Yên Bái: Khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch cộng đồng

25/06/2024 14:22

TTTĐ - Những năm qua, việc phát triển du lịch cộng đồng được tỉnh Yên Bái ưu tiên thực hiện. Hướng đi này đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số.

Hướng đi đúng

Yên Bái là tỉnh miền núi, sở hữu nhiều tiềm năng tự nhiên để phát triển du lịch như: Vùng hồ Thác Bà, cánh đồng Mường Lò, các khu nước khoáng nóng, cảnh quan, khí hậu, thiên nhiên, danh lam thắng cảnh vùng cao ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ.

Toàn tỉnh có 30 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó 12 dân tộc giữ được những giá trị văn hóa đặc sắc, có thể trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh là: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Mông, Dao, Cao Lan, Giáy, Khơ Mú, Phù Lá, Mường, Hoa.

4449-du-lich-cong-dong-yen-bai-4202406250855540787060-1719299985.jpg
Du khách trải nghiệm sao chè Suối Giàng ở Yên Bái

Nhận thấy lợi thế này, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách đặc thù để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng.

Điển hình, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 29/12/2017 về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 83-CTr/TU ngày 5/8/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 35-NQ/TU ngày 18/10/2016 của Ban Chấp Đảng bộ tỉnh khóa XVIII.

Theo đó, các chương trình giới thiệu, quảng bá tiềm năng của tỉnh, cơ hội đầu tư, kinh doanh của tỉnh được triển khai đã thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; hình thành và phát triển được 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã huy động các nguồn lực cho sự phát triển du lịch. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút được 16 dự án đầu tư cho phát triển du lịch với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 10.235 tỷ đồng.

Nhiều thanh niên thoát nghèo nhờ homestay

Nói đến mô hình du lịch cộng đồng ở Yên Bái không thể không nhắc tới “Hello Mù Cang Chải” - mô hình homestay của anh Giàng A Dê tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.

Tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Thái Nguyên, Giàng A Dê vào làm việc tại chi nhánh Viettel Mù Cang Chải. Tuy nhiên, công việc bấp bênh khiến anh trăn trở và càng muốn làm giàu trên chính quê hương. Giàng A Dê bảo, anh quan sát thấy khách Tây rất thích thú với phong cảnh nguyên sơ và văn hóa, phong tục của người Mông. Vì vậy, anh đã quyết tâm nghỉ việc và khởi nghiệp với homestay Hello Mù Cang Chải.

4447-du-lich-cong-dong-yen-bai-3202406250855542616690-1719300024.png
Vợ chồng anh Giàng A Dê khởi nghiệp thành công với mô hình du lịch cộng đồng Hello Mù Cang Chải

Kể lại quá trình khởi nghiệp của mình, Giàng A Dê bảo: “Là một thanh niên Mông, tôi hiểu phong tục, tập quán, văn hóa bản địa là nét riêng đặc sắc của quê hương mình. Mù Cang Chải rất đặc sắc, sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên, ruộng bậc thang tuyệt đẹp.

Năm 2017, tôi đã quyết định mở một homestay dựa vào những lợi thế này để phát triểu du lịch tại xã La Pán Tẩn với nhiều chương trình để du khách cùng ăn, cùng ở, cùng trải nghiệm cuộc sống của dân tộc Mông…”.

Anh A Dê đã cùng vợ học tiếng Anh, rồi nâng cấp, cải tạo cảnh quan, cải thiện chất lượng dịch vụ. Nhờ đó, du khách đến với Hello Mù Cang Chải ngày càng đông hơn. Khách du lịch nước ngoài đến đây tự nấu ăn, dạy tiếng Anh cho bà con dân bản, đi suối bắt cá, xuống ruộng cày, cấy mạ… Họ thích thú khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Mù Cang Chải và trải nghiệm nhiều tập quán của người Mông.

Đáng nói là, không chỉ phát triển mô hình du lịch cộng đồng, A Dê và vợ còn mở lớp học tiếng Anh miễn phí trẻ em, thanh niên trong bản, giúp trở thành những hướng dẫn viên địa phương. Anh cũng mở một tủ sách miễn phí với tên gọi “I Have A Book”, liên kết các tổ chức phi lợi nhuận KOTO tuyển sinh các bạn thanh niên trong huyện.

“Mình hy vọng những hoạt động này sẽ góp phần cải thiện đời sống của người dân La Pán Tẩn ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, từ việc làm của bản thân mình sẽ truyền cảm hứng để nhiều người Mông vươn lên thoát nghèo”, A Dê cho biết.

4451-du-lich-cong-dong-yen-bai-5202406250855544982730-1719300070.jpg

Phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc thù

Có thể thấy, phát triển du lịch cộng đồng là một trong những hướng đi quan trọng của tỉnh Yên Bái, góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân ở các vùng dân tộc thiểu số.

Từ mô hình đầu tiên ở bản Đêu, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) năm 2005, đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có 209 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng. Điển hình như: Du lịch cộng đồng ở thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh), thôn Đồng Tý (xã Phúc An), huyện Yên Bình; bản Sà Rèn (xã Nghĩa Lợi), thị xã Nghĩa Lộ; bản Thái (thị trấn Mù Cang Chải), bản Mông (xã La Pán Tẩn), huyện Mù Cang Chải; mô hình trải nghiệm làm cốm, làm xôi với người Thái tại xã Tú Lệ; thu hoạch, chế biến thủ công các sản phẩm chè với người Mông xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn…

4444-du-lich-cong-dong-yen-bai-1202406250855546367950-1719300111.png
Du khách mê mẩn với vẻ đẹp của ruộng bậc thang ở Mù

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng hiện đã được nâng cao về cơ sở vật chất cũng như chất lượng phục vụ. Trung bình, mỗi gia đình làm dịch vụ đón khoảng 600 - 700 lượt khách/năm.

Khách du lịch đến với địa phương chủ yếu là đi lẻ, thỉnh thoảng có nhóm đi theo gia đình và nhóm bạn với nhau, khách nước ngoài thường đến từ các quốc gia như: Anh, Pháp, Canada…

Nhờ mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp phát triển, người dân ở Yên Bái đã có thêm thu nhập từ việc kết hợp bán một số mặt hàng địa phương làm quà lưu niệm như: Thổ cẩm, quần áo dân tộc, đệm ghế, gối, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, đặc sản mật ong hoa rừng, các sản phẩm từ quả sơn tra (táo mèo), dịch vụ tắm lá thuốc dân tộc…

Tỉnh Yên Bái cũng đã tập trung phát triển các sản vật, đặc sản của địa phương thành hàng hóa để phục vụ du lịch như: Chè Suối Giàng, bưởi Đại Minh, quế Văn Yên, sơn tra Mù Cang Chải, măng tre Bát Độ, gà xương đen Mù Cang Chải, vịt bầu Lâm Thượng, mật ong Mù Cang Chải, khoai sọ nương Trạm Tấu, các loại cá vùng Mường Lò và vùng hồ Thác Bà, gạo nếp Tú Lệ…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng phát huy được những giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Những làng nghề truyền thống đã được hình thành và được du khách biết đến như: Làng nghề dệt thổ cẩm Thái, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ; làng nghề tranh đá quý, đá cảnh thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên; đá cảnh Suối Giàng, huyện Văn Chấn, làng nghề đan rọ tôm, thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, làng nghề trồng, chế biến, bảo quản chè Suối Giàng...

4454-du-lich-cong-dong-yen-bai-6202406250855549106390-1719300158.jpg
Du khách đạp xe thăm bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ)

Tại Yên Bái, một số tuyến du lịch cộng đồng được khai thác hiệu quả như: Sơn Thịnh - Suối Giàng - Sà Rèn (Nghĩa Lợi) - Tú Lệ - La Pán Tẩn - thị trấn Mù Cang Chải; Sơn Thịnh - Nghĩa An - Trạm Tấu; Phúc An - Vũ Linh - Cẩm Nhân - Ngọc Chấn; Khai Trung - Mường Lai.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho hay, trước tiềm năng, lợi thế và hiệu quả của các mô hình du lịch cộng đồng, Sở đã tham mưu ban hành Hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí tạm thời về công nhận thôn (bản) du lịch cộng đồng tỉnh Yên Bái sau khi UBND tỉnh ban hành

quyết định và bộ tiêu chí tạm thời công nhận thôn (bản) du lịch cộng đồng của tỉnh.

Hy vọng, với những chính sách đúng hướng, đặc thù, bám sát thực tiễn, du lịch cộng đồng nói riêng và du lịch Yên Bái nói chung sẽ có nhiều bứt phá, góp phần tạo nên bức tranh khởi sắc về kinh tế, xã hội của tỉnh vùng cao này.

Thái Sơn