Một ngày của bác sĩ Tươi bắt đầu từ rất sớm. Anh dậy lúc 5h sáng đi xe máy vượt 40km đường rừng từ nhà vào trạm Y Tế xã Vầy Nưa (xã thuộc vùng lòng hồ Hòa Bình). Hình ảnh người bác sĩ hiền lành, nhẫn nại đó đã ăn sâu vào trong trí nhớ của bà con dân tộc từ nhiều năm nay.
Từng đi học sư phạm, nhưng lại làm bác sĩ
Anh Tươi gắn bó với y tế vùng cao như duyên phận. Quê anh ở Thái Bình. Bố anh là bác sĩ của Bệnh Viện Đa khoa huyện Đà Bắc, nhưng ước mơ của anh muốn trở thành thầy giáo.
Năm 1997, khi đang theo học trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, do gia đình không chuyển được hộ khẩu, nên anh phải bỏ học giữa chừng. Anh chuyển sang học trường Trung cấp Y tỉnh Hòa Bình.
Học Trung cấp Y được 3 năm, anh học tiếp trường Đại học Y Thái Nguyên thêm 4 năm. Ra trường, anh được phân về công tác tại xã Vầy Nưa – xã vùng cao khó khăn bậc nhất của huyện Đà Bắc. Anh cũng là trạm trưởng đầu tiên của xã Vầy Nưa có bằng Đại học Y. Vầy Nưa khi đó chưa có đường ôtô, chưa có điện. Muốn đến xã phải ngồi thuyền đi dọc lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
8 bản của xã nằm rải rác ở các triền núi. Bản Mó Lẻ cách xa trung tâm xã 20km. Lên bản phải đi bộ cả ngày trời. “Tôi đã ở Hòa Bình từ nhỏ cùng gia đình, nhưng khi lên tới xã vùng cao tôi mới nhận được sự thiếu thốn vất vả của bà con. Cái đói, cái nghèo và sự lạc hậu hiển hiện trên từng nếp nhà”, anh Tươi nhớ lại.
Vận động phụ nữ ra trạm y tế sinh đẻ
Ở nơi thâm sơn cùng cốc, mọi thứ đều thiếu thốn. Người dân sống ở các bản là người Mường, người Dao. Bao năm sống ở nơi thâm sơn cùng cốc, nên khi bị bệnh bà con còn nhờ thầy cúng, thầy mo “giải trừ”. Phụ nữ thường đẻ ở nhà, rất ít khi ra bệnh viện.
Muốn đưa một phương pháp điều trị đến với bà con, các y bác sĩ, trong đó có anh Tươi phải từng bước thuyết phục. Những ngày đầu đến với bà con, anh Tươi gặp nhiều gian khó. “Giống như một cán bộ dân vận, chúng tôi phải băng rừng, vượt suối ăn ở cùng bà con mới tạo được niềm tin”, anh Tươi cho biết.
Anh Tươi, vốn là trai đồng bằng, nên cứ vào bản là bà con mời rượu. Khi ấy, cái cán bộ không uống say là chưa thật lòng với bà con rồi. Để thích nghi được với cuộc sống ở bản với anh Tươi quả không dễ dàng gì.
Ngày tháng cứ dần trôi, anh Tươi lấy tấm lòng chân thành của mình đến với bà con. Mỗi khi ở bản có em bé bị sốt cao, hay cụ già bị đau yếu, bất kể đêm hôm anh đều tận tình vượt đường xa đến với bà con kịp thời. Nhiều chị em lúc trở dạ sinh khó, anh không nề hà vượt suối băng rừng lên giúp.
Ở vùng cao và dần hiểu phong tục tập quán của đồng bào, anh Tươi coi mình là con em dân tộc từ lúc nào không hay. Để gần bà con, anh học lời ăn, tiếng nói.
Khi đã tạo được niềm tin nơi bà con, anh cùng các y bác sĩ của Trạm vận động bà con thay đổi nếp sống. Trước đây bà con hay nhốt trâu bò dưới gầm nhà sàn rất mất vệ sinh, phụ nữ sinh đẻ tại nhà. Ngay cả trong việc ăn uống, vệ sinh cho con trẻ còn nhiều bất cập.
Trạm Y tế mà dẫn đầu là anh Tươi đã đi từng bản, gõ cửa từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động bà con ăn chín uống xôi, ngủ có màn và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Nhất là vấn đề thuyết phục chị em phụ nữ ra trạm xá sinh con.
Chị Hà Thị Thu Huyền, nữ hộ sinh của trạm y tế chia sẻ: "Mỗi lần đến bản, chúng tôi ở lại 2 đến 3 ngày để vận động người dân cho con em mình đến trạm xá sinh đẻ. Việc này kéo dài suốt cả chục năm trời mới thành công".
Anh Tươi kể, đầu những năm 2000, trên các xã vùng cao Đà Bắc mới thực hiện chiến dịch tiêm chủng các bệnh lao, sởi, viêm não Nhật Bản. Con em họ đang khỏe khoắn, vậy mà bác sĩ vận động đi tiêm. Nhiều gia đình phản đối dữ lắm. Trạm phải kết hợp với chính quyền xã, các trưởng bản thuyết phục, giải thích cả một thời gian dài bà con mới dần tin. Nhờ vậy, đến nay, con em đồng bào đã được tiêm chủng đầy đủ các mũi.
Ông Xa Văn Si - Chủ tịch xã Vầy Nưa cho biết: “Bác sĩ Tươi đến với xã từ lúc gian khó nhất. Suốt 21 năm qua, sự nỗ lực và cố gắng của bác sĩ Tươi đã giúp bà con dân bản thay đổi nhận thức trong việc chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt là chiến dịch tiêm chủng suốt 10 năm của xã hoàn thành có sự đóng góp rất lớn của Trạm Y tế, trong đó có bác sĩ Tươi”.