
Dự án xây dựng nhà máy nước sạch thị trấn Pác Miầu đang chậm tiến độ hơn 1 năm qua. Ảnh: Tân Văn
Khó thỏa thuận đền bù
Theo kế hoạch, nhà máy cung cấp nước sạch thị trấn Pác Miầu (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) đưa vào sử dụng năm 2023, tuy nhiên đến nay, dù đã hoàn thiện trên 90% khối lượng nhưng không thể triển khai tiếp do khúc mắc với các hộ dân xung quanh.
Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất, cung cấp nước sạch của Pác Miầu vì đây là nhà máy nước sạch đầu tiên và duy nhất của cả thị trấn.
Theo tài liệu PV có được, năm 2022, do gặp địa hình núi đá nên đơn vị thi công là Công ty TNHH Nga Hải (Công ty Nga Hải) đã làm các thủ tục xin cấp phép để sử dụng vật liệu nổ, san gạt, tạo mặt bằng thi công.

Toàn cảnh nhà máy nước sạch thị trấn Pác Miầu (huyện Bảo Lâm). Ảnh: Hải Yến
Quá trình nổ mìn, rung chấn từ các vụ nổ đã gây ảnh hưởng đến các hộ dân sống cạnh dự án.
Khi nhận được phản ánh, Công ty Nga Hải đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng (chủ đầu tư), đơn vị tư vấn xuống hiện trường để ghi nhận thiệt hại. Doanh nghiệp cũng chủ động mời Trung tâm Phát triển công nghệ quản lý và Kiểm định xây dựng (Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình) tới kiểm định, thống kê, đánh giá thiệt hại, đồng thời định giá mức đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Sau khi có kết quả định giá của đơn vị kiểm định, từ tháng 11.2022, Công ty Nga Hải đã tiến hành đền bù cho các hộ dân theo kết quả định giá. Đến nay đã có 16/18 hộ dân nhận tiền đền bù với mức từ 7-88 triệu đồng. Tuy nhiên còn 3 hộ dân vẫn chưa nhận đền bù.
Được biết, đơn vị kiểm định đưa ra giá trị dự toán đối với hộ ông Tô Văn Quân số tiền là 39 triệu đồng, hộ ông Nguyễn Trung Thành 50 triệu đồng và Trần Dũng Thái 45 triệu đồng. Quá trình đơn vị thực hiện đo đạc, giám định thiệt hai đều có sự chứng kiến của chủ các gia đình, đại diện chủ hộ cũng đã ký vào biên bản làm việc hiện trường.


Dự toán đền bù của 3 hộ dân còn lại. Ảnh: Tân Văn
Ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch Công ty TNHH Nga Hải - cho biết: "Sau khi ghi nhận ảnh hưởng từ quá trình thi công dự án đến các hộ dân, công ty đã phối hợp kiểm định, đánh giá thiệt hại và đền bù cho bà con. Việc tiến hành đền bù được triển khai rất nhanh chóng và công ty cũng đã thiện chí nâng mức bồi thường lên gấp nhiều lần".
Theo ông Hải, với 3 hộ dân còn lại, họ yêu cầu công ty phải bồi thường số tiền lên đến hàng tỉ đồng là vô lý trong khi nhà chỉ bị ảnh hưởng nhỏ.
Dân thị trấn mong chờ nước sạch

Khi cơ quan chuyên môn đánh giá thiệt hại, chủ gia đình đều chứng kiến và ký biên bản hiện trường. Ảnh: Tân Văn
Hiện, công trình đã thi công được 90% khối lượng nhưng vướng một số mặt bằng UBND huyện chưa giải phóng được nên đã bị chậm trễ.
"Nếu người dân cảm thấy chưa thỏa đáng có thể gửi đơn đến tòa án chứ không nên gửi đơn khắp nơi gây mệt mỏi cho doanh nghiệp. Chúng tôi luôn sẵn sàng thực hiện theo phán quyết cuối cùng. Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là mọi việc sớm được giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật", ông Hải nói thêm.
Trao đổi với PV, ông Mã Gia Hãnh - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm - cho hay: "Địa phương đã tổ chức hàng chục buổi đối thoại, tuyên truyền để kết nối giữa người dân và doanh nghiệp với mong muốn 2 bên có tiếng nói chung, thế nhưng không thành công".
Đại diện UBND huyện cho biết thêm, người dân trong thị trấn rất mong mỏi dự án sớm đi vào hoạt động bởi tới thời điểm hiện tại, đây là nhà máy nước sạch duy nhất của địa phương.

Vì những vướng mắc mà nhà máy đang chậm tiến độ đề ra. Ảnh: Tân Văn
Ngày 24.3, trao đổi với PV, Luật sư Trần Đại Lâm (Công ty Luật TNHH ANVI) cho rằng nếu sự việc mãi kéo dài, doanh nghiệp có thể kiện ra tòa, người dân bắt buộc phải tham gia, nếu không tham gia có thể được xem là từ bỏ quyền yêu cầu bồi thường, điều này sẽ khiến người dân gặp bất lợi.
Trường hợp ra tòa, phán quyết của tòa án thường sẽ ưu tiên thẩm định độc lập nếu được thực hiện hợp pháp, khách quan, phản ánh đúng thiệt hại thực tế.
Nếu người dân có bằng chứng chứng minh đơn vị thẩm định làm việc không hợp lý, yêu cầu của họ mới được xem xét. Tuy nhiên, mức bồi thường phải dựa trên thiệt hại thực tế.
"Tóm lại, nếu yêu cầu đền bù quá cao, không có căn cứ sẽ không được chấp nhận; doanh nghiệp sẽ bồi thường đúng thiệt hại thực tế" - luật sư Lâm nói.