Trẻ tử vong do hóc dị vật
Gần đây, Bệnh viện Nhi trung ương cũng tiếp nhận nhiều trường hợp hóc dị vật đường thở ở trẻ. Theo các bác sĩ, hóc dị vật đường thở là một tai nạn nguy hiểm ở trẻ em, nếu không xử trí đúng cách có thể gây ra những di chứng rất nặng nề, thậm chí nguy hiểm tính mạng
Điển hình là trường hợp bé V.A. (7 tuổi, ở Bắc Kạn). Trong lớp học, trẻ ngậm nắp bút vào miệng và vô tình nuốt đầu bút vào đường thở, gây ho, khó thở và đau ngực. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu khác thường, giáo viên đã đưa đến phòng y tế của trường học để sơ cứu ban đầu, sau đó chuyển đến trung tâm y tế địa phương.
Trên đường đi, trẻ xuất hiện ngừng thở, ngừng tim, phải cấp cứu hồi sinh tim phổi liên tục trên đường chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh.
Tại đây, trẻ tiếp tục được cấp cứu ngừng tuần hoàn. Tuy nhiên do tổn thương não vì tình trạng thiếu oxy, trẻ xuất hiện nhiều cơn co giật liên tục, nên các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi trung ương.
Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, phó khoa cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết trẻ vào viện trong tình trạng hết sức nguy kịch. Các bác sĩ điều trị tích cực bằng các biện pháp cấp cứu và điều trị tích cực. Cùng với đó, trẻ đã được nội soi cấp cứu tại giường gắp dị vật đường thở.
"Dị vật được gắp ra là đầu bút bi màu đen, có kích thước khoảng 0,5 x 0,8cm, che lấp 70% phế quản gốc phải. Niêm mạc đường thở hai bên của trẻ phù nề, trong lòng phế quản nhiều dịch nhầy, bác sĩ Vũ Tùng Lâm - khoa khám và thăm dò hô hấp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi trung ương - cho hay.
Rất đáng tiếc, dù đã được các bác sĩ nỗ lực điều trị tích cực, nhưng do thời gian ngừng tim, ngừng thở quá lâu, tổn thương não không hồi phục, bệnh nhi đã tử vong sau 4 ngày điều trị.
Cách xử lý khi trẻ hóc dị vật
Các bác sĩ khuyến cáo khi nhận thấy trẻ bị hóc dị vật, người chăm sóc cần bình tĩnh. Trong trường hợp trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, ho có hiệu quả, không ảnh hưởng đến các chức năng sống. Hãy khuyến khích trẻ ho, tiếp tục theo dõi, đánh giá và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cấp cứu.
Nếu trẻ tím tái, không khóc hoặc khóc yếu, ho không hiệu quả. Nhanh chóng gọi cấp cứu và thực hiện các thủ thuật sơ cứu sau:
Trong trường hợp trẻ còn tỉnh:
Đối với trẻ nhỏ: Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp, dọc theo cánh tay một bên, bàn tay đỡ vùng ngực xương hàm dưới của trẻ.
Dùng gót bàn tay còn lại vỗ 5 cái vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai theo hướng xuống dưới và ra phía trước.
Nếu vẫn chưa bật được dị vật ra, tiến hành lật ngửa trẻ vẫn để dọc cánh tay, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái (tần suất 1 lần/giây).
Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.
Đối với trẻ lớn: Ngoài sử dụng biện pháp vỗ lưng ấn ngực có thể, thì người cấp cứu có thể sử dụng nghiệm pháp Heimlich với trẻ ở tư thế đứng hoặc ngồi: Người cấp cứu đứng sau nạn nhân. Do chiều cao của trẻ thấp, để hiệu quả người cấp cứu có thể nhấc trẻ lên hoặc quỳ phía sau trẻ.
Đặt gót bàn tay của một tay trên bụng trẻ ở vùng thượng vị, ngay dưới mũi xương ức, phía trên rốn, tay thứ 2 đặt trên tay thứ nhất. Dùng hai tay ấn mạnh lên bụng, ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6 - 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc, la được.
Trường hợp trẻ không tỉnh: Mở thông đường thở bằng cách ngửa đầu, nâng cằm, thổi ngạt, hồi sức tim phổi, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực đến khi trẻ tỉnh hoặc có nhân viên y tế đến.
Các bác sĩ cũng lưu ý tuyệt đối không dùng tay móc dị vật, không gây nôn hoặc cho ăn uống. Nếu trẻ vẫn tỉnh, ho có hiệu quả, cần động viên trẻ ho. Ho tự nhiên có hiệu quả hơn bất kỳ biện pháp can thiệp vật lý nào khác.
Các biện pháp vật lý (vỗ lưng, ấn ngực, Heimlich) chỉ được thực hiện khi trẻ không ho được, ho không hiệu quả và khó thở tăng dần.