Vĩnh Phúc sáp nhập, sắp xếp 28 xã thành 13 xã mới

Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thực hiện sáp nhập, sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã thành 13 đơn vị hành chính cấp xã mới.

sap-nhap-vinh-tuong-1731916354.jpg
Vĩnh Tường là huyện có số xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập nhiều nhất của tỉnh Vĩnh Phúc (10 xã). Ảnh: Vinhphuc.gov.vn

Với 100% thành viên có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua phương án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố.

Các địa phương được xem xét sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn này gồm An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.

Thời điểm có hiệu lực thi hành của các nghị quyết từ ngày 1.1.2025, riêng đối với nghị quyết của tỉnh Sơn La từ ngày 1.2.2025.

Trong đó với tỉnh Vĩnh Phúc, theo Đề án của Chính phủ, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện bắt buộc sắp xếp, có 22/136 đơn vị hành chính cấp xã (19 xã, 2 phường và 1 thị trấn) thuộc diện bắt buộc sắp xếp.

Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp đối với 28 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 16/22 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp; 12 đơn vị liền kề có liên quan); không thực hiện sắp xếp đối với 6/22 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp do có yếu tố đặc thù.

Đề án của Chính phủ xây dựng 13 phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 2 phương án nhập 3 ĐVHC cấp xã để hình thành 1 ĐVHC cấp xã; 11 phương án nhập 2 ĐVHC cấp xã để hình thành 1 ĐVHC cấp xã.

Sau sáp nhập, sắp xếp, tỉnh Vĩnh Phúc giảm 15 ĐVHC cấp xã, từ 136 đơn vị xuống còn 121 đơn vị (gồm 88 xã, 15 phường, 18 thị trấn).

Theo đề án của tỉnh, giai đoạn 2023-2025 Vĩnh Phúc sẽ thực hiện sắp xếp 28 ĐVHC cấp xã thành 13 đơn vị tại 6 huyện, thành phố: Phúc Yên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô.

Trong số này, Vĩnh Tường là huyện có số xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập nhiều nhất của tỉnh (10 xã).

Tính đến hết tháng 3.2024, cả 28 xã, thị trấn thuộc diện sắp xếp trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri. Trong đó, có 91,6% cử tri đồng ý với phương án sáp nhập và tên gọi mới sau sáp nhập.

Sau sắp xếp, tỉnh sẽ có 9 huyện, thành phố và 121 xã, phường, thị trấn (gồm 88 xã, 15 phường, 18 thị trấn); giảm 15 ĐVHC cấp xã so với trước khi sắp xếp.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc, tại 13 ĐVHC mới sau sắp xếp sẽ bố trí 143 cán bộ, 130 công chức. Đối với 229 cán bộ, công chức và 64 người hoạt động không chuyên trách thuộc diện dôi dư, tỉnh sẽ điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc hưởng các chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ...

Lam Duy

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/vinh-phuc-sap-nhap-sap-xep-28-xa-thanh-13-xa-moi-a9888.html