Những năm gần đây, du lịch Lào Cai đã và đang phát triển theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng các sản phẩm, loại hình du lịch. Một số loại hình du lịch đưa vào khai thác và phát triển mạnh, như du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch gắn với danh lam thắng cảnh, du lịch chợ phiên, du lịch tâm linh...
Đỉnh Fansipan là điểm đến cuốn hút du khách quanh năm. |
Bản sắc văn hóa dân tộc là nền tảng cốt lõi của du lịch Lào Cai. Ảnh: Đức Phương |
Thời gian gần đây, hình du lịch chinh phục đỉnh cao tại Lào Cai đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của du khách như chinh phục Fansipan, núi Hàm Rồng (Sa Pa) hay Lảo Thẩn, Ky Quan San, Nhìu Cồ San (Bát Xát), Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa)...
Du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa bản làng tuy không mới, nhưng lại có sức hấp dẫn lớn với du khách, nhất là du khách nước ngoài. Các bản, làng tại các xã đông người dân tộc thiểu số với những nét văn hóa đặc trưng, như Tả Van, Tả Phìn (Sa Pa); Bản Phố, Tà Chải (Bắc Hà); Nghĩa Đô (Bảo Yên); Cao Sơn (Mường Khương); Y Tý (Bát Xát)… ngày càng thu hút đông khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.
Đến với Điện Biên là đến với mảnh đất anh hùng, với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đến nay, Điện Biên vẫn lưu giữ được những điểm di tích lịch sử, tham quan nổi tiếng thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt phải kể đến quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ gắn với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lẫy lừng.
Khu di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ. (ảnh: internet) |
Ngoài tham quan, trải nghiệm hệ thống quần thể di tích lịch sử, du khách còn có cơ hội ngắm hoa ban nở, hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng của vùng núi Tây Bắc và tham gia các lễ hội, như Lễ hội hoa ban, Lễ hội Thành Bản Phủ, Lễ hội đua thuyền đuôi Én... vào dịp mùa Xuân (từ tháng 1 - 4), kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5), mùa lúa chín (vào khoảng tháng 8 - 9) hay thưởng thức mùa hoa dã quỳ nở rộ hai bên đường (vào tháng 11 - 12)…
Đèo Pha Đin - một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc. (ảnh: internet) |
Mảnh đất Hà Giang được tạo hóa ưu ái ban cho rất nhiều khung cảnh đẹp kỳ vĩ đến nao lòng. Nhiều khu, điểm du lịch đã, đang được đầu tư xây dựng quy mô lớn, tính cạnh tranh cao, như khu nghỉ dưỡng H’Mông Village và làng văn hóa du lịch Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ); làng văn hóa du lịch Nậm Hồng, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì), làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là (Đồng Văn)…
Hà Giang - say đắm những mùa hoa. (ảnh: internet) |
Không chỉ sở hữu tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, Hà Giang còn là vùng đất đậm đặc văn hóa với những lễ hội đặc sắc diễn ra quanh năm, như hội Lồng Tồng của người Tày, hội Gầu Tào của người Mông, Chợ tình Khau Vai, Lễ thần rừng của người Lô Lô…
Đèo Mã Pí Lèng nổi tiếng với cung đường uốn lượn, đầy hiểm trở. (Ảnh Tien Nguyen) |
Trên địa bàn Hà Giang còn có 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Lô Lô, Bố Y, La Chí. Toàn tỉnh có hơn 50 lễ hội truyền thống, lưu giữ phong tục, tập quán đặc trưng của các dân tộc.
Sở hữu tiềm năng du lịch phong phú với nhiều điểm đến hấp dẫn làm mê hoặc du khách, Lai Châu đã và đang tập trung nguồn lực, thúc đẩy du lịch bứt phá, từng bước đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực Tây Bắc.
Cổng trời Ô Quy Hồ và cầu kính Rồng Mây, tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường là hai điểm du lịch nổi tiếng của Lai Châu, nằm ở cửa ngõ của tỉnh, tiếp giáp với khu du lịch Sa Pa (Lào Cai).
Đèo Ô Quý Hồ sở hữu cảnh sắc hùng vĩ. (ảnh internet) |
Ngoài ra, đỉnh Pu Ta Leng cũng là địa danh được các “phượt thủ” đam mê chinh phục bởi vẻ đẹp của thiên nhiên cùng các loại hoa rừng, đặc biệt là hoa đỗ quyên nở rộ từ khắp sườn núi lên tới đỉnh.
Cầu kính Rồng Mây là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Ảnh: Thu Thùy |
Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ thì những bản du lịch cộng đồng với đa dạng bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc với những homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách tại các bản: Sin Suối Hồ, Sì Thâu Chải, Lao Chải, Bản Thẳm…
Hòa Bình được đánh giá là cái nôi của nền văn hóa Mường, có rất nhiều điều để khám phá.
Mai Châu là địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Hòa Bình với thiên nhiên thơ mộng và yên bình. Đến với Mai Châu vào tháng 3 - 4 hoặc tháng 10 - 12 hằng năm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng hoa mận, hoa đào và hoa ban.
Hòa Bình với thiên nhiên thơ mộng và yên bình. (ảnh internet) |
Ngoài ra, Hòa Bình còn có suối nước khoáng Kim Bôi vừa là điểm du lịch, điều dưỡng, vừa là nguồn nguyên liệu có giá trị cung cấp cho ngành sản xuất nước giải khát. Đặc biệt, công trình thủy điện Hòa Bình - “công trình thế kỷ” và hồ thủy điện Hòa Bình có nhiều cảnh quan tươi đẹp, hấp dẫn.
Người Mường ở Hòa Bình đón Tết. (ảnh: internet) |
Du lịch bản làng cũng là nét văn hóa độc đáo khi tới Hòa Bình. Bản mường Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong với hơn 100 ngôi nhà sàn còn giữ được nguyên bản.
Phú Thọ được biết đến là cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, trung tâm sinh tụ của người Việt cổ, thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Trong đó tiêu biểu là Khu di tích Đền Hùng và hệ thống lễ hội dân gian đặc trưng của vùng đất Tổ.
Đền Hùng đón lượng lớn khách du lịch mỗi năm. (Ảnh: Báo Phú Thọ) |
Phú Thọ còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể độc đáo và đặc sắc, như các lễ hội, tín ngưỡng, nghề và làng nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn, dân ca, thơ ca dân gian, mỹ thuật, văn hóa ẩm thực và những phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, Phú Thọ đã được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, như ngã ba Bạch Hạc - nơi “tam giang tụ hội” với những câu chuyện huyền tích về dòng nước thiêng lạ kỳ; Ao Giời Suối Tiên sở hữu vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ; đầm Ao Châu, đầm Vân Hội có khung cảnh thiên nhiên trong lành, thơ mộng, sơn thủy hữu tình; mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy với trữ lượng lớn và khả năng dưỡng bệnh…
Đầm Ao Châu có không gian trong lành. (ảnh: internet) |
Đến với Sơn La là đến với xứ sở của hoa ban trắng, vùng núi non hùng vĩ, nơi sinh sống của cộng đồng 12 dân tộc anh em đoàn kết, gắn bó thân thương. Với truyền thống lịch sử, văn hóa truyền thống lâu đời với bao chuyện dân gian, ca dao và những làn điệu xòe quấn quýt bên câu Khắp, lời Đang say đắm lòng người.
Ngoài vẻ đẹp tinh khôi, hoa ban còn được đồng bào dân tộc lựa chọn làm nguyên liệu để chế biến những món ăn đặc sản mang đậm chất Tây Bắc. Ảnh: Đắc Thanh |
Về với Sơn La, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh đẹp hùng vĩ, nên thơ mà thiên nhiên ban tặng, như hang Dơi, thác Dải Yếm, thác Chiềng Khoa (Mộc Châu) và tận hưởng không khí trong lành của vùng khí hậu ôn đới đang quyện hòa cùng hương chè Tà Xùa.
Hoa mận nở trắng các triền đồi Mộc Châu. |
Điểm nhấn khi đến với Sơn La là cao nguyên Mộc Châu - nơi hội tụ đủ những điều kiện để trở thành một điểm đến du lịch sinh thái của vùng núi cao và trung du Bắc Bộ.
Thêm một lựa chọn dành cho du khách khi đến với Sơn La đó là tour du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La. Du khách sẽ được thỏa sức ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí về một miền văn hóa sông nước, hai bên hồ thấp thoáng bóng nhà sàn của những bản tái định cư.
Địa danh ấn tượng với khách du lịch khi đến Yên Bái là ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Những thửa ruộng bậc thang nơi đây đẹp tựa vân tay của trời, một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Mông.
Từ thành phố Yên Bái, theo Quốc lộ 32 khoảng 80 km về phía Tây, du khách sẽ tới thung lũng Mường Lò, thuộc thị xã Nghĩa Lộ. Trong số 4 thung lũng lớn nổi tiếng bởi phong cảnh đẹp và khí hậu trong lành ở vùng Tây Bắc, thì cánh đồng Mường Lò được xếp thứ hai sau Mường Thanh (Điện Biên). Hồ
Hồ Thủy điện Thác Bà và ruộng bậc thang Mù Cang Chải đẹp như những bức tranh. (ảnh internet) |
Ngoài ra, Yên Bái còn phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa của các dân tộc Thái, Mông, được khai thác chủ yếu tại thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải và huyện Yên Bình.
Hay hấp dẫn với du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay trên mùa vàng” và “Bay trên mùa nước đổ”; săn mây trên đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù, huyện Trạm Tấu.