nhưng vậy nhưng theo chuyên gia, hiện nay, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ chế biến đất hiếm. Ảnh: Bảo Nguyên

TS Nguyễn Văn Nguyên, Cục phó Cục Địa chất Việt Nam cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn về đất hiếm các loại. Cục Địa chất Việt Nam đang được giao điều tra tổng thể đất hiếm ở khu vực Tây Bắc và trên toàn quốc.

Các nghiên cứu cho thấy, đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như thông tin y tế, năng lượng, giao thông - vận tải, quân sự… Mặc dù giá trị giao dịch của đất hiếm trên thế giới hiện nay chỉ dưới 10 tỉ USD/năm, nhưng đây lại là nguyên liệu chiến lược, không thể thay thế đối với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Phương - Phó Chủ tịch thường trực Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam đánh giá, trữ lượng đất hiếm ở khu vực Tây Bắc rất lớn, thế nhưng nguồn tài nguyên đó vẫn ở trong lòng đất, để chuyển thành hiệu quả kinh tế vẫn còn cả một chặng đường dài.

“Công nghệ tách, chiết nguyên tố đất hiếm của chúng ta mới ở quy mô phòng thí nghiệm do vậy cần hợp tác với các quốc gia khác sau đó thoả thuận chuyển giao công nghệ về sau”, PGS.TS Nguyễn Phương chia sẻ.

BẢO NGUYÊN