Tháng 10 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định Hồ sơ xây dựng Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.
Song song với việc xin ý kiến thẩm định từ Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có Tờ trình gửi Chính phủ xin ý kiến về việc bổ sung đối tượng là trẻ em nhà trẻ và cơ sở giáo dục có trẻ con nhà trẻ vào dự thảo Nghị định (Bộ đã xin ý kiến và được sự đồng ý của các bộ ban ngành liên quan về nội dung trên).
Đồng thời, Bộ cũng xin ý kiến về quy định các định mức hỗ trợ đưa về số tiền tuyệt đối thay cho tỷ lệ phần trăm mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT.
Ví dụ như, Dự thảo đề xuất hỗ trợ trẻ em nhà trẻ bán trú (thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo) được hưởng 360 nghìn đồng/trẻ/tháng.
Bổ sung kinh phí quản lý bán trú, tiền điện nước...
Về nội dung và mức hưởng chính sách, Dự thảo Nghị định sẽ tăng mức hỗ trợ cho học sinh bán trú, học viên bán trú (so với Nghị định số 116/2016/NĐ-CP) cho phù hợp với thực tiễn, bao gồm hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ tiền nhà ở;
Bổ sung kinh phí hỗ trợ tiền ăn bữa chính, bữa phụ cho trẻ em nhà trẻ bán trú;
Bổ sung hỗ trợ gạo học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học.
"Nội dung trên nhằm phù hợp với thực tiễn và giúp trẻ em, học sinh bởi khó khăn, đảm bảo việc học tập, sinh hoạt tại các cơ sở giáo dục", Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu.
Cơ sở giáo dục được hưởng chính sách tăng mức hỗ trợ là trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú (so với Nghị định 116/2016/NĐ-CP).
Cụ thể, hỗ trợ mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao; tổ chức khám sức khỏe hằng năm cho học sinh, lập tủ thuốc dùng chung; kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh.
Bổ sung kinh phí quản lý học sinh bán trú; tiền điện, nước phục vụ việc học tập và sinh hoạt của học sinh bán trú.
"Lý do tăng mức hỗ trợ nhằm phù hợp với thực tiễn và giúp các cơ sở trẻ em, học sinh được hưởng chính sách trong việc quản lý, chăm sóc trẻ em, học sinh", trích văn bản.
Đề xuất trẻ em nhà trẻ dân tộc thiểu số vùng II được hưởng chính sách
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu ra những tồn tại, hạn chế, bất cập của chính sách trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP, Nghị định 116/2016/NĐ-CP và Thông tư số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu những điểm mới của Dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và Thông tư số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT, bổ sung một số đối tượng, điều chỉnh nội dung, định mức hỗ trợ.
Ví như, về đối tượng trẻ em, học sinh, học viên được hưởng chính sách, Dự thảo đề xuất đối tượng trẻ em nhỏ, trẻ bán trú học tại cơ sở giáo dục mầm non được hưởng các chính sách.
Cụ thể, trẻ em nhà trẻ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Trẻ em tại Trường mầm non Tênh Phông (Tuần Giáo, Điện Biên) (Ảnh: Nhân dân) |
Trẻ em nhà trẻ người dân tộc thiểu số thường trú tại xã khu vực II, khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi đang học tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
"Đối tượng trẻ em nhà trẻ (từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi trong các cơ sở giáo dục mầm non tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (đã được quy định tại Điều 27, Điều 85 của Luật Giáo dục; Điều 15, 3, 4 của Luật trẻ em) chưa được hưởng bất kỳ chính sách hỗ trợ giáo dục nào, chưa đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục", Bộ Giáo dục nêu.
Đề xuất học sinh, học viên dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách
Bộ Giáo dục cũng nêu thông tin về điểm mới của Nghị định là bổ sung thêm đối tượng học sinh được hưởng chính sách học sinh bán trú.
Cụ thể, "Học sinh dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo thường trú ở các xã khu vực I, khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đáp ứng các điều kiện về khoảng cách được hưởng chính sách học sinh bán trú”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu lý do bổ sung, để thực hiện khoản 2 Điều 85 Luật Giáo dục 2015 và Nghị quyết số 41/202I/QH15 cho học sinh người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện chính sách do các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm mạnh theo phân định vùng mới (Quyết định số 851/QĐ-TTg Quyết định f12/QĐ-UBDT, Quyết định 353/QĐ-TTg).
Dự thảo cũng bổ sung thêm đối tượng học viên được hưởng chính sách học viên bán trú, cụ thể: “Học viên đang học chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, đáp ứng các điều kiện về khoảng cách, thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (hoặc người dân tộc thiểu số thuộc họ nghèo thường trú tại xã khu vực I, khu vực II).
"Hiện nay có khoảng 8.000 học viên đang học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên có đầy các điều kiện được hưởng chính sách như học sinh phổ thông nhưng không được hưởng chính sách.
Điều này chưa đảm bảo sự công bằng trong giáo dục giữa học sinh phổ thông và học viên giáo dục Thường xuyên. Nhiều địa phuơng và cử tri qua các kỳ họp của Quốc hội có kiến nghị bổ sung để tượng này được hưởng chính sách như học sinh trường phổ thông", Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu.