Gọi du lịch Mường Bi thức giấc

14/01/2023 21:11

Bảo tồn các giá trị văn hóa để phát triển du lịch (HBĐT) - Là vùng "lõi” của cái nôi Văn hóa Hòa Bình, huyện Tân Lạc còn giữ nét đặc sắc riêng có của văn hóa Mường, như những áng mo Mường bất hủ, sử thi "Đẻ đất, đẻ nước”, các làn điệu dân ca thường đang, bộ mẹng, ví đúm, tục ngữ... và nhiều lễ hội đặc sắc. Huyện đã và đang triển khai các giải pháp phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc Mường.

Bản Mường Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống để thu hút khách du lịch. Ảnh: P.V

Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Tân Lạc Đinh Sơn Tùng cho biết: Năm 2016, huyện ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch huyện Tân Lạc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá các lễ hội truyền thống, văn hóa dân tộc và các danh thắng trên địa bàn. Thực hiện nghị quyết, UBND huyện đã ban hành, thực hiện đề án và kế hoạch phát triển hoạt động du lịch. Quan điểm xuyên suốt là xây dựng sản phẩm du lịch bằng việc lan toả các giá trị văn hoá Mường độc đáo, đặc sắc gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Trong đó chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo các xóm làng nhằm lưu giữ nét truyền thống và văn hóa Mường gắn với phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống, lễ hội; đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống, mặt hàng nông nghiệp sạch và là đặc sản của địa phương như bưởi đỏ, rau su su, quýt, các loại rau; tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư, phát triển du lịch… Huyện đã khôi phục, bảo tồn, phát triển các lễ hội truyền thống (lễ hội Khai hạ, lễ hội chùa Kè, lễ hội đánh cá suối tháng 3 tại xã Lỗ Sơn…); dàn dựng, biểu diễn các điệu hát - múa đặc sắc, tiêu biểu của dân tộc; xây dựng, triển khai kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa mo Mường, chiêng Mường trên địa bàn… Mường Bi - Tân Lạc đang từng bước định vị trên bản đồ du lịch.

Chúng tôi trở lại thăm bản Mường Lũy Ải, xã Phong Phú, nơi còn lưu giữ gần như nguyên bản phong tục tập quán trong đời sống của người Mường Bi. Bản Lũy Ải nằm cạnh suối, hài hoà với thiên nhiên, con người chân thật, quý khách. Người dân ở đây đã khai thác cảnh quan, văn hoá để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) gắn với xây dựng NTM. Hầu hết các hộ vẫn sinh sống trong những nếp nhà sàn theo lối kiến trúc cổ, còn lưu giữ được nếp sinh hoạt của dân tộc và nhiều dụng cụ lao động sản xuất cổ được làm từ gỗ, tre hoặc nứa như khung dệt, cung, nỏ, dụng cụ làm ruộng, làm nương...

Anh Bùi Văn Vinh, Trưởng xóm Lũy Ải cho biết: Xóm được đầu tư phát triển DLCĐ. Cả xóm có 205 hộ, trước kia cũng có 10 hộ làm du lịch, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chưa tổ chức đón khách được chu đáo nên khách chỉ đến 1 – 2 lần. Hiện chỉ còn hộ các ông: Đinh Công Loan, Bùi Văn Khẩn, Bùi Văn Sớ, Bùi Văn Mừng còn duy trì hoạt động đón khách. Du khách đến đây để trải nghiệm bản sắc văn hóa, cuộc sống của người dân.

Chị Đinh Thị Đưn, quản lý Mường Bi homestay chia sẻ: Từ năm 2016, được Nhà nước công nhận làng Mường Cổ, làng DLCĐ, gia đình tôi đã phát triển làm du lịch. Du khách đến đây có cả trong nước, nước ngoài. Một số nhà trường cho học sinh đến trải nghiệm văn hóa làng Mường cổ…

Xã Vân Sơn được ví như nóc nhà Mường Bi, đến đây, chúng tôi thấy được không gian rộng lớn, khoáng đạt, khí hậu trong lành, có những bản làng người Mường đầm ấm, mến khách. Nhiều đoàn khách tới điểm DLCĐ xóm Chiến để trải nghiệm văn hoá, tham gia sinh hoạt, sản xuất cùng người dân. Chị Bùi Thị Thiềng, công chức Văn hóa – xã hội xã Vân Sơn chia sẻ: Xóm Chiến được xã lựa chọn xây dựng điểm làng DLCĐ. Từ năm 2019, xóm đã có 3 hộ làm DLCĐ là Hải Thản, Thu Bi, Xuân Trường, đến nay phát triển thêm 2 hộ. Đến đây có du khách trong nước và nước ngoài, trải nghiệm cuộc sống của người dân, ăn các món truyền thống và thưởng thức các tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc. Ngoài ra, du khách có thể khám phá hang Núi Kiến, động Nam Sơn, săn mây trên đồi Phòng Không và cắm trại. Du khách thường đến thăm quan, trải nghiệm tại xã Vân Sơn vào mùa hè, thời điểm đẹp nhất là tháng 5 đến tháng 9. Năm 2022, xã Vân Sơn đón trên 1.000 du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, khám phá.

Có thể khẳng định, đến nay, huyện Tân Lạc đã xây dựng được một số sản phẩm DLCĐ ở xóm Ngòi (Suối Hoa), xóm Chiến (Vân Sơn), xóm Bưởi Cạn (Phú Cường), khu du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên Lũng Mây, xã Quyết Chiến… Tân Lạc là huyện đầu tiên tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Cùng với đó, huyện đã thực hiện các giải pháp tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư, quản lý đất đai, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động du lịch, nhất là khu vực hồ Hoà Bình, hướng tới mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch riêng có ở các xã vùng cao, khu vực hồ Hoà Bình và vùng Mường Bi, đáp ứng nhu cầu của du khách. Bước đầu có sản phẩm du lịch, định vị Mường Bi trên bản đồ du lịch bằng việc đem lại sự trải nghiệm mới lạ cho du khách…

Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 21/7/2016 của BCH Đảng bộ huyện về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đạt được những kết quả tích cực, hoạt động du lịch bước đầu có nhiều khởi sắc. Các chỉ tiêu từng giai đoạn nghị quyết đề ra cơ bản đạt và vượt. Huyện đã tham mưu đề xuất BTV Tỉnh ủy ban hành nghị quyết xây dựng các xã vùng cao của huyện trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, ban hành Đề án bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển điểm DLCĐ xóm Ngòi, xã Suối Hoa; Đề án phát triển DLCĐ huyện Tân Lạc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện về xây dựng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Việc khôi phục các lễ hội truyền thống, duy trì các nghề truyền thống gắn với giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bước đầu tạo ra những sản phẩm độc đáo mang nét đặc trưng của Tân Lạc.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch của huyện còn những hạn chế về hạ tầng du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông, nước, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí… Nhận thức một bộ phận người dân về phát triển du lịch chưa đầy đủ; ý thức, kỹ năng của người dân làm du lịch còn hạn chế; chưa có kinh nghiệm. Công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch với quy hoạch sử dụng đất chưa đồng nhất. Công tác quản lý, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của huyện chưa hiệu quả. Các dự án vào nghiên cứu, khảo sát, đầu tư triển khai trên địa bàn còn chậm. Doanh thu từ hoạt động phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng …

Đồng chí Phó Bí thư TT Huyện uỷ Tân Lạc Bùi Văn Tinh cho biết: Huyện đang triển khai các giải pháp cụ thể bảo tồn, gìn giữ cho các thế hệ sau để phát triển du lịch. Huyện tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan, tranh thủ, huy động các nguồn lực đầu tư xây kết cấu hạ tầng, hỗ trợ nhà đầu tư, người dân tham gia hoạt động du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên bản sắc văn hoá, cảnh quan môi trường, xây dựng thương hiệu của du lịch Mường Bi, từ đó cải thiện bền vững cuộc sống người dân.

Hương Lan
Bạn đang đọc bài viết "Gọi du lịch Mường Bi thức giấc" tại chuyên mục Tây bắc xanh.