Tham gia Đoàn công tác tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Đỗ Trường Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Lào Cai; Sùng A Lềnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Lào Cai, phía tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí: Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phan Thiên Định, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Công tác xây dựng chính quyền số tại Thừa Thiên Huế có nhiều thuận lợi. Để đáp ứng được công việc, tỉnh đã tập trung bám sát định hướng của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, tạo các giải pháp đồng bộ, liên kết dữ liệu của các ngành, lĩnh vực phục vụ nhiệm vụ trong triển khai chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, để triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số, trước tiên cần sự quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Các công vệc phát sinh trong quá trình quản lý phải đưa ra bàn bạc để giải quyết kịp thời, triệt để. Do vậy, địa phương đã tập trung thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trên các lĩnh vực và xây dựng đô thị thông minh để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Thừa Thiên Huế, 100% tiêu chí phát triển Chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025 đã hoàn thành và vượt.
100% các cơ quan nhà nước trong tỉnh duy trì sử dụng thư điện tử công vụ và hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh phục vụ hoạt động của đơn vị. 100% các văn bản được các cơ quan nhà nước trong tỉnh trao đổi hoàn toàn dưới dạng văn bản điện tử (trừ văn bản mật) và sử dụng chữ ký số.
Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP ước đạt hơn 10%; Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử: 100%. Đến nay đã có trên 75.099 tài khoản ví điện tử đã được đăng ký trên ứng dụng Hue-S và 694 điểm chấp nhận thanh toán qua Hue-S trên địa bàn tỉnh…
Về triển khai triển khai Đề án 06, từ ngày 01/6/2024, tỉnh Thừa Thiên Huế đã kích hoạt kịch bản chuyển đổi toàn bộ tài khoản của công chức, viên chức, người dân qua phương thức xác thực thống nhất bằng định danh điện tử VNeID nhằm phục vụ giao dịch thủ tục hành chính, triển khai các nền tảng số phục vụ ngưới dân, doanh nghiệp cũng như các hoạt động chính quyền số của tỉnh. Đến nay, đã chuyển đổi thành công 229.991/944.620 (đạt 24,35% người dùng có tài khoản), thời gian đến tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để đẩy mạnh việc chuẩn hóa tài khoản. Triển khai học mô hình học bạ số đã liên thông thành công và chuyển đổi qua hình thức xác thực định danh điện tử VNeID trong hoạt động nghiệp vụ, với 100% tài khoản giáo viên, người làm việc trong ngành giáo dục được đồng bộ; kết nối 100% phóng viên hoạt động trên địa bàn, xác thực định danh VNeID trong hoạt động tương tác giữa cơ quan báo chí và cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đối với việc tổ chức lễ hội, Festival Huế là lễ hội đương đại đầu tiên ở Việt Nam được phát triển trên khái niệm mới về lễ hội, lấy mô hình festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới làm hình mẫu tổ chức. Qua 24 năm tổ chức, Festival Huế đã khẳng định thương hiệu và là một sự kiện văn hóa du lịch quan trọng của một trung tâm văn hóa, du lịch của đất nước. Festival Huế trở thành điểm hẹn định kỳ cho các Đoàn nghệ thuật của hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ ở cả 05 châu lục. Festival Huế góp phần sự kích cầu về tiêu dùng của dân cư, là cơ hội cho sự thu hút đầu tư của nhà nước, các thành phần kinh tế khác không chỉ đối với cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị phục vụ Festival, bảo tồn văn hóa, trùng tu di tích, dịch vụ du lịch – khách sạn… mà còn trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Festival Huế đã thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hoá hoạt động du lịch, thu hút được ngày càng nhiều người dân đầu tư vốn và sức lực để phát triển các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành của tỉnh Lào Cai đã trao đổi với các sở, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác xây dựng cơ chế, triển khai chính sách trong thực hiện chuyển đổi số. Kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong phát triển hạ tầng số, nền tảng dữ liệu số, an toàn thông tin; việc nâng cao chỉ số DTI; việc phát huy hiệu quả hoạt động Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh; việc xây dựng các mô hình theo Đề án 06; phát triển nền tảng quản lý báo chí, truyền thông; quản lý các điểm du lịch, di tích lịch sử và cơ sở lưu trú trên nền tảng số...
Đối với công tác tổ chức festival, đại diện các sở, ngành có liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện; công tác thông tin, quảng bá; các giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông; công tác lễ tân, trang trí, khách mời; kinh nghiệm huy động xã hội hóa và phân bổ nguồn lực hiệu quả...
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh những cách làm hay, sáng tạo, đột phá của Thừa Thiên Huế trong chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 sẽ là kinh nghiệm quý để tỉnh Lào Cai học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần thúc đẩy công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh Lào Cai trong thời gian tới.
Đối với tổ chức festival, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường tiếp thu những kinh nghiệm quý của tỉnh Thừa Thiên Huế để tỉnh Lào Cai tổ chức thành công Festival sông Hồng lần thứ Nhất diễn ra tới đây. Đồng chí đề nghị các sở, ngành có liên quan thường xuyên trao đổi với các sở, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế để tham mưu tổ chức thành công sự kiện quan trọng này.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai mong muốn hai tỉnh thời gian tới sẽ tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực nhằm tiếp tục thực hiện hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương đã đề ra./.
Tiến Cường