Bác sĩ quân y ở biên giới Việt - Lào
Một đêm mưa gió tầm tã, sản phụ A Lăng Thị Chứng - xã biên giới A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam (giáp ranh với huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) - bất ngờ trở dạ, đau bụng dữ dội. Ở nơi xa xôi được ví như “cổng trời” nơi biên giới này, mỗi khi đau ốm, người dân chỉ biết trông cậy vào thầy mo xua đuổi “con ma rừng”.
May thay trong lúc nguy cấp, một người thân trong gia đình đã nhấc máy gọi thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí, Phó Trưởng phòng khám Đa khoa Quân dân y A Xan. Bất chấp đêm khuya, đường sá khó khăn, mưa to gió lớn, chỉ 20 phút sau, bác sĩ Trí đã có mặt tại nhà sản phụ, giúp chị “vượt cạn” thành công.
Chị A Lăng Thị Chứng nhớ lại: “Nhờ có sự hướng dẫn, đỡ đẻ của bác sĩ Trí mà chỉ sau 30 phút em sinh được bé trai kháu khỉnh nặng 3kg. Vợ chồng em rất vui sướng và biết ơn bác sĩ Trí đã giúp đỡ em và người dân ở đây trong lúc khó khăn, bệnh tật”.
Thiếu tá, bác sĩ quân y Nguyễn Văn Quốc Trí cho biết, Phòng khám Đa khoa Quân dân y A Xan, phụ trách chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân ở 4 xã: Axan, Tr’hy, Gary, Ch’ơm, huyện Tây Giang.
Đây là địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí của người dân còn hạn chế nên tồn tại không ít hủ tục lạc hậu. Gần nhất, vào ngày 21.11, đơn vị cũng đã kịp thời cứu sống một phụ nữ Cơ Tu ở Tây Giang tự tử bằng lá ngón, do mâu thuẫn với chồng. Do đó, công tác tuyên truyền cho bà con khi đau ốm đến khám chữa bệnh được cán bộ đơn vị ưu tiên triển khai thực hiện.
Để gần gũi với bà con vùng biên, thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí đã học thêm tiếng Cơ Tu, giao tiếp khi khám chữa bệnh. Nhờ đó, người dân càng thêm tin vào lời nói, việc làm của những người lính mang quân hàm xanh.
Theo ông Bling Mơ ở xã Tr’hy, huyện Tây Giang, ngày trước, mỗi khi đau ốm, đa phần đồng bào các dân tộc thuộc địa bàn 4 xã: Axan, Tr’hy, Gary, Ch’ơm, huyện Tây Giang thường tìm gặp thầy cúng nhiều hơn là tìm đến trạm xá, gặp y, bác sĩ. “Từ khi có phòng khám Đa khoa Quân dân y A Xan và những cán bộ quân y tận tâm như bác sĩ Trí, đã giúp đồng bào được chăm sóc sức khỏe tốt hơn” - ông Bling Mơ cảm kích nói.
Ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Theo bác sĩ Bling Nhơi - Trưởng phòng khám đa khoa quân dân y A Xan, trung bình mỗi năm, phòng khám điều trị từ 6.000 đến 8.000 lượt bệnh nhân thuộc địa bàn 4 xã của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam và các bản giáp biên của huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông nước bạn Lào.
Đội ngũ y, bác sĩ mang quân hàm xanh và cán bộ, nhân viên y tế của phòng khám, nhất là thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí đều hết lòng vì bệnh nhân, nhiệt huyết khám, chữa bệnh theo chính sách bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động bà con xây dựng lối sống mới, cùng bộ đội biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Anh Sut Nhon, ở huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, nước CHDCND Lào cho biết: “Tôi qua đây khám được các bác sĩ chăm sóc chu đáo, nên bệnh cũng đã giảm đi nhiều. Phòng khám là địa chỉ tin cậy của bà con các bản vùng giáp biên của 2 nước Việt - Lào, mỗi khi trái gió trở trời”.
Thiếu tá Lê Văn Thu - Chính trị viên Đồn Biên phòng Tr’hy, Bộ đội biên phòng Quảng Nam - đánh giá, sau gần 20 năm gắn bó với vùng phên dậu của Tổ quốc, thiếu tá, Bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí cùng những người lính mang quân hàm xanh Đồn Biên phòng Tr’hy và cán bộ, nhân viên Phòng khám đa khoa quân dân y A Xan đã giúp đồng bào các dân tộc nơi đây, nhất là người Cơ Tu nâng cao hiểu biết về tác hại của mê tín, dị đoan, xóa dần những hủ tục lạc hậu, nhất là câu chuyện về những “con ma rừng”.
Với những cống hiến thầm lặng của mình, thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng bằng khen năm 2022. Đến tháng 6.2024, anh vinh dự góp mặt tại chương trình giao lưu “Ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” do Bộ Quốc phòng tổ chức.