Cây cổ thụ song song tại xã Y Tý là một trong những biểu tượng du lịch của huyện Bát Xát |
Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bức ảnh khách du lịch tới Bát Xát chụp ảnh bên những biển báo chỉ dẫn được thiết kế sáng tạo, bắt mắt. Chị Mai Kim Thúy, khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết: Tôi đã đi nhiều nơi và thấy ở một số quốc gia cũng có các biển báo chỉ dẫn thiết kế độc, lạ để thu hút khách du lịch. Tôi bất ngờ khi tại điểm du lịch vùng cao cũng có cách làm này.
Để tạo thuận lợi cho du khách tiếp cận các khu, điểm du lịch, thời gian qua, huyện Bát Xát đã đặt hơn 40 biển thông tin chỉ dẫn, biển cảnh báo dọc các tuyến Tỉnh lộ 156, 158… Thay vì các biển báo thông thường cứng nhắc, những biển báo độc, lạ với hình dáng cây gỗ mộc mạc, chữ viết bằng sơn phản quang tạo cảm giác thân thiện với môi trường đã thu hút sự chú ý của khách du lịch.
Ông Phạm Văn Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát cho biết: Biển chỉ dẫn không chỉ có chức năng hướng dẫn du khách, mà còn là hình ảnh đại diện cho du lịch Bát Xát. Do đó, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương thiết kế các biển chỉ dẫn vừa có tính thẩm mỹ, vừa mang dấu ấn riêng và tạo cảm giác gần gũi với cảnh quan thiên nhiên.
Những biển báo chỉ dẫn sáng tạo thu hút sự chú ý của khách du lịch. |
Ngoài biển báo chỉ dẫn, huyện Bát Xát còn xây dựng bộ công cụ quảng bá nhận diện thương hiệu gồm khẩu hiệu, logo, sách ảnh du lịch Bát Xát, cẩm nang cho hướng dẫn viên du lịch, video, clip về du lịch… Huyện cũng chú trọng phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt và quảng bá các biểu tượng du lịch như 2 cây cổ thụ song song (xã Y Tý), Cột cờ Lũng Pô (xã A Mú Sung)…
Thời gian tới, huyện Bát Xát tiếp tục nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù để tạo dấu ấn về đất và người Bát Xát tới bạn bè trong nước, quốc tế. Có như vậy mới “đánh thức” được tiềm năng về danh lam, thắng cảnh, bản sắc văn hóa của địa phương, góp phần phát triển du lịch của huyện và của tỉnh.