10 năm Cao Bằng loay hoay hoàn thiện khu công nghiệp đầu tiên

09/04/2025 09:03

Cao Bằng - Dù đã được bổ sung quy hoạch từ lâu, nhưng vì nhiều nguyên nhân, khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh này vẫn chưa thể hoàn thành.

10 năm Cao Bằng loay hoay hoàn thiện khu công nghiệp đầu tiên

Qua 10 năm xây dựng, Khu công nghiệp Chu Trinh vẫn chưa thể hoàn thiện. Ảnh: Tân Văn.

10 năm xây dựng khu công nghiệp

Khu công nghiệp Chu Trinh (xã Chu Trinh, TP Cao Bằng) có quy mô 80,941 ha, được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển KCN Việt Nam đến năm 2020.

Dự án đã được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và thành lập theo Quyết định số 936/QĐ-UBND ngày 30.6.2015. Tỉnh cũng phê duyệt gần 170 tỉ đồng để đầu tư xây dựng đường vào khu công nghiệp và hệ thống xử lý nước thải.

Trạm xử lý nước thải bên trong khu công nghiệp là công trình duy nhất đã hoàn thiện. Ảnh: Tân Văn

Trạm xử lý nước thải bên trong khu công nghiệp là công trình duy nhất đã hoàn thiện. Ảnh: Tân Văn

Tuy nhiên, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất, với khoảng 63 ha chưa được bàn giao, gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư.

Theo quy hoạch sử dụng đất, KCN Chu Trinh sẽ gồm: 1,16ha đất trung tâm dịch vụ (chiếm 1,43%); 54,655 ha đất công nghiệp (67,53%); 15,569 ha đất cây xanh, mặt nước (19,23%); 2,683 ha đất hạ tầng kỹ thuật (3,32%) và 6,874 ha đất giao thông (8,94%). KCN được định hướng phát triển theo mô hình xanh, sạch, gắn kết cảnh quan thiên nhiên, với khu trung tâm bố trí sát tuyến đường nội bộ, nhà máy, kho bãi dọc hai bên đường trục chính.

Ghi nhận thực tế ngày 7.4, tại KCN trạm xử lý nước thải công suất 1.200 m3/ngày đêm đã hoàn thiện. Một đoạn đường 4 làn kết nối với Quốc lộ 34 đi Lạng Sơn đã được xây nên, từ đây cũng có thể di chuyển tới Quốc lộ 3 đi Thái Nguyên và trong thời gian tới sẽ kết nối cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Hệ thống điện quốc gia và nguồn nước sạch đã sẵn sàng phục vụ toàn bộ hoạt động tại KCN.

Một đoạn đường kết nối nội khu đang vướng mặt bằng. Ảnh: Tân Văn

Một đoạn đường kết nối nội khu đang vướng mặt bằng. Ảnh: Tân Văn

Tuy nhiên, phần lớn diện tích tại đây vẫn là ruộng và đất đồi núi đá, đất rừng, một số đoạn đường kết nối trong khu do xây dựng từ lâu xuất hiện các vị trí hỏng hóc, nứt nẻ. Toàn bộ KCN chỉ lác đác 4 - 5 công nhân cùng 1 máy xúc đang xây dựng 1 đoạn bờ kè rọ đá.

Trao đổi với PV, anh Hoàng Mạnh Đạt (xã Chu Trinh) - chia sẻ: "Thấy xây dựng từ lâu mà mãi không xong, kỳ vọng lắm, nếu nhà nước làm xong có công ty họ vào đây hoạt động thì người dân có việc làm không phải rời quê đi Bắc Ninh, Thái Nguyên... nữa".

Những nguyên nhân kéo ngược tiến độ

Hiện tỉnh Cao Bằng đã đầu tư 153 tỉ đồng xây dựng 1.124 m đường vào KCN, trong đó có 260 m đường đấu nối Quốc lộ 34B và 864 m đường nội bộ. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cao Bằng đang xin bổ sung vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 và kêu gọi nhà đầu tư.

Thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cao Bằng, điều kiện khai thác KCN đã đảm bảo, nhưng vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Hiện mới có 17/80,941 ha được giải phóng để xây dựng đường vào và hệ thống xử lý nước thải. Trong 63 ha còn lại, có tới hơn 37 ha là đất rừng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Đường kết nối được làm từ lâu, xuất hiện dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: Tân Văn.

Đường kết nối được làm từ lâu, xuất hiện dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: Tân Văn.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cao Bằng sẽ phân bổ 90 tỉ đồng xây dựng Trung tâm điều hành, cổng KCN và giải phóng mặt bằng, trong đó 50 tỉ đồng đã có kế hoạch, 40 tỉ đồng sẽ được cân đối sau. HĐND tỉnh Cao Bằng cũng chấp thuận chủ trương chuyển đổi hơn 35 ha đất rừng để triển khai dự án. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động môi trường vẫn đang trong quá trình thực hiện, điều này ít nhiều làm chậm tiến độ hoàn thiện KCN.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2026 - 2030, KCN cần hoàn thiện 1,5 km đường, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, thoát nước mặt, san gạt mặt bằng, hệ thống cấp nước, cứu hỏa, cây xanh và hồ sinh thái.

Hệ thống điện sẵn sàng cung cấp cho các hoạt động sản xuất. Ảnh: Tân Văn

Hệ thống điện sẵn sàng cung cấp cho các hoạt động sản xuất. Ảnh: Tân Văn

Khi KCN vận hành tối đa công suất, hệ thống xử lý nước thải sẽ được nâng lên 2.400 m³/ngày đêm. Ban Quản lý Khu Kinh tế đề xuất UBND tỉnh Cao Bằng sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và yêu cầu các sở, ngành liên quan đẩy nhanh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhằm thúc đẩy tiến độ dự án.

Tân Văn