Theo hồ sơ, cây số 1 là cây Du sam núi đất, ở bản Nà Tâu được người dân trong vùng gọi là “Cây thần”, “ Sa mu đại thụ” hay “Co mạy pé”, đây là cây gỗ lớn cao trên 35m, đường kính trên 100cm, có tuổi lên đến hàng nghìn năm.
Tiếp đến là 3 cá thể Đa tía tạo thành một quần thể đa. Theo các cụ già trong bản đây là cây còn lại trong quá trình khai phá mở mang và trở thành cây thiêng của bản Lướt, quần thể cây đa thiêng này có độ tuổi khoảng trên 400 năm.
Cây thứ 5 được công nhận cây di sản là cây gạo nằm ở trung tâm bản Phày. Đây là cây do người dân trồng khi xây dựng bản làng. Hiện nay, dân làng đã xây dựng một ngôi miếu thờ bên cạnh cây và coi như cây thiêng của bản làng. Tuổi cây khoảng trên 300 năm.
Cây thứ 6 và 7, là 2 cây sồi quấn vào nhau, được nhân dân trồng để làm ranh giới giữa 2 bản, người dân trong vùng tôn kính coi đây là hình ảnh ông bà, tổ tiên chung của cộng đồng và đặt tên là “Cây Đôi tình yêu”. Theo các cụ già trong bản, đây là những cây còn giữ lại trong quá trình khai phá mở mang và trở thành cây thiêng của bản Mường Chiến. Cây sồi (cây đôi tình yêu) thiêng này có độ tuổi khoảng 300 năm.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Hội cây di sản Việt Nam đã công bố quyết định và trao Bằng Công nhận cây di sản Việt Nam cho đại diện 4 bản, gồm: bản Nà Tâu, bản Phày, bản Lướt, bản Mường Chiến và xã Ngọc Chiến.
PGS. TS Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam cho biết, cây di sản được được công nhận, không những ở Tây Bắc mà trên toàn lãnh thổ Việt Nam có rất nhiều ý nghĩa, trong đó là gìn giữ, bảo tồn nguồn gen của những loài cây, đặc biệt là cây cao tuổi, có kích thước lớn, hoặc đó có thể là những nguồn gen quý hiếm mà có thể giữ lại để làm giống cây cho quốc gia./.
Trấn Long/VOV-Tây Bắc
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/nhieu-loai-cay-hang-tram-tuoi-o-ngoc-chien-duoc-cong-nhan-la-cay-di-san-viet-nam-a7493.html