Phát triển du lịch từ di sản văn hóa

03/01/2023 08:54

Cùng với hệ thống di tích lịch sử Điện Biên Phủ, trên địa bàn tỉnh có nhiều cảnh quan, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng, tạo điểm nhấn, sức hút để du khách tìm hiểu, khám phá khi đến Điện Biên. Với 19 dân tộc anh em sinh sống, Điện Biên có kho di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú, đặc sắc. Đặc biệt với 14 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được công nhận, việc khai thác các sản phẩm du lịch từ di sản văn hóa là vấn đề cần được ngành chuyên môn tỉnh nhà nghiên cứu, tổ chức vừa gìn giữ truyền thống dân tộc vừa phát triển du lịch địa phương.

Hệ thống di sản văn hóa các dân tộc đã tạo nên không gian văn hóa Điện Biên nhiều màu sắc, vô cùng đặc sắc, góp phần vào sự đa dạng của văn hóa Việt Nam. Ở khía cạnh khác, di sản văn hóa góp phần quan trọng vào sự phát triển du lịch nếu biết cách khai thác, phát huy giá trị. Các lễ hội, làng nghề, phong tục, tập quán của mỗi dân tộc tạo nên nét đặc trưng, đa dạng, phong phú của hệ thống di sản văn hóa các dân tộc Điện Biên. Sự phong phú của hệ thống di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh vừa tạo nên không gian văn hóa đặc sắc vừa đóng góp quan trọng vào sự đa dạng của văn hóa Việt Nam và sự phát triển du lịch - ngành “công nghiệp không khói” được xác định là mũi nhọn phát triển của tỉnh. Các làng nghề truyền thống, phong tục, lễ hội văn hóa đa dạng của 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh chính là nguồn tài nguyên phong phú, đặc sắc để tỉnh khai thác phát triển du lịch, góp phần tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Xây dựng sản phẩm du lịch từ di sản văn hóa chính là việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống hàng ngày của người dân. Với loại hình du lịch văn hóa, du khách có thể tham quan di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống bảo tàng, công trình văn hóa, hoạt động nghệ thuật, đồng thời tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa, lễ hội, lối sống địa phương, thưởng thức ẩm thực, sản vật vùng miền...

Việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vào phát triển du lịch không được tách rời cộng đồng các dân tộc; cần coi trọng vai trò của người dân, gắn với việc hài hòa lợi ích, tạo điều kiện để người dân tham gia làm du lịch. Gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc. Huy động sự tham gia của người dân làm du lịch bằng các sản phẩm bổ trợ để du khách trải nghiệm đời sống văn hóa, nếp sinh hoạt, sản xuất tại địa phương; phục dựng và trình diễn lễ hội, văn nghệ dân gian, các nghề truyền thống. Mới đây, bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ đã xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng, huy động được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân trong bản, trong xã và toàn huyện. Với 140 hộ đều là dân tộc Thái, người dân ở Nà Sự đã tạo nên nét văn hóa riêng biệt, đặc sắc trong đời sống, phong tục, tập quán. Góp phần xây dựng bản làng đáp ứng tiêu chí nông thôn mới, khi cấp ủy, chính quyền địa phương chủ trương xây dựng Nà Sự thành bản văn hóa du lịch, bà con trong bản đều hưởng ứng tham gia. Ngoài việc đầu tư của mỗi gia đình trở thành nơi lưu trú, đoàn viên thanh niên trong xã, trong huyện cùng nhân dân đã chung sức cải tạo cảnh quan bản làng, các điểm tham quan, vui chơi... Và chỉ sau thời gian ngắn, Nà Sự đã trở thành điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách khám phá, trải nghiệm nếp sinh hoạt, sản xuất; tham gia chế biến, thưởng thức ẩm thực địa phương và giao lưu văn hóa văn nghệ với các tiết mục đậm bản sắc dân tộc Thái. Việc thu hút du khách, giữ chân du khách trở lại tiếp tục là mục tiêu phát triển du lịch của Nà Sự song đây cũng là cách làm để các địa phương khác học hỏi trong việc khai thác di sản văn hóa phát triển du lịch.

Mặc dù sở hữu hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khá phong phú, đa dạng nhưng thực tế hiện nay việc khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Sản phẩm du lịch dựa vào văn hóa các dân tộc còn đơn điệu, chưa hấp dẫn du khách. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã xác định đặt mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc... để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Đây cũng là mục tiêu nhằm thực hiện tốt nội dung Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh “gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”.

Để hiện thực hóa mục tiêu này cần sự tham gia tích cực, trách nhiệm hơn nữa của người làm chuyên môn và chính cộng đồng các dân tộc sở hữu di sản văn hóa. Du lịch Điện Biên lựa chọn xây dựng sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác giá trị di sản văn hóa, gắn với văn hóa cộng đồng. Sản phẩm du lịch văn hóa phải tôn trọng tính đa dạng văn hóa, đề cao vai trò văn hóa bản địa; đồng thời nâng cao nhận thức và bảo vệ lợi ích, vai trò của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch văn hóa. Khai thác di sản văn hóa phát triển du lịch bền vững quan trọng nhất là tạo ra nhận thức, hành động đúng đắn của mỗi người dân bản địa nơi có di sản văn hóa. Để từ đó mỗi người dân trong cộng đồng có cách ứng xử phù hợp với di sản, gắn lợi ích cộng đồng với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Gia Huy
Bạn đang đọc bài viết "Phát triển du lịch từ di sản văn hóa" tại chuyên mục Tây bắc xanh.