Khu vực Tây Bắc bộ gồm 6 tỉnh: Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Do đặc thù miền núi xa xôi, về cơ bản, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Tuy vậy vượt lên tất cả, bằng nội lực và nỗ lực, đời sống kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, có nhiều điểm sáng.
Báo Lao Động lựa chọn 10 sự kiện nổi bật của khu vực Tây Bắc bộ năm 2022:
1. Kinh tế phát triển ấn tượng, du lịch phục hồi mạnh mẽ
Mở cửa và phục hồi sản xuất mạnh mẽ sau đại dịch, kinh tế nhiều tỉnh Tây Bắc đạt con số ấn tượng.
Theo số liệu thống kê mới nhất, trong năm qua, Lào Cai đạt tốc độ tăng trưởng GDP 11%, Điện Biên 10,19%, Yên Bái 8,62%… cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước là 8,03%. Đời sống của người dân cũng vì thế đạt nhiều cải thiện đáng kể.
Trong bức tranh tăng trưởng chung, do đặc thù địa lý của khu vực, ngành du lịch vẫn luôn đóng vai trò quan trọng.
Trong năm 2022, Lào Cai với danh thắng Sa Pa, Y Tý thu về từ du lịch gần 16.000 tỉ đồng; Yên Bái với Mù Cang Chải, Hồ Thác Bà thu về hơn 1.000 tỉ đồng;…
2. Chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu đưa công nghệ đến tận thôn bản
Yên Bái là một trong những địa phương đi tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số. Tại huyện điển hình Văn Yên, chuyển đổi số đang giúp bà con tiếp cận nhiều thông tin mới, cách làm hay từ đó vươn lên thoát nghèo.
Năm 2018-2019, Yên Bái đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đô thị thông minh của tỉnh; trong đó, giai đoạn 1 về hạ tầng, cơ sở, thiết bị cho đô thị thông minh đã được hoàn thành.
Đầu năm 2022, tỉnh triển khai giai đoạn 2 của Dự án với tổng kinh phí khoảng 1.200 tỉ đồng cho các nền tảng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, của chính quyền địa phương các cấp và một ứng dụng dùng chung duy nhất cho công dân tỉnh Yên Bái.
Tính đến ngày 10.3.2022, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Văn Yên (Yên Bái) đã hoàn thành việc vận động, quyết định thành lập tổ công nghệ cộng đồng cấp xã, cấp thôn.
"Chúng tôi rất hy vọng rằng với định hướng này, Yên Bái sẽ đón đầu cơ hội bứt phá, tuy đi sau mà về trước, sớm rút ngắn khoảng cách với các tỉnh, thành phát triển", Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn nói trong một lần trả lời PV Báo Lao Động.
3. UNESCO vinh danh nghệ thuật Xoè Thái, Yên Bái đại diện tổ chức Lễ đón nhận
Tại Kỳ họp lần thứ 16 (tháng 12.2021) của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tối 24.9, đại diện cho các địa phương có đồng bào Thái sinh sống, tại sân vận động thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái), Lễ đón Bằng ghi danh Xoè Thái vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức.
Buổi lễ có Thủ tướng Phạm Minh Chính về dự và chúc mừng cộng đồng người Thái khi nghệ thuật Xoè Thái trở thành di sản văn hoá của nhân loại.
Đặc biệt, trong bài phát biểu Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trích dẫn câu dân ca Thái cổ: “Không xòe không vui. Không xòe cây ngô không ra bắp. Không xòe cây lúa không trổ bông. Không xòe trai gái không thành đôi", khiến nhiều người tham dự bất ngờ, thích thú.
4. Bước chạy đà cho ngành hàng không
Trong năm 2022, khu vực Tây Bắc ghi nhận bước chuyển mình lớn khi khởi công xây dựng sân bay Sa Pa gần 7.000 tỉ đồng vào ngày 3.3; còn sân bay Lai Châu đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương.
Bên cạnh đó, sân bay Điện Biên cũng được đầu tư nâng cấp với kinh phí trên 1.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
5. Bí thư Điện Biên được bầu làm Bộ trưởng Bộ GTVT
Sau 2 năm giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, ông Nguyễn Văn Thắng đã để lại nhiều dấu ấn với loạt công trình trọng điểm được rốt ráo triển khai: Mở rộng sân bay, chắc chắn hoàn thành tuyến cao tốc Điện Biên - Sơn La và cải thiện môi trường đầu tư...
Tháng 10.2022, ông Thắng về Trung ương, được bầu làm Bộ trưởng Bộ GTVT.
Người lên thay vị trí Bí thư Biện Biên là ông Trần Quốc Cường, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
6. Nhiều công trình lớn có ý nghĩa được hoàn thành
Cầu cạn Móng Sến (thuộc địa phận thị xã Sa Pa) sẽ thông xe trong đầu quý IV.2022, đây là cây cầu trên cạn có trụ cao nhất Việt Nam (83m), nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa, làm giảm áp lực giao thông cho tuyến huyết mạch Quốc lộ 4D.
Khi được đưa vào sử dụng cây cầu này rút ngắn quãng đường đến với khu du lịch Sa Pa, qua đó góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Trong năm, Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được khởi công xây dựng ngày 13.3.2021 với tổng mức đầu tư hơn 100 tỉ đồng chủ yếu từ nguồn tài trợ.
Công trình có kiến trúc vô cùng độc đáo này đã khánh thành vào dịp Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2022).
7. Lần đầu tiên tổ chức hội chợ Sâm Lai Châu
Tối 11.11.2022, tỉnh Lai Châu đã tổ chức lễ khai mạc Hội chợ sâm Lai Châu năm 2022 với chủ đề "Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa".
Về dự và phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặt nhiều kỳ vọng: "Tôi mong muốn sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác cần xứng danh với tên gọi "quốc bảo" của Việt Nam và chúng ta phải nỗ lực làm mọi cách để phát huy mạnh mẽ vai trò "quốc bảo" trong quốc kế dân sinh".
8. Cầu truyền hình Olympia lần đầu tiên đến Sơn La
Tháng 10.2022, em Bùi Anh Đức (học sinh trường THPT chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La) là thí sinh đầu tiên của Sơn La góp mặt trong trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình không mấy khá giả lại có bố mẹ ốm đau triền miên, nhưng vượt lên nghịch cảnh, cậu học trò vẫn có được cho mình bảng thành tích học tập đầy ấn tượng như giải Nhì tiếng Anh cấp tỉnh năm lớp 10, giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp Quốc gia năm lớp 11, Huy chương Vàng Olympic tiếng Anh cấp Quốc gia... và trở thành học sinh đầu tiên của tỉnh mang cầu truyền hình Olympia về tỉnh Sơn La.
9. Sáu gói thầu giao thông miền núi phía Bắc được khởi công trong tháng 7.2022
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng phát triển châu Á và Chính phủ Úc tài trợ có tổng mức đầu tư là hơn 5.300 tỉ đồng, nhằm rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
Trong tháng 7.2022, 6/12 gói thầu sẽ được khởi công. Hai gói thầu còn lại (XL-07, XL-11) đã phát hành hồ sơ mời thầu ngày 7.6.2022, dự kiến khởi công trong tháng 9.2022”.
Đại diện Cục QLXD cho biết, đơn vị này đã yêu cầu Ban QLDA 2 đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đang triển khai thi công, tập trung hoàn thành các thủ tục khởi công các gói thầu còn lại, tránh tình trạng chậm tiến độ kéo dài.
10. Ông Ngô Văn Tuấn - Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình giữ chức Tổng Kiểm toán nhà nước
Chiều 21.10, sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đó, với tuyệt đại đa số Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết, ông Ngô Văn Tuấn được bầu làm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Ngô Văn Tuấn sinh ngày 2.8.1971; quê quán: Xã Liên Bão, huyện Tiên Du, Bắc Ninh; ông có trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Kinh tế; Cao cấp lý luận chính trị.
Quá trình công tác, ông Tuấn từng kinh qua nhiều vị trí khác nhau trong đó có thời gian dài gắn bó với ngành tài chính.