Vì sao hàng loạt cán bộ xã ở Tuyên Quang bị khởi tố?

08/07/2022 18:20

Tuyên Quang - Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay đã có 4 cán bộ địa chính xã ở Tuyên Quang bị bắt và khởi tố, một số trường hợp khác đang bị điều tra, xác minh theo đơn thư tố giác của người dân về những sai phạm, dấu hiệu sai phạm trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai.

Vì sao hàng loạt cán bộ xã ở Tuyên Quang bị khởi tố?
Hàng nghìn m2 đất của HTX Nông nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương, Tuyên Quang) bằng một cách nào đó đã được cấp sổ đỏ cho một số cá nhân.

Hàng loạt cán bộ địa chính bị bắt vì đất

Ngày 8.4, Công an tỉnh Tuyên Quang khởi tố, bắt tạm giam Đoàn Văn Minh - Công chức địa chính xã Thái Long (TP. Tuyên Quang) về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". 

Theo điều tra, Minh đã yêu cầu người dân phải đưa 10 triệu đồng thì mới làm thủ tục xác nhận vào tờ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp, hoàn thiện hồ sơ mua bán đất.

Ngày 5.6, Công an tỉnh Tuyên Quang khởi tố, bắt tạm giam đối với Đỗ Duy Thêm và một người khác về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Thời điểm đó, Thêm là công chức địa chính xã Sơn Nam (huyện Sơn Dương).

Công an xác định, Đỗ Duy Thêm đã làm giả giấy tờ, tài liệu nguồn gốc thửa đất có diện tích 263,3m2 để chuyển nguồn gốc thửa đất từ đất công thành đất tư của cá nhân, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Ngày 10.6, Ma Công Nơi - Cán bộ địa chính xã Minh Quang (Lâm Bình) cũng đã bị bắt về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Văn bản được cho là giấy tờ chuyển nhượng 2 mảnh đất công gần 700m2 cho tư nhân có chữ ký và xác thực của Chủ tịch UBND và cán bộ địa chính xã Nhữ Khê (Yên Sơn, Tuyên Quang).
Văn bản được cho là giấy tờ chuyển nhượng 2 mảnh đất công gần 700m2 cho tư nhân có chữ ký và xác thực của Chủ tịch UBND và cán bộ địa chính xã Nhữ Khê (Yên Sơn, Tuyên Quang).

Lợi dụng nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân trên địa bàn, Nơi đã tự ý thu, nhận 23 triệu đồng của người dân trên địa bàn để tiêu sài cá nhân.

Cũng liên quan đến đất đai, tháng 3.2022, một người dân đã gửi đơn tố giác ông Trần Thanh Hoàn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Nhữ Khê (Yên Sơn) khi đã nhận 3 tỉ đồng để chuyển nhượng gần 700m2 đất đã được cấp sổ đỏ cho trường mầm non xã cho tư nhân.

Hiện vụ việc đang được Công an huyện Yên Sơn điều tra xác minh. Trong khi đó, ông Hoàn đã được điều chuyển đến xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) để làm công tác khác.

Gần đây, 76 hộ dân tại thôn Khuân Thê (xã Phúc Ứng, Sơn Dương) đã làm đơn gửi tới Ban Dân nguyện của Quốc hội tố cáo hành vi sai phạm của cán bộ địa chính xã (giai đoạn 2010-2015) khi đã "âm thầm" biến hàng nghìn m2 đất của HTX nông nghiệp thành đất tư, cấp sổ đỏ cho nhiều cá nhân.

Có dấu hiệu buông lỏng quản lý

Trao đổi với PV về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, đất đai được ví như “miếng mồi ngon” của các cán bộ tham nhũng. Chưa bao giờ nạn tham nhũng, gây thất thoát lãng phí đất đai nói riêng và tài sản công nói chung được phát hiện, xử lý nhiều như những năm vừa qua. 

Theo luật sư Bình, nguyên nhân xuất phát sự thiếu nhất quán trong chính sách quản lý đất đai, giữa Luật Đất đai và các luật liên quan. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai chưa thường xuyên, chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai chưa đủ mạnh.

Bên cạnh đó, việc quản lý đất đai của các cấp chính quyền còn sơ hở, lỏng lẻo, việc sử dụng đất đai có nơi còn lãng phí đã tạo kẽ hở cho các hành vi tham nhũng, trục lợi. Thực trạng này không loại trừ sự thiếu tu dưỡng, sự tự diễn biến, tự chuyển hóa của một số cán bộ, công chức. 

Người dân xã Nhữ Khê bức xúc trước việc đất công bị “âm thầm” bán cho tư nhân và đề nghị nếu đúng thì phải xử lý nghiêm.
Người dân xã Nhữ Khê bức xúc trước việc đất công bị “âm thầm” bán cho tư nhân và đề nghị nếu đúng thì phải khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm. 

Luật sư Bình nhấn mạnh: “Để xảy ra sai phạm lớn về đất đai không chỉ khiến địa phương mất cán bộ, thiệt hại về kinh tế cho ngân sách Nhà nước mà còn làm suy giảm lòng tin của người dân.

Do đó trước khi các quy định của pháp luật về đất đai được hoàn thiện chặt chẽ hơn, thì công tác cán bộ cần phải được quan tâm bồi dưỡng cũng như kiểm soát chặt, xử lý nghiêm nếu có biểu hiện suy thoái, tiêu cực”.

Đồng quan điểm, luật sư Lương Văn Chương - Đoàn Luật sự TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Bản thân pháp luật với những khiếm khuyết của nó không xấu, nhưng việc người ta cố tình lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi là cần lên án”.

Một số công chức đặc biệt là từ cấp cơ sở đã lợi dụng những kẽ hở này để cố tình làm trái quy định của pháp luật. Nhưng nghiêm trọng hơn, việc này còn cho thấy có dấu hiệu của buông lỏng công tác quản lý cán bộ.

Vì vậy, theo luật sư Chương: “Cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là người đứng đầu các địa phương cần quyết liệt chỉ đạo và nghiêm túc xử lý đối với các trường hợp đã và đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật như trên”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Nghị quyết đã chỉ ra việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.