Bà Nguyễn Lam (ở Điện Biên) cho biết, sau khi HĐND tỉnh có Nghị quyết về giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã của từng huyện, UBND tỉnh cũng có quyết định giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã của từng huyện, theo quy định của Nghị định 33.
Sau đó, UBND huyện có quyết định giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã đến từng xã, thị trấn nhưng lại lấy biên chế của xã loại I để giao sang cho xã loại II (không có yếu tố về tăng dân số và diện tích).
Bà Lam lấy ví dụ: Xã A là xã loại I theo Nghị định 33 sẽ được giao 22 biên chế, xã B là xã loại II theo Nghị định 33 sẽ được giao 20 biên chế. Thế nhưng, quyết định của UBND huyện lại giao xã A là 21 người và xã B là 21 người.
Cả 2 xã này không được tăng biên chế do không có yếu tố về quy mô tăng dân số và quy mô tăng diện tích, HĐND tỉnh chỉ giao tổng số lượng theo đúng số lượng xã loại I, xã loại II theo Nghị định 33.
"Liệu UBND huyện này giao như vậy có đúng theo Nghị định 33 không? Có được lấy biên chế của xã loại I để giao sang thành biên chế của xã loại II không?" - bà Lam thắc mắc.
Liên quan đến phản ánh, kiến nghị của bà Nguyễn Lam, Bộ Nội vụ đã có có ý kiến phản hồi tại Cổng thông tin điện tử.
Về việc giao biên chế cán bộ, công chức cấp xã theo quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP: Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP việc giao số lượng cán bộ, công chức đối với từng đơn vị hành chính cấp xã thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
Theo đó, số lượng cán bộ, công chức cấp xã có thể thấp hơn quy định đối với đơn vị hành chính cấp xã loại III hoặc cao hơn quy định đối với đơn vị hành chính cấp xã loại I nhưng phải bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã của cả đơn vị hành chính cấp huyện do HĐND cấp tỉnh giao.
Như vậy, việc giao biên chế cán bộ, công chức cấp xã của UBND huyện Điện Biên như phản ánh nêu trên là thực hiện đúng theo quy định.