Sau vụ cháy, ngôi chùa 800 năm tuổi ở Phú Thọ giờ ra sao?

Phú Thọ - Sau vụ cháy, các tài sản và hiện vật trong ngôi chùa Phổ Quang tại xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao bị nhiều thiệt hại.

chay-chua-pho-quang-01-1730362899.jpg
Bên trong ngôi Tam Bảo của chùa Phổ Quang, nơi xảy ra vụ cháy sáng ngày 23.10. Ảnh: Tô Công.

Nhiều thiệt hại từ vụ cháy

Như tin đã đưa, vào khoảng 10h sáng ngày 23.10, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại chùa Phổ Quang (tên gọi khác là chùa Xuân Lũng) thuộc địa phận khu 4, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao. Thiệt hại về tài sản theo ước tính ban đầu là khoảng 25 tỉ đồng.

Đến khu 4, xã Xuân Lũng vào những ngày cuối tháng 10, phóng viên Báo Lao Động ghi nhận, chùa Phổ Quang nằm xen giữa những hàng cây xanh cao lớn, khu dân cư đông đúc của xã Xuân Lũng, chỉ cách tuyến đường đê tả sông Thao (sông Hồng) khoảng 400m.

Ngôi chùa Phổ Quang ở khu 4, xã Xuân Lũng. Ảnh: Tô Công.
Ngôi chùa Phổ Quang ở khu 4, xã Xuân Lũng. Ảnh: Tô Công.

Bước vào chùa Phổ Quang cùng lãnh đạo UBND xã Xuân Lũng và đại diện Ban quản lý di tích chùa Phổ Quang, phóng viên hiểu được nỗi xót xa, sự tiếc nuối của người dân sau những thiệt hại mà vụ cháy để lại.

Nơi xảy ra vụ cháy - ngôi Tam Bảo của chùa Phổ Quang có kiến trúc chữ Công gồm Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện; toàn bộ cấu kiện gỗ khung vì, hoành, rui bằng gỗ lim loại tốt, mái lợp ngói mũi hài; công trình được tu bổ, tôn tạo năm 2021 - 2022.

Ngôi Tam Bảo của chùa Phổ Quang đang được che chắn bằng bạt. Ảnh: Tô Công.
Ngôi Tam Bảo của chùa Phổ Quang đang được che chắn bằng bạt. Ảnh: Tô Công.

Theo đánh giá sơ bộ về thiệt hại của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ (tại văn bản số 917/SVHTTDL-QLDSVH ngày 24.10), sau vụ cháy, toàn bộ phần mái bị cháy, ngói bị rơi, vỡ; hệ thống cột chịu lực và cửa bị cháy toàn bộ.

Hệ thống tường xây gạch đỏ xuất hiện nhiều vết nứt, đặc biệt ở tòa Thiêu hương và Thượng điện, phần nền lát gạch và hệ thống các chân tảng kê cột bị nứt, vỡ; hệ thống tượng thờ, các pho tượng đất, gỗ bị gãy mất các chi tiết như đầu, tay, chân..., lớp sơn thếp không còn do tác động nhiệt.

Một số pho tượng
Một số pho tượng bị gãy, mất chi tiết... Ảnh: Tô Công.
Bàn thờ Phật bằng đá bị vỡ góc. Ảnh: Tô Công.
Bàn thờ Phật bằng đá bị vỡ góc. Ảnh: Tô Công.

Đặc biệt, Bảo vật Quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá (Bệ đá hoa sen) đã bị ám khói xung quanh và một số góc bị nứt, vỡ, tách lớp...

Bảo vệ những gì còn lại

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Đình Chính - Phó trưởng Ban quản lý di tích chùa Phổ Quang - cho biết, sau khi các lực lượng chức năng hoàn thành công tác phong tỏa hiện trường, thu thập thông tin, điều tra nguyên nhân vụ cháy... ban quản lý, xã Xuân Lũng và nhiều người dân địa phương đã tổ chức lau dọn, vệ sinh lại chùa.

Cửa gỗ bị cháy thành than. Ảnh: Tô Công.
Cửa gỗ bị cháy thành than. Ảnh: Tô Công.

Theo ông Chính, hiện, ban quản lý đang tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Xuân Lũng và các cơ quan chức năng thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm an toàn cho di tích và các hệ thống các di vật, cổ vật, đặc biệt là Bảo vật Quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá trong ngôi chùa.

“Bảo vật quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá, xã Xuân Lũng đã dựng khung cứng bảo quản, che chắn cẩn thận, tránh tác động của mưa gió, ngói, rui hoành và cấu kiện gỗ khác rơi xuống. Với các pho tượng, từ thiệt hại hiện tại, có thể phục dựng lại khoảng 90% so với ban đầu” - ông Chính chia sẻ.

Bệ đá được cố định. Ảnh: Tô Công.
Bệ đá được cố định bằng khung cứng. Ảnh: Tô Công.

Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho các tài sản, hiện vật còn lại, ban quản lý cùng xã Xuân Lũng sẽ làm mái che toàn bộ ngôi Tam Bảo. Sau đó, nghiên cứu, đề xuất phương án tu bổ, tôn tạo chùa Phổ Quang, tích cực huy động các nguồn xã hội hóa để thực hiện trong thời gian sớm nhất, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của nhân dân.

Ông Chính cũng khẳng định lại: “Ban quản lý di tích chùa Phổ Quang và các cơ quan liên quan chưa ban hành bất kỳ văn bản nào về nội dung kêu gọi quyên góp, ủng hộ xây dựng lại các hạng mục của chùa bị thiệt hại sau vụ cháy. Vì vậy, các thông tin kêu gọi trên mạng xã hội là không chính xác".

Bảo
Các pho tượng tại chùa có thể phục dựng được 90% so với ban đầu. Ảnh: Tô Công.

Theo tìm hiểu, chùa Phổ Quang có niên đại khoảng 800 năm và còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị thuộc nhiều thời đại từ Trần, Lê, Nguyễn.

Đặc biệt nhất, chùa Phổ Quang có Bàn thờ Phật bằng đá được chế tác vào năm 1387, được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2021.

Tô Công

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/sau-vu-chay-ngoi-chua-800-nam-tuoi-o-phu-tho-gio-ra-sao-a9677.html