Bí thư Vĩnh Phúc chủ trì họp khai quật di tích khảo cổ học

08/08/2024 14:23

Ngày 7.8, ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - chủ trì Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp, cho ý kiến vào chủ trương khai quật Di tích khảo cổ học Đồng Đậu.

vinh-phuc-1-1723101818.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An chủ trì hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Di tích khảo cổ học Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) có quy mô hơn 8,5 ha được phát hiện vào tháng 2.1962. Từ đó đến nay, di tích đã được các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương nghiên cứu, khai quật khảo cổ 7 lần với tổng diện tích trên 800 m2.

Quá trình khai quật di tích thu được nhiều hiện vật đa dạng về chất liệu, số lượng và kiểu dáng với nhiều loại hình phong phú, các công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức, xương, răng động vật, di cốt người… phản ánh quá trình định cư lâu dài của người Việt cổ tại đây suốt gần 2 thiên niên kỷ.

Đặc biệt, Đồng Đậu là di tích khảo cổ có diễn biến văn hóa lâu dài, hiếm có, trải suốt từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên qua văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn. Đây cũng được xem là một tấm bia lịch sử ghi lại quá trình tồn tại và vươn lên từ thấp tới cao của người Việt cổ ở buổi đầu dựng nước.

Toàn cảnh hố khai quật tại di tích Đồng Đậu, năm 1969.

Toàn cảnh hố khai quật tại di tích Đồng Đậu, năm 1969.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm công trường khai quật tại di tích Đồng Đậu năm 1969.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm công trường khai quật tại di tích Đồng Đậu năm 1969. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc

Cho ý kiến vào Tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về chủ trương khai quật Di tích khảo cổ học Đồng Đậu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí với chủ trương và cho rằng, đây là công trình mang giá trị lịch sử, là cái nôi của nền văn minh lúa nước; là điều kiện để tỉnh phát triển du lịch tìm hiểu lịch sử, nguồn cội.

Do vậy, tỉnh Vĩnh Phúc cần quan tâm đầu tư, có phương án giải phóng mặt bằng, phương án bảo tồn, tôn tạo xứng tầm với di tích quốc gia đặc biệt; nghiên cứu, mở rộng diện tích khai quật để có cái nhìn tổng thể; thuê các chuyên gia khảo cổ phục dựng, tái hiện lại cuộc sống của người Việt cổ…

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng, giá trị lịch sử của Di tích khảo cổ học Đồng Đậu, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho rằng, cuộc khai quật Di tích khảo cổ học Đồng Đậu lần thứ 8 nhằm góp phần bổ sung thêm các tư liệu, hiện vật để có cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị di tích phục vụ nghiên cứu, tham quan du lịch và khơi dậy giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần, phục vụ phát triển.

Rìu, bôn bằng đá phát hiện tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999

Rìu, bôn bằng đá phát hiện tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999.

Di cốt người thuộc lớp Văn hóa Phùng Nguyên phát hiện tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc

Di cốt người thuộc lớp Văn hóa Phùng Nguyên phát hiện tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc

Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí về chủ trương khai quật di tích, giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các bộ, ngành ở Trung ương cụ thể hóa chủ trương bằng đề án để triển khai thực hiện, trong đó cần chú ý đến tầm nhìn dài hạn, nâng tầm di tích; xây dựng phương án giải phóng mặt bằng và quản lý di tích.

Ông Dương Văn An yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, có biện pháp ứng xử toàn diện và ngang tầm với các di tích lịch sử văn hóa nói chung để bảo tồn, tôn tạo các di tích phục vụ nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch, khơi dậy giá trị lịch sử văn hoá, bản sắc truyền thống quê hương Vĩnh Phúc.

Cũng tại cuộc họp ngày 7.8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thảo luận về định hướng phát triển thành phố Vĩnh Yên đến năm 2030 và một số nội dung quan trọng khác.

BẢO NGUYÊN