Cầu Phong Châu mới
Sự cố sập cầu Phong Châu ngày 9.9 không chỉ gây ra những đau thương, mất mát mà còn khiến giao thông bị đứt đoạn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân huyện Tam Nông, huyện Lâm Thao ven sông Hồng và nhiều địa phương lân cận.
Mặc dù hơn 1 tháng qua, cầu phao Phong Châu đã được đưa vào sử dụng, mỗi ngày phục vụ đắc lực cho hàng nghìn lượt người và phương tiện. Tuy nhiên, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ, cần có một công trình cầu Phong Châu mới được xây dựng.
Đó là mong mỏi của đại đa số người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt là những người, những gia đình đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố sập cầu Phong Châu.
Anh Bùi Văn Tuyến - chủ một cửa hàng mua bán, sửa chữa điện thoại tại khu vực đầu cầu Phong Châu (xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông) đang dần "thấm" sự khó khăn sau gần 2 tháng kinh doanh "èo uột", lượng khách hàng giảm đi rõ rệt khi cả khu vực vắng bóng người qua lại.
"Khu vực từ ngã tư Cổ Tiết qua đầu cầu Phong Châu (xã Vạn Xuân) đến trung tâm xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) trước kia rất sầm uất, phát triển, một phần là do cây cầu Phong Châu huyết mạch mang lại. Nay cầu sập, ảnh hưởng là điều dễ thấy, người dân chúng tôi rất mong cây cầu mới được xây dựng và đưa vào sử dụng, càng sớm càng tốt" - anh Tuyến tâm sự.
Theo Thông báo số 484/TB-VPCP của Văn phòng Chính Phủ mới đây nêu kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc đầu tư cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ, để triển khai dự án trong thời gian nhanh nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ và các cơ quan liên quan: Áp dụng các cơ chế hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng công trình, xây dựng khẩn cấp để thực hiện các bước khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng dự án, đảm bảo tiến độ nhanh nhất.
Trong tháng 12.2024, hoàn thành công tác khảo sát, thiết kế, phê duyệt dự án đầu tư và khởi công; trước mùa mưa bão năm 2025 (trước tháng 4.2025), hoàn thành khối lượng phần móng cầu; trong năm 2025, hoàn thành các công việc còn lại để đưa công trình vào khai thác.
Cầu Tình Cương
Những năm qua, huyện Cẩm Khê với sự phát triển nhanh chóng về công nghiệp, nhu cầu kết nối giao thông với các huyện, thị ngày càng lớn. Mặc dù, đã có nhiều tuyến đường được xây mới, nâng cấp, nhưng hơn 30km chiều dài sông Hồng đoạn qua huyện này chưa có cây cầu nào.
Khoảng cách của 2 cây cầu trên sông Hồng gần huyện Cẩm Khê nhất là cầu Hạ Hòa và cầu Ngọc Tháp cách nhau tới hơn 50km. Mỗi ngày, hàng nghìn người dân phải vượt sông bằng các chuyến đò ngang.
Hồi tháng 9 vừa qua, khi mực nước sông Hồng vượt lũ lịch sử, các bến đò ngang sông phải nhiều ngày tạm dừng phục vụ.
Anh Nguyễn Văn Đoàn (xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê) - công nhân Công ty TNHH Yida Việt Nam thuộc cụm công nghiệp thị trấn Sông Thao - bày tỏ: "Công ty tôi cách bến đò Chí Chủ chỉ vài trăm mét, hàng ngày chứng kiến rất nhiều đồng nghiệp phải đi đò sang công ty. Như tôi nếu cần sang sông cũng sẽ phải như vậy, tốn tiền, bất tiện và mất thời gian. Người dân chúng tôi đã mong chờ có cây cầu nối đôi bờ sông Hồng rất lâu rồi".
Vừa qua, cử tri Phú Thọ đã phản ánh, kiến nghị tới Bộ GTVT về mong muốn được đầu tư xây dựng cầu bắc qua sông Hồng nối 2 huyện Cẩm Khê và Thanh Ba.
Trả lời vấn đề này, Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của cử tri về việc đầu tư công trình cầu bắc qua sông Hồng thay cho bến phà Tình Cương (nối xã Phú Lạc, Cẩm Khê với xã Thanh Hà, Thanh Ba) hiện nay để đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối giao thông thuận lợi, an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng nêu, do cầu Tình Cương thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của UBND tỉnh Phú Thọ nên đề nghị tỉnh này nghiên cứu cân đối nguồn vốn, sớm đầu tư công trình và thông báo đến cử tri được biết về quy mô, lộ trình đầu tư; Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai đầu tư công trình.