Đại thủy nông Nậm Rốm được coi là “mạch sống” của lòng chảo Điện Biên (TP Điện Biên Phủ và một phần huyện Điện Biên). Công trình này vốn có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho toàn bộ cánh đồng Mường Thanh - vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc.
Tuy nhiên, hiện nay các tuyến kênh (kênh tả, kênh hữu) thuộc công trình đại thủy nông Nậm Rốm xuất hiện rất nhiều loại rác thải sinh hoạt. Tình trạng này đã tái diễn trong nhiều năm qua, gây bức xúc cho người dân sinh sống dọc 2 bên tuyến kênh.
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tại nhiều đoạn tuyến kênh đi qua địa bàn TP Điện Biên Phủ và một số xã của huyện Điện Biên, sau khi rút nước, lòng kênh đã xuất hiện rất nhiều loại rác thải sinh hoạt.
Tại xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, rác thải ứ đọng dưới lòng kênh và bốc mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn.
Khu vực gần nơi tập kết rác thuộc địa phận thôn Thanh Hồng, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, từ nhiều năm nay, người dân cũng vô cùng bức xúc trước tình trạng rác thải bừa bãi, tràn lan ra cả lòng đường, đặc biệt là vứt xuống lòng kênh mương. Từ rác thải rắn, rác thải sinh hoạt đến cả xác động vật chết, bốc mùi hôi thối...
Hiện nay, cả 2 tuyến kênh tả - hữu dài hơn 30km, bao bọc cánh đồng Mường Thanh đều xuất hiện rác thải do người dân vứt xuống gây ô nhiễm và tạo nên những hình ảnh vô cùng phản cảm.
Ngoài nhiệm vụ chính là cung cấp nước tưới cho hơn 7.000ha lúa 2 vụ và cây trồng vụ đông, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm còn phục vụ nước cho hơn 100ha mặt ao để nuôi trồng thủy sản và hơn 300ha chuyên canh rau màu của người dân vùng lòng chảo.
Trước thực trạng hiện nay, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Xuân Viễn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên (đơn vị được giao quản lý công trình này) cho biết: “Chúng tôi đã và đang cố gắng phối hợp với các cấp chính quyền để tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của bà con. Tuy nhiên, việc xử lý là rất khó vì công trình trải rộng trên địa bàn nhiều xã”.
Cũng theo ông Viễn, khi phát hiện người dân vứt rác vào tuyến kênh thì công nhân công ty cũng chỉ có thể phản ánh với chính quyền địa phương vì công ty không có chức năng xử lý, xử phạt. Do đó, hiện rất khó khăn trong việc bảo vệ nguồn nước.
“Trong phần quy định xử phạt trong việc bảo vệ công trình thủy lợi thì chỉ xử phạt với các trường hợp xâm phạm công trình, lấn chiếm hành lang hoặc phá hoại công trình… Do vậy, khi công nhân quản lý trực tiếp đi kiểm tra mà gặp người dân vứt rác xuống kênh thì phải tự vớt” - ông Viễn cho biết thêm.
NHÓM PV
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/dai-thuy-nong-nam-rom-cong-lung-ganh-rac-thai-sinh-hoat-a9944.html