Đầu tháng 11.2023, ông V.A (52 tuổi, quê Yên Bái) sốt cao, ho, nôn ói, kiệt sức, đau nhức khắp người và phát ban lấm tấm trên cơ thể. Lúc đó, ông V.A chỉ nghĩ do đi rừng bị dị ứng, nhưng càng lúc lại càng mệt, sốt không thuyên giảm.
Sau khi được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái điều trị 2 ngày nhưng không đỡ, bệnh nhân phải chuyển xuống Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Người đàn ông nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, xuất huyết toàn bộ phần cánh tay, lan xuống thắt lưng hai bên, tím tái toàn thân, tiểu cầu thấp. Các bác sĩ nhanh chóng cho truyền máu, truyền tiểu cầu để cấp cứu.
“Bệnh nhân gặp tình trạng xuất huyết trong cơ, gần như không thể can thiệp ngoại khoa. Chưa kể, người bệnh còn bị bội nhiễm”, bác sĩ Phạm Thanh Bằng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nói và thông tin - sau hơn 2 tuần điều trị, sức khỏe người bệnh không cải thiện, tiên lượng nặng, suy hô hấp, gia đình xin đưa về nhà.
Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ghi nhận 393 trường hợp sốt xuất huyết (tăng 270 ca so với cùng kỳ năm 2022).
Trong đó, 307 ca mắc sốt xuất huyết xâm nhập điều trị tại tỉnh Yên Bái, 86 ca không xác định yếu tố dịch tễ. Cao điểm tháng 10 và tháng 11, địa phương này ghi nhận gần 230 ca mắc.
Hiện nay, các ca bệnh sốt xuất huyết tại Yên Bái không xác định yếu tố dịch tễ do đi lại giao thương kinh tế, học tập, làm việc của người dân. Dịp cuối năm, người dân từ Hà Nội và các tỉnh đang có dịch bệnh lưu hành trở về địa phương rất nhiều nên các ca bệnh xâm nhập có thể tiếp tục tăng.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Yên Bái khuyến cáo: Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa; ngủ màn. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.