Vài ngày qua, tin tức ông Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu "pháo"), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phúc Sơn bị Cơ quan Điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để làm rõ hành vi giả mạo, khai man, để ngoài sổ sách kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, đang gây chấn động tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung.
Trước khi vụ án này nổ ra, Tập đoàn Phúc Sơn từng tiêu tốn nhiều giấy mực của báo giới bởi tốc độ phát triển "thần tốc", xuất phát điểm từ một doanh nghiệp nhỏ cấp huyện ở Vĩnh Phúc bỗng dưng vài năm trước vươn tầm hoạt động đến các đô thị trọng điểm nhất đất nước, thâu tóm hoặc được giao làm những dự án "khủng" gây bất ngờ cho giới đầu tư.
Theo thống kê từ Bộ Công an, Tập đoàn Phúc Sơn nắm giữ 21 dự án nằm rải rác từ Bắc chí Nam, tổng mức đầu tư trên 40.000 tỷ đồng. Và, có dấu hiệu sai phạm tại không ít trong số các dự án đó, gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân. Hiện tại, phía Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tập trung điều tra, mở rộng để đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, người dân.
Ở Vĩnh Phúc, có một doanh nghiệp sở hữu nhiều nét "tương đồng" với Tập đoàn Phúc Sơn, cũng chứng kiến tốc độ phát triển “phi mã” từ những năm 2015, quy mô tăng hàng chục lần sau vài năm ngắn ngủi. Không ai khác, đó là Kehin Group hay còn gọi là Kết Hiền Group của ông Nguyễn Văn Kết, doanh nhân tiếng tăm sinh năm 1973.
5 năm vốn tăng 30 lần
Theo hồ sơ, Công ty Cổ phần Kehin - Kehin Group có tên gọi cũ là Công ty TNHH Thương mại Kết Hiền, thành lập tháng 1/2005 tại huyện Yên Lạc, cũng là nơi ở khi đó của vợ chồng ông Nguyễn Văn Kết - bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1975). Từ một cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh các loại, năm 2010, Kehin Group bắt đầu định hướng trở thành doanh nghiệp đa ngành, phát triển thêm các hoạt động kinh doanh khác với hai lĩnh vực trọng tâm là bất động sản và xây dựng.
Lãnh đạo Kehin Group thể hiện tầm nhìn và định hướng đúng đắn, công chúng khó thể phủ nhận những thành công nhất định của họ trong thời gian qua. Từ năm 2019, trụ sở của Kehin Group được di dời sang tòa nhà khang trang, hoành tráng tọa lạc trên trục đường trung tâm của thành phố Vĩnh Yên, do chính họ đầu tư xây dựng, thay bởi căn nhà cũ đã không còn tương xứng với tầm vóc lúc này.
Kehin Group cũng ngày càng khẳng định tên tuổi, được nhiều người biết đến với vai trò là chủ đầu tư loạt dự án lớn quê nhà, chẳng hạn như: Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương (có vị trí tại huyện Yên Lạc, tổng diện tích 33,5ha, vốn đầu tư 460 tỷ đồng; Khu nhà ở hỗn hợp tại thị trấn Yên Lạc và xã Tam Hồng (tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, diện tích trên 11ha); Khu nhà ở xã hội tại thôn Rừng Cuông (huyện Bình Xuyên, tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng gần 11ha)...
Triển khai đồng loạt dự án quy mô lớn đặt ra thách thức về huy động vốn, buộc doanh nghiệp phải có giải pháp căn cơ, bài bản dựa trên chiến lược phát triển lâu dài. Tuy nhiên, vấn đề khó giải quyết nhất này đã được ban lãnh đạo Kehin Group thu xếp, xử lý ổn thỏa.
Nếu trước tháng 2/2017, vốn điều lệ nhiều năm không biến động ở mức 50 tỷ đồng thì liên tục sau đó, ông Kết bà Hiền "thẳng tay" rót ào ạt hàng trăm tỷ đồng vào doanh nghiệp, nâng vốn lên 100 tỷ đồng, 300 tỷ đồng rồi 550 tỷ đồng trong có một năm ngắn ngủi (2019).
Chưa hết, tháng 6/2020, Kehin Group chính thức gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ của Vĩnh Phúc, khi vốn điều lệ cán mốc 1.000 tỷ đồng, cho dù đây là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lan rộng gây ảnh hưởng rất xấu đến nền kinh tế trong nước và quốc tế.
Lần tăng vốn mới nhất của Kehin Group diễn ra hồi cuối tháng 5/2022, nhảy vụt gấp rưỡi lên 1.500 tỷ đồng và đang duy trì đến thời điểm hiện tại. Tựu chung, nhìn từ những đợt "bơm" vốn ít ai có thể làm được của doanh nghiệp, 5 năm sau tăng gấp 30 lần, chẳng khó để nhận thấy đằng sau đôi vợ chồng doanh nhân này phải là một thế lực kinh tế "không phải dạng vừa".
Quan sát hành trình sự nghiệp của Kehin Group, Báo Thanh tra nhận thấy đợt tăng vốn tháng 6/2020 của họ có ý nghĩa vô cùng to lớn, đặc biệt quan trọng bởi tính cấp thiết. Trước đó ít ngày, 28/5/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký liền tay hai Quyết định số 1221 và 1228 về việc chấp thuận Kehin Group làm nhà đầu tư dự án Khu nhà ở xã hội tại thôn Rừng Cuông và Khu nhà ở hỗn hợp tại thị trấn Yên Lạc, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng.
Điều đó cũng đặt ra lo ngại trong hồ sơ tham gia dự thầu của Kehin Group, liệu có đáp ứng các tiêu chí về tài chính mà chính quyền Vĩnh Phúc đặt ra hay không, khi số vốn điều lệ nếu chưa điều chỉnh tăng sẽ chỉ chiếm khoảng trên 20% tổng vốn đầu tư của cả hai dự án, chưa kể xét về yếu tố kinh nghiệm?
"Điệp khúc" trúng thầu sát giá
Như đã biết, không chỉ thành công trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng còn là thế mạnh được Kehin Group chú trọng khai thác.
Cũng trong năm 2019, sau khi được ông Nguyễn Văn Kết rót vốn ào ạt, nhà thầu này bắt đầu tăng tốc bằng việc trúng hai gói thầu xây lắp gần 137 tỷ đồng, từ ngày 26/10 - 31/10. Hai chủ đầu tư đã trao quyết định thắng thầu cho Kehin Group là Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thành phố Vĩnh Yên (gói thầu 55,8 tỷ đồng) và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Vĩnh Tường (81 tỷ đồng).
Vừa "lột xác" nên hồ sơ dự thầu của Kehin Group có thể vượt qua vòng xét tuyển năng lực tài chính, nhưng khó thắng thuyết phục ở vòng chấm về năng lực kinh nghiệm. Vì vậy, doanh nghiệp cần liên danh với hai đối tác là Công ty TNHH Cẩm Thạch và Công ty Cổ phần Đầu tư Hùng Thắng, đồng nghĩa với việc phải san sẻ lợi ích cho họ.
Đến năm 2020, Kehin Group đã tự đứng độc lập làm 6 gói thầu với tổng giá trị trên 460 tỷ đồng, đi kèm với tỷ lệ tiết kiệm rất thấp, đến từ các chủ đầu tư như Ban Quản lý dự án xây dựng và phát triển cụm công nghiệp huyện Yên Lạc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc...
Trong số này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc là "khách sộp" nhất khi ký cho doanh nghiệp 2 gói thầu gần 330 tỷ đồng.
Nếu tính chung cả số lần Kehin Group trúng được trên vai trò nhà thầu liên danh, tổng giá trị các gói thầu thắng trong năm 2020 lên tới 900 tỷ đồng! Giữa năm dịch bệnh hoành hành, la liệt nhà thầu "đói việc" phải cắt giảm nhân sự, giảm lương thì Kehin Group bỗng nổi lên như "ngôi sao" sáng của làng xây dựng Việt Nam dưới sự hỗ trợ tận tình của chính quyền Vĩnh Phúc.
Đến nay, Kehin Group vẫn triền miên trúng thêm những gói thầu trăm tỷ đồng từ các vị "khách sộp" quen mặt với tổng số tiền ước tính gần 1.700 tỷ đồng. Đối lập, số tiền giảm giá cho nguồn ngân sách lại rất hạn chế, cho thấy hoạt động đấu thầu tại địa phương này không thực sự hiệu quả, hoặc chí ít là những gói thầu có sự xuất hiện của Kehin Group đang không tối ưu cho ngân sách Nhà nước.
Thực trạng nhà thầu trúng sát giá trở thành một "điệp khúc" khiến dư luận tỏ ra băn khoăn liệu có hay không việc "bắt tay ngầm" giữa chủ đầu tư và đơn vị trúng thầu?
Một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu từng thẳng thắn chia sẻ rằng: "Việc đấu thầu công khai, minh bạch các gói thầu của dự án là để đảm bảo chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu có năng lực tốt nhất thực hiện dự án, tiết giảm được tối đa cho vốn đầu tư. Hoạt động này nếu không chí công, vô tư thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Cơ quan thanh tra, kiểm toán cần phải làm rõ về quá trình xây dựng đơn giá, lập dự toán, xây dựng giá gói thầu. Nếu phát hiện có sai phạm, tiêu cực thì phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hiện hành".
Chi phí chèn lấp doanh thu
Theo tài liệu của Báo Thanh tra, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Kehin Group dao động khoảng từ 200 - 300 tỷ đồng/năm, với biên độ thăng giáng vài chục tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2022, doanh thu lần lượt đạt 295 tỷ đồng, 322 tỷ đồng, 270 tỷ đồng, 295 tỷ đồng, 358 tỷ đồng và 182 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp công bố lợi nhuận lên cơ quan quản lý Nhà nước hàng năm, khiêm tốn ở mức vài trăm triệu đồng; ví dụ, 21 triệu đồng (năm 2017), 250 triệu đồng (năm 2018), 495 triệu đồng (năm 2022). Đây là những con số rất èo uột, mang đậm tính tượng trưng bởi sự chênh lệch quá lớn với nguồn thu "khủng" từ các gói thầu, như đề cập phía trên, đều có tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp, có lợi nhất cho nhà thầu.
Chưa hết, liên tiếp 3 năm 2019 - 2021, Kehin Group của ông Nguyễn Văn Kết còn báo lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng mỗi năm, nguyên nhân bởi chi phí các loại "leo thang", chèn lấp toàn bộ doanh thu. Vẫn theo số liệu mà nhà thầu báo cáo, tổng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp được đóng suốt 6 năm 2017 - 2022 chỉ "nhõn" 1 tỷ đồng; trá ngược với tổng doanh thu đã vượt ngưỡng 1.700 tỷ đồng, mà trong đó, có không ít tiền đến từ ngân sách nhà nước được "chảy" qua các gói thầu.
Vợ chồng ông Kết bà Hiền còn sáng lập một cơ ngơi khác, tên là Công ty TNHH Tập đoàn Cieza Việt Nam, từ năm 2009. Doanh nghiệp vẫn đang hoạt động, số vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Dù quy mô nhỏ, chuyên về buôn bán sản phẩm thiết bị xây dựng, song Tập đoàn Cieza cũng thường xuyên thua lỗ, bất chấp doanh thu có năm tăng đến 90 tỷ đồng (2017), hoặc bất ngờ giảm mạnh xuống 14 tỷ đồng (năm 2018). Tính đến hết năm 2021, doanh nghiệp này lỗ lũy kế trên 10 tỷ đồng, qua đó kéo vốn chủ sở hữu còn 39 tỷ đồng.