Trở lại những cánh rừng chết
Chiều 19.7, phóng viên Báo Lao Động đã trở lại đỉnh đèo Pha Đin thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên - hiện trường vụ phá rừng hơn 1 năm trước. Khung cảnh tan hoang hiện ra, hàng trăm gốc thông già đã khô, mục nằm lẫn trong cỏ dại. Con đường đất doanh nghiệp khai thác gỗ đã san ủi trái phép để vận xuất lâm sản vẫn còn đỏ quạch, mưa lũ xói mòn tạo ra những mảng màu loang lổ…
Những cánh rừng thông xanh tốt hàng chục năm tuổi giờ đây trở thành những khu “rừng chết”. Lác đác có một vài ngôi mộ được người dân chôn cất người quá cố…
Tại bãi đất làm nơi tập kết, sơ chế gỗ mà doanh nghiệp đã huy động nhiều phương tiện máy móc hiện đại hoạt động nhộn nhịp hơn 1 năm trước giờ trống trơn. Nơi lán ở của hàng chục công nhân cũng đang rào kín và vẫn còn sót lại nhiều vết tích.
Có mặt cùng phóng viên tại hiện trường, ông Lầu A Dùa – Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình cũng thở dài ngao ngán: “Không biết bao giờ vụ án mới kết thúc để người dân yên tâm lao động, sản xuất và trồng lại rừng”…
Theo ông Lầu A Dùa, vì hơn một năm qua cơ quan chức năng chưa có kết luận nên một số hộ dân sốt ruột đã tự ý dọn dẹp để trồng lại rừng. Tuy nhiên, hành động này đã bị chính quyền và kiểm lâm phát hiện, ngăn chặn vì nơi đây vẫn được coi là hiện trường vụ án...
“Huyện cũng đã có chủ trương cấp cho một số giống cây, xã cũng mong muốn người dân trồng lại rừng để những cánh rừng chết sớm được hồi sinh. Thế nhưng kiểm lâm nói là chưa được dọn dẹp vì vụ án vẫn chưa kết thúc” – ông Dùa nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, từ sau khi vụ phá rừng xảy ra từ tháng 4 đến tháng 7.2021, hàng chục hộ dân vẫn thấp thỏm chờ… kết luận của cơ quan chức năng. Trong nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri HĐND các cấp, người dân cũng nêu ý kiến rất gay gắt.
“Họ mong muốn sớm có kết luận, ai sai thì phải chịu trách nhiệm. Phải có kết luận rõ ràng để dân được trồng lại rừng và ổn định cuộc sống. Không thể cứ “treo” mãi như thế này khiến cho họ cảm thấy bất an. Không chỉ có các hộ đã khai thác mà ngay cả những hộ có rừng nhưng chưa được khai thác cũng mong mỏi kết luận cuối cùng” – ông Dùa nói.
Khởi tố vụ án hình sự
Tháng 7.2021, Báo Lao Động có loạt bài phản ánh về vụ phá rừng trên đỉnh Pha Đin. Đây là vụ phá rừng trái pháp luật có tính chất nghiêm trọng, có quy mô, có tổ chức. Tại đây, tình trạng tự ý khai thác rừng thông được một doanh nghiệp triển khai quy mô, nhộn nhịp trước sự "bất lực" của chính quyền và lực lượng kiểm lâm.
Hàng trăm hecta rừng thông từ 15 - 30 tuổi tại khu vực này là rừng phòng hộ theo Quyết định số 1208/QÐ-UBND, ngày 21.12.2018 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt “Dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Sau khi Báo Lao Động phản ánh, ông Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên - đã trực tiếp đến kiểm tra tại hiện trường. Tiếp đó, nhiều buổi làm việc giữa các đơn vị liên quan cũng đã được tổ chức. Tại buổi làm việc với chính quyền huyện Tuần Giáo ngay sau đó, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm - cơ quan thực thi pháp luật về bảo vệ rừng cao nhất của tỉnh Điện Biên - khẳng định "vụ phá rừng có dấu hiệu hình sự".
Tiếp đó, đến ngày 20.9.2021, ông Hà Lương Hồng - Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Điện Biên đã ký Quyết định khởi tố vụ án hình sự: Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Quyết định được gửi đến Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Điện Biên. Sau đó vụ án được giao cho Công an huyện Tuần Giáo thụ lý. Tuy nhiên, sau hơn 10 tháng, người dân vẫn chưa biết ai sẽ bị khởi tố - người dân, doanh nghiệp hay những người khác có liên quan?
Chiều 20.7, phóng viên Báo Lao Động đã liên hệ làm việc với Đại tá Nguyễn Quốc Toản – Trưởng Công an huyện Tuần giáo để tìm hiểu vụ việc. Tuy nhiên, ông Toản cho biết liên quan đến vụ việc này, đơn vị đã báo cáo Công an tỉnh và Ban Nội chính Tỉnh ủy nên chưa thể thông tin...
Một vụ phá rừng trái pháp luật tưởng như đã rất rõ ràng, thế nhưng lại trở thành một vụ án phức tạp, kéo dài cả năm chưa kết thúc. Nguyên nhân do đâu?