Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 – 19/8/2022), Báo Dân Việt đăng loạt 3 kỳ về quá trình lực lượng Công an nhân dân tham gia tiễu phỉ ở Đồng Văn (Hà Giang) giai đoạn 1959 - 1960.
Chúng tôi đã tìm về Hà Giang- mảnh đất địa đầu Tổ quốc để tìm gặp các nhân chứng nhưng nhiều người trong số đó đã thành thiên cổ, số người còn lại tuổi cũng đã quá cao; tài liệu thời đó cũng bị thất thoát nhiều. Chúng tôi cố gắng chắp nối để ghi lại một giai đoạn lịch sử biến động cũng như sự hy sinh và chiến công hào hùng của lực lượng Công an trong bảo vệ an ninh, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.
"Hùm Cán Tỷ, phỉ Đồng Văn"
Chúng tôi gặp cụ bà Vũ Thị Thụy, cụ giờ đã 90 tuổi, sức đã yếu nhưng vẫn không quên những ngày tháng kinh hoàng khi phỉ gây bạo loạn ở địa đầu Tổ quốc. Thời đó, địa danh Đồng Văn bao gồm 4 huyện ngày nay của tỉnh Hà Giang gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh.
- 'Bản tình ca Sơn La-Luông Pha Băng': Kết nối văn hóa, thắm tình hữu nghị Việt - Lào
Một đêm đông năm 1959, tiếng súng nổ ran quanh phố Đồng Văn. Biết phỉ tấn công, người phụ nữ tên Vũ Thị Thụy vội ôm đứa con 3 ngày tuổi, dắt 2 con lớn trốn vào hang núi sau nhà, lòng lo lắng cho chồng, một cán bộ đang chiến đấu chống phỉ trên cao nguyên đá.
"Dốc Bắc Sum, hùm Cán Tỷ, phỉ Đồng Văn", câu nói được cụ nhắc đến gợi nhớ về một thời hỗn loạn nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Khi phỉ nổi lên chống chính quyền vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/1959, cụ Thụy khi đó 27 tuổi, buôn bán nhỏ ở thị trấn Đồng Văn.
"Một người đàn ông quê huyện Bắc Quang bị phỉ giết, nó lấy dao mổ rồi rán lấy mỡ bỏ vào lọ", cụ Thụy kể lại một sự việc hãi hùng.
Cụ Thụy cho hay, phỉ tập trung từng đoàn đánh vào Đồng Văn, muốn chiếm đồn công an. Súng nổ liên hồi buộc người dân chạy trốn hoặc đóng cửa, nằm im trong nhà nhiều ngày. Sau, công an, bộ đội đã tấn công buộc chúng rút lui vào rừng già, lên cao nguyên đá.
Theo tài liệu lưu trữ của Công an tỉnh Hà Giang, nạn thổ phỉ đã có từ trước 1959 rất lâu, quân Pháp từng một thời bị lực lượng này đánh bại nên quay ra dùng cách mua chuộc bằng muối, thuốc phiện và những đồng bạc. Từ đây, các toán phỉ trở thành công cụ cho thực dân.
Thổ phỉ có nhiều phương thức hoạt động, có những tên "chuyên nghiệp", sống bằng việc cướp bóc, giết người, buôn lậu nhưng có loại bình thường, chỉ làm ruộng và thi thoảng có điều kiện lại đi cướp bóc. Nhiều người theo phỉ chỉ vì được chúng dụ dỗ, nói sẽ được cấp thuốc phiện, muối, cho vị trí cao trong cộng đồng nếu đi theo.
Năm 1945, đám phỉ còn góp phần khiến Việt Minh giành được chính quyền ở Hà Giang chậm, vào tháng 12 trong khi đa số các tỉnh hoàn thành việc này trong Cách mạng Tháng 8.
Hà Giang sau 1945 vẫn còn tồn tại chế độ thổ ty, nơi những "tù trưởng, bang tá" nắm quyền lực thực sự dù bề ngoài có thể theo chính quyền mới của ta. Quân Pháp khi đó trang bị vũ khí cho những thủ lĩnh vùng cao để họ kết hợp tàn quân Tưởng từ Trung Quốc sang, cùng chống lại Việt Minh.
Sự lạc hậu, mê tín, hiểu lầm giữa các dân tộc cũng khiến nạn thổ phỉ nổi lên. Như việc chính quyền cấm trồng, mua bán thuốc phiện đã vướng phải sự phản đối của một số người bởi thời đó, loại cây này trên Đồng Văn "giống như ngô khoai ở miền xuôi".
Nhiều người ở Hà Giang vẫn nhớ câu nói xưa của những kẻ muốn gây bạo loạn: "Giết người Hoa lấy tiền, giết người Tày lấy ruộng, giết người Kinh lấy muối". Công an thuộc Khu Lao – Hà – Yên (Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái) đã cùng các lực lượng khác tiễu phỉ liên tục từ 1947 – 1954 nhưng sau đó, bạo loạn lại nổ ra ở Đồng Văn.
Thổ phỉ tụ tập cắt tiết gà hòa rượu uống ăn thề
Tháng 5/1959, những trinh sát công an tại Đồng Văn phát hiện nhóm người từng giữ vai trò "thổ ty" nơi đây tổ chức một cuộc họp, quyết định đóng Cổng trời Cán Tỷ để không ai lên được Đồng Văn, âm mưu tách 5 xã phía Bắc ra khỏi Hà Giang để tự trị.
Cuộc họp có sự tham gia của Vàng Chúng Dình – người sau này trở thành chỉ huy quân sự của lực lượng thổ phỉ ở Đồng Văn. Ông ta vốn là người Trung Quốc, có cha theo quân Tưởng Giới Thạch và bị quân Giải phóng Trung Quốc tiêu diệt.
Dình sau đó được đưa sang Đài Loan, đào tạo thành biệt kích trước khi trở về đại lục, tập hợp đội quân hàng nghìn người tấn công quân Giải phóng Trung Quốc. Thất bại, Dình chạy sang Đồng Văn, tiếp tục hoạt động phỉ.
Sau cuộc họp "Ngũ xã tự trị" nói trên, nhóm cầm đầu thổ phỉ về từng bản, tụ tập cắt tiết gà hòa rượu uống, ăn thề sẽ chống lại chính quyền của Việt Minh. Những người đàn ông không theo chúng bị trói vào cột làm "bia tập bắn" hoặc vứt xuống vực sâu nơi cao nguyên đá.
Quân phỉ lôi kéo hàng nghìn người dân tham gia bạo loạn, gồm cả cán bộ trong đó có 9 xã đội trưởng, 3 trưởng công an xã, 34 ủy viên HĐND… Số cán bộ này đa phần là những "thổ ty", nắm quyền từ trước khi Việt Minh giành chính quyền ở Hà Giang nên được bổ nhiệm với mong muốn duy trì khối đại đoàn kết.
Tháng 11/1959, Cổng trời Cán Tỷ bị "khóa" bởi những tay súng và những giàn đá được treo lên cao, sẵn sàng cho lăn xuống, đè bẹp bất cứ ai đi qua. Như vậy, đường mòn duy nhất từ Hà Giang lên Đồng Văn bị chặn lại. Lực lượng công an khi đó có chủ trương giải quyết vấn đề qua vận động, không mắc mưu khiêu khích nên "hết sức tránh nổ súng".
Những đoàn công tác được cử lên Cổng trời vận động nhưng không đạt hiệu quả. Từ trên cao, phỉ cho những giàn đá lăn xuống, nổ súng liên hồi khiến chiến sĩ Công an Hà Giang tên Pa Pao (không rõ quê quán) hy sinh, làm bị thương một số cán bộ khác, buộc họ phải dìu nhau qua khe núi, rút về.
Tháng 12 cùng năm, thổ phỉ tấn công hàng loạt thị trấn, làng mạc ở Đồng Văn, chúng chiếm được Mèo Vạc, Lũng Cú, Cán Tỷ… và dự kiến sau khi chiếm chợ Đồng Văn sẽ dồn lực, 2 mũi giáp công vào Phó Bảng – trung tâm của huyện.
Một nhân chứng, là công an từng chiến đấu chống lại phỉ thời đó cho hay, chúng được trang bị vũ khí đủ loại, từ giáo mác đến súng kíp hoặc súng "giáp 3, giáp 5" của Pháp (băng đạn 3 viên hoặc 5 viên). Hỏa lực của bộ đội, công an vượt trội hơn nhiều nhưng bù lại, các toán phỉ thông thuộc địa hình, biết lợi dụng từng gốc cây, hốc đá để đánh bất ngờ.
Cuối năm 1959 và đầu 1960, các toán phỉ sát hại 42 cán bộ cùng hàng chục thường dân không theo chúng. Những cửa hàng mậu dịch bị đốt phá; vải vóc, xà phòng cùng hàng hóa bị phỉ cướp đi, đưa về những hang hốc, căn cứ.
Nhiều người già tại Hà Giang vẫn nhớ về một số trường hợp bị phỉ giết, "lấy thịt rán lấy mỡ". Đó là một cán bộ tham gia tiễu phỉ hoặc một người khác là nhân viên cửa hàng mậu dịch, bị giết vì "bán hàng đắt cho dân"…
Bảo tàng Hà Giang hiện trưng bày "lọ đựng mỡ người" do phỉ làm ra để mang đi đe dọa cán bộ và những ai không theo chúng. Gần đó là những vũ khí của những kẻ bạo loạn, gồm chiếc câu liêm do "trùm phỉ" Tráng Seo Khún sử dụng để giết khoảng 50 người dân.