Loạt tỉnh miền núi phía Bắc "đội sổ" danh sách xuất khẩu năm 2023

18/05/2024 17:50

Điện Biên, Lai Châu, Sơn La là 3 địa phương nằm trong nhóm 10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất năm 2023.

cua-khau-4-1716029561.jpg
Nhiều địa phương vùng núi phía Bắc lọt top những tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất trong năm 2023. Ảnh: Tân Văn.

Bộ Công Thương vừa công bố Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Trong đó, năm trước kim ngạch xuất khẩu nước ta đạt 354,7 tỉ USD, giảm 4,6% so với năm 2022, nhập khẩu đạt 326,4 tỉ USD, giảm 9,2% so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 xuất siêu 28,3 tỉ USD.

Dẫn đầu danh sách là các tỉnh, thành phố đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD. TP. Hồ Chí Minh với kim ngạch xuất khẩu đạt 42,4 tỉ USD, xếp sau là Bắc Ninh 39,3 tỉ USD, Bình Dương với kim ngạch đạt 30,6 tỉ USD, Hải Phòng rồi Thái Nguyên lần lượt đạt 26,7 tỉ USD và 25,6 tỉ USD.

Các tỉnh thành có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất lần lượt là Lai Châu (12,9 triệu USD), Điện Biên (22,4 triệu USD), Sơn La (25,5 triệu USD), Bắc Kạn (37,6 triệu USD), Ninh Thuận (62,5 triệu USD), Đắk Nông (100,2 triệu USD), Hà Giang (145,9 triệu USD), Quảng Bình (179,6 triệu USD), Tuyên Quang (183,7 triệu USD).

Bên cạnh đó, những địa phương có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng cao nhất so với năm 2022 là Lạng Sơn tăng 107%; Hà Giang tăng 65,8%; Hà Tĩnh tăng 49,7%; Hà Nam tăng 35,8%.

5 địa phương có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh nhất so với năm 2022 gồm: Điện Biên giảm 47,4%; Cà Mau giảm 29%; Lai Châu giảm 22,6%; Thừa Thiên Huế giảm 18,8% và Bạc Liêu giảm 15,8%.

cua-khau-1716029666.jpg
Cửa khẩu Tà Lùng - một trong những tuyến xuất khẩu hàng hóa chính tại Cao Bằng. Ảnh: Tân Văn.

Tỉnh Cao Bằng mặc dù nằm trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất (85,8 triệu USD) nhưng lại có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao, 42,7% so với năm 2022. Điều này cũng dễ hiểu khi năm 2023 là năm kinh tế biên mậu bắt đầu mở lại sau COVID-19.

Báo cáo nêu, năm 2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế trong nước có độ mở lớn, do đó chịu tác động mạnh từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sụt giảm tổng cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất - tỷ giá.

Các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp nhiều thách thức.

Mặt khác tại các tỉnh biên giới như Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, việc xuất nhập khẩu phụ thuộc khá nhiều vào chính sách xuất nhập khẩu phía nước bạn Trung Quốc.

Tại Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt trên 51 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo là hạt điều, hạt tiêu khô, xoài dẻo, tôm cá đông lạnh... các mặt hàng nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là vải may mặc, than cốc, men đường hóa.

cua-khau-2-1716029797.jpg
Thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu đang là định hướng quan trọng của những địa phương vùng biên. Ảnh: Tân Văn.

Thông tin từ Văn phòng quản lý cửa khẩu Trà Lĩnh, phía Trung Quốc đang chuyển đổi mạnh mẽ từ thương mại tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch nên yêu cầu về chất lượng, xuất xứ, chủng loại hàng hóa cũng tăng lên.

Thời gian tới, các địa phương cần phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp để có thể kích thích hoạt động giao lưu buôn bán khu vực cửa khẩu.

Trong đó, việc duy trì giao lưu, tiếp xúc các cấp bằng các hình thức linh hoạt; tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các cơ quan, nhân dân các địa phương các tỉnh/khu của 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.

Hai bên cần ủng hộ, đồng thuận đẩy nhanh công tác mở, nâng cấp cửa khẩu, kết nối giao thông; xây dựng hạ tầng cơ sở khu vực cửa khẩu để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.

TÂN VĂN