Bỏ phố lên Hà Giang lập nghiệp từ hai bàn tay trắng

01/01/2025 15:25

4 năm “chuyển nhà” sau khi tốt nghiệp, Đoàn Văn Hoàng (SN 1997) đã có thể vui vẻ nhìn lại những gì hai bàn tay trắng của mình làm nên tại Hà Giang.

Từ một người tay ngang, chưa hiểu biết về ngành ẩm thực, không có kiến thức liên quan đến thiết kế, xây dựng và quản trị nhân sự, giờ đây chàng trai 9X đã “nắm” trong tay: một tiệm cà phê cóc ở cổng nhà Pao, Sủng Là, một tiệm cà phê - cocktails và một tiệm pizza mỳ Ý tại thị trấn Đồng Văn.

Đến vùng đất cách quê hương mình khoảng 2.000 km một mình, anh nhanh chóng bắt tay vào đặc sản trà shan tuyết. Tuy nhiên, thời điểm này, vì bản thân chưa đủ trải nghiệm và kinh nghiệm để hiểu thị trường và nhu cầu khách hàng nên anh đã thất bại với dự án đầu tiên.

rsz-1413012870-90340-1735720035.jpg
Chàng trai 9X chụp hình cùng hai vị khách nước ngoài trước cửa quán cà phê đầu tiên anh mở ở Hà Giang. Ảnh: Hoàng Đoàn

“Khi ấy, tôi từng nghĩ đến bỏ cuộc, quay về TP.HCM cho nhẹ lòng. Nhưng rồi, suy nghĩ “lỡ làm rồi, bỏ sao đành” đã níu tôi lại. Mọi thứ chỉ thực sự thay đổi khi tôi quyết định mở quán cà phê đầu tiên. Từng chi tiết nhỏ trong quán, từ cách sắp xếp không gian, lựa chọn món, đến việc phục vụ khách đều cho mình cơ hội để học hỏi, thử nghiệm, đặt dấu ấn cá nhân”, anh cho hay.

Ở Hà Giang, với nguồn lực hạn chế, anh phải tự mình học, tự làm từ con số không. Từng thiết kế, thi công đến pha chế đều là lần đầu tiên. Anh Hoàng tập vẽ thiết kế, làm việc với thợ bản địa, tự mày mò công thức pizza hay cocktails. Hơn nữa, trong quá trình làm, anh được thấy các bạn nhân viên người H’Mông trưởng thành qua từng ngày.

Cả 3 quán mà Hoàng quản lý do các nhân viên người H’Mông vận hành. Hoàng kể, có bạn đã làm việc được 1-2 năm, nhưng có bạn chỉ mới vào làm việc hơn một tuần. Hiện tại, Hoàng đang làm việc cùng 8 bạn trẻ người bản địa. Mỗi một bạn trước khi đến quán đều có một hoàn cảnh khó khăn khác nhau.

Một bạn nhân viên người H'Mông của quán. Ảnh: Hoàng Đoàn

Một nhân viên người H’Mông đang làm việc tại quán. Ảnh: Hoàng Đoàn

Bạn nhân viên của quán dạy du khách nước ngoài thổi sáo theo phong cách của người H'Mông. Ảnh: Hoàng Đoàn

Nhân viên của quán dạy du khách nước ngoài thổi sáo theo phong cách của người H'Mông. Ảnh: Hoàng Đoàn

Chàng trai Sài Thành bày tỏ: “Từ những bạn rụt rè, ngại giao tiếp, nay đã tự tin pha chế, phục vụ khách nước ngoài, quản lý công việc trong quán. Có bạn đã sửa được căn nhà dột nát cho gia đình, mua xe máy để đưa đón người thân, hay tiết kiệm để lo cho tương lai.

Nhìn các bạn cải thiện đời sống cá nhân và gia đình, tôi cảm nhận rõ giá trị của việc kinh doanh không chỉ dừng ở lợi nhuận. Các bạn coi tôi như anh cả vậy, quan tâm chăm lo mình nhiều, suốt ngày rủ anh Hoàng về nhà ăn cơm uống rượu thôi, mà rượu ngô người H’Mông thì say lắm (cười)”.

Hoàng chụp ảnh giữa thiên nhiên Hà Giang. Ảnh: Hoàng Đoàn

Hoàng chụp ảnh giữa thiên nhiên Hà Giang. Ảnh: Hoàng Đoàn

Khi có thời gian rảnh, anh thường đi tìm hiểu cuộc sống xung quanh. Anh ấn tượng nhất là những ngọn núi đá sừng sững, những khúc cua uốn lượn và dòng sông Nho Quế xanh thẳm dưới chân đèo Mã Pí Lèng. Mỗi lần đứng trên đỉnh đèo, ngắm nhìn đất trời bao la, mọi lo toan của anh dường như tan biến, chỉ còn lại cảm giác yên bình và tự tại.

Anh thích cách sống của người dân bản địa, đơn giản từ cách họ đi chợ, chân chất mà lại đầy tình cảm. Hay, từ những câu chuyện trong chợ phiên đến những bữa cơm đạm bạc ở bản làng, anh cảm nhận rõ ràng cái tình ấm áp giữa con người với nhau. Dần dà, từ lúc nào không hay, anh đã gắn bó với vùng đất này không chỉ vì công việc.

”Hiện tại mỗi sáng mai thức dậy, mình thấy vui vì đang làm những điều bản thân thấy thoải mái và yêu thích. Có những điều làm chúng ta nản chí, nhưng cũng có những thứ giúp chúng ta có thêm động lực. Cảm xúc khi làm điều mình yêu thích thật tuyệt vời, đôi khi nó thật nhỏ bé, nhưng được làm với trọn tình yêu thương”, Hoàng tâm sự.

Chàng trai Sài Gòn nay có thể tự hào khi giới thiệu tới khách từ khắp nơi trên thế giới về cà phê Việt Nam, bia thủ công, pizza tươi và các món đồ uống được sáng tạo với những nguyên liệu địa phương với một dịch vụ chỉn chu ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

 

Ninh Phương
Bạn đang đọc bài viết "Bỏ phố lên Hà Giang lập nghiệp từ hai bàn tay trắng" tại chuyên mục Đời sống.