Làn điệu Lượn Cọi từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa">văn hóa của người Tày ở huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn). Đây là món ăn tinh thần của đồng bào nhằm hướng tới cái chân thiện mỹ.
Được biết đến là người truyền cảm hứng từ những điệu Lượn Cọi, nghệ nhân Hoàng Thị Mỵ (SN 1964, xóm Khuổi Lè, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm) cho biết, ngôn ngữ của Lượn Cọi thường mang tính biểu cảm cao.
Theo nghệ nhân Mỵ, Lượn Cọi giữ vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng người Tày. Đối với các nam thanh nữ tú, Lượn cọi như một hình thức để giãi bày tâm sự, tỏ tình. Không biết từ bao giờ Lượn Cọi đã ngấm vào con người Pác Nặm.
Từ năm 16 tuổi bà đã có đam mê với Lượn Cọi. Hát lượn đòi hỏi người hát phải có chất giọng khỏe, giọng hát hay. Đặc biệt, phải truyền tải được hết những say đắm nồng nàn trong mỗi câu hát, nhằm bày tỏ tình cảm của bản thân với người nghe.
"Lượn Cọi giờ đây vẫn được các thế hệ người dân Pác Nặm gìn giữ, lưu truyền như một giá trị văn hóa truyền thống">văn hóa truyền thống. Mong mỏi lớn nhất chính là thế hệ trẻ yêu thích, bảo tồn, phát huy điệu Lượn Cọi đến mai sau.
Ngoài là tính truyền thống, điệu Lượn Cọi còn góp phần to lớn giúp con người hướng đến cái đẹp. Các bài Lượn Cọi thường có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước. Cùng chung khao khát hướng đến cuộc sống hạnh phúc", bà Mỵ bộc bạch.
Với những giá trị to lớn trên, năm 2019, Lượn Cọi đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện tại, người dân cũng như các cấp chính quyền Bắc Kạn đã có nhiều hướng đi nhằm gìn giữ làn điệu này.
Thông tin Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Pác Nặm, Lượn Cọi của đồng bào dân tộc Tày đã và đang được bảo tồn, phát huy giá trị. Lượn Cọi được địa phương phối hợp với các nghệ nhân, người dân hướng tới trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc.
Còn tại mảnh đất cao nguyên đá Hà Giang, đối với đồng bào các dân tộc Dao, H'Mông sống dọc bờ sông Gâm tại huyện Bắc Mê, các sản phẩm bằng bạc cũng mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Không chỉ là vật phòng thân, trừ tà mà còn chứa đựng cả một nét văn hóa.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề chạm bạc, ông Bồn Văn Đậu (xã Giáp Trung, Bắc Mê) cho hay: "Trước đây nghề chạm bạc rất thịnh hành. Đây được xem là nghề gia truyền, mỗi gia đình, dòng họ lại sở hữu những họa tiết, kỹ xảo riêng. Các sản phẩm chạm bằng bạc đòi hỏi sự cầu kỳ. Những họa tiết và đường nét phải được người thợ đúc, dũa qua nhiều bước. Để làm được một bộ vòng cổ cũng phải mất 10 ngày làm liên tục. Một sản phẩm bạc hoàn chỉnh, đòi hỏi người thợ chế tác phải cầu kỳ, tỉ mỉ từng tí một".
Theo ông Đậu, giờ đây chạm bạc là để thỏa sức đam mê. Đồng thời cũng thể hiện tình yêu với cội nguồn văn hóa. Các họa tiết trên sản phẩm bằng bạc chứa đựng những tinh hoa văn hóa đồng bào, thể hiện ước mong cuộc sống no ấm, an lành.
Dù nghề chạm bạc không còn thịnh hành như trước, nhưng phải cố gắng giữ lấy cho thế hệ mai sau. Ấp ủ đi theo cả cuộc đời ông Đậu là những nét văn hóa này mãi được lưu truyền. Để nét văn hóa đậm đà bản sắc này không bị mai một.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Đặng Văn Dâu - Chủ tịch UBND xã Giáp Trung (Bắc Mê) cho biết, nghề chạm bạc rất có ý nghĩa đối với đồng bào tại địa phương.
"Đây là nét văn hóa cần được gìn giữ và lưu truyền. Địa phương cũng đang khuyến khích, tạo điều kiện để nghề chạm bạc truyền thống được phát triển lâu dài. Những nghệ nhân chính là nhân chứng sống, giúp bảo tồn, giữ gìn các giá trị này đến thế hệ mai sau", vị lãnh đạo thông tin thêm.