Công nhân vùng cao đổi đời nhờ nghề may mặc

14/11/2023 10:06

Từ khi có các nhà máy may, nhiều người dân ở huyện Tân Lạc và huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã trở thành công nhân. Với mức thu nhập ổn định, cuộc sống của họ ngày một khấm khá, vươn lên thoát nghèo.

Công nhân vùng cao đổi đời nhờ nghề may mặc
Công nhân vùng cao Hòa Bình đã ổn định cuộc sống từ nghề may mặc. Ảnh: Minh Nguyễn

Chị Bùi Thị Thanh (29 tuổi, trú xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn) hiện đang làm công nhân may tại Công ty TNHH FGL VN (Cụm Công nghiệp khu vực Đông Lai - Thanh Hối, xã Đông Lai, huyện Tân Lạc) cho biết: “Trước khi đi làm công nhân may, tôi ở nhà làm nông nghiệp nhưng thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Năm 2014, tôi đã xin vào làm việc tại bộ phận kỹ thuật tại công ty với mức lương hiện nay khoảng 7-8 triệu đồng/tháng”.

Theo chị Thanh, sau nhiều năm làm việc nay gia đình đã có tích lũy, con cái được đi học đầy đủ và thoát nghèo. Đồng thời, chị cũng mua sắm được nhiều đồ đạc, vật dụng như tivi, tủ lạnh, xe máy... cách đây vài tháng đã xây được ngôi nhà cấp 4 với giá trị hơn 200 triệu đồng.

Tương tự, anh Bùi Thế Khương (43 tuổi, công nhân may Công ty TNHH FGL VN) cho biết: “Trước đây tôi đi làm nhiều nơi tại Hà Nội nhưng thu nhập thấp, còn vợ làm ruộng. Sau đó, tôi cùng vợ xin về công ty may làm việc từ năm 2014, hiện tại tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 12-13 triệu đồng/tháng”.

Cũng theo anh Khương, với thu nhập này cả 2 vợ chồng đã đủ lo cho cuộc sống gia đình có của ăn của để và đảm bảo nuôi con đi học Đại học, cũng như mua sắm được nhiều đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống.

Anh Khương nhận định, từ khi công ty may về đóng trên địa bàn, nhiều người đã đổi đời, thoát nghèo. Nhờ đó, nhiều lao động không còn phải đi đến các khu công nghiệp tại các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Theo ông Bùi Đại Nghĩa - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH FGL VN, đơn vị hiện đang hoạt động trong lĩnh vực may gia công áo khoác xuất khẩu đi châu Âu với khoảng 400 công nhân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số.

“Hàng năm Ban chấp hành Công đoàn đã phối hợp với Ban Giám đốc Công ty thường xuyên quan tâm và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách của người lao động theo quy định của pháp luật, đảm bảo lương, thu nhập cho người lao động. Làm tốt công tác chăm lo đời sống người lao động, thường xuyên tặng quà cho công nhân, đặc biệt là dịp lễ và Tết” - ông Nghĩa thông tin.

Tại Chi nhánh Tân Lạc - Tập đoàn May Hồ Gươm (có địa chỉ chi nhánh tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc) đang có 450 công nhân, chủ yếu là người đồng bào dân tộc với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.

Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Sư - Chủ tịch UBND xã Đông Lai, huyện Tân Lạc - cho biết, từ khi nhà máy may đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, các xã, huyện lân cận với mức thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/tháng. Qua đó, đời sống bà con được cải thiện, nâng cao, nhiều hộ đã thoát nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Còn ông Bùi Thế Dân - Chủ tịch LĐLĐ huyện Tân Lạc - thông tin, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 10 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Trong đó, nghề may may mặc đã tạo ra hơn 1.000 công việc cho người dân địa phương.

MINH NGUYỄN
Bạn đang đọc bài viết "Công nhân vùng cao đổi đời nhờ nghề may mặc" tại chuyên mục Đời sống.