Cuộc sống đảo lộn sau vỡ đập
Hơn 1 tháng kể từ sau vụ vỡ bờ đập bùn thải của Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn xảy ra ở thôn Bản Nhường, xã Bản Thi (Chợ Đồn), người dân nơi đây vẫn chưa thể trở lại với đời sống thường nhật.
Chị Nông Thị Bùi, thôn Bản Nhường, xã Bản Thi chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc xảy ra sự cố vỡ bờ đập. “Sáng đó (ngày 9.9), khi tôi ở nhà bỗng nghe có tiếng động rất lớn từ dãy núi. Chỉ ít phút sau, chất thải đổ ầm ầm như thác chảy ồ ạt xuống, xô vào tường phía sau rồi tràn vào nhà, ra đường. Dòng suối Bản Thi và cả một vùng rộng lớn trong phút chốc đã bị vùi lấp” - chị Bùi kể lại.
Theo chị Bùi, chất thải chứa chì kẽm tràn ra môi trường đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Đặc biệt, để lại trong lòng người dân nỗi lo ô nhiễm đất đai, nguồn nước cũng như nguy cơ mất đi sinh kế.
Hiện phía Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn mới chỉ tiến hành thu dọn, xử lý bùn thải ở bề mặt. Vì vậy, gia đình chị chưa dám canh tác trở lại do lo sợ cây kém phát triển hoặc nhiễm độc chì.
"Toàn bộ đất canh tác sát nhà tôi bị bùn thải vùi lấp, hiện một số khu vực chưa được thu dọn hoàn toàn và hằng ngày bốc mùi rất khó chịu. Gia đình tôi sống nhờ vào nông nghiệp bao năm qua, giờ đất đai như vậy tôi không biết sau này làm gì để trang trải cuộc sống nữa" - người phụ nữ cho hay.
Nhà cách đó không xa, bà Nông Bích Hồng (tên nhân vật thay đổi), thôn Bản Nhường, xã Bản thi có hơn 5.000m2 đất ruộng bị bùn thải tràn vào gây thiệt hại. Bà Hồng cho biết, kể từ ngày xảy ra sự cố, dòng suối - nơi cung cấp nước chính cho canh tác, người dân vẫn dè dặt không dám sử dụng.
Để có nước dùng, người dân dùng ống dẫn nước từ trên núi, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi khi vào mùa khô, nước trên núi sẽ cạn kiệt, người dân sẽ lại lâm vào cảnh thiếu nước.
"Dòng suối ở đây dân có ai dám dùng cho sinh hoạt, tưới tiêu nữa đâu. Một số hộ có nhà trên cao nước dẫn từ ống không chảy đến được thì phải mang can đi xin nước về, mỗi lần cũng chỉ lấy một ít, vất vả lắm" - bà Hồng chia sẻ.
Hàng trăm công nhân khắc phục sự cố
Để khắc phục hậu quả sự cố, mỗi ngày Công ty Kim loại màu Bắc Kạn đã huy động từ 100 đến 250 công nhân và máy móc thu gom bùn thải. Sau khi bùn được đóng vào bao tải sẽ vận chuyển đến điểm tập kết. Tuy nhiên do bùn thải tràn ra trên diện rộng nên một số nơi, đặc biệt khu vực hạ nguồn suối Bản Thi, lượng chất thải vẫn tồn đọng, nằm chất đống và đóng cặn trên nền đất.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Khổng Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND xã Bản Thi - đánh giá, sự việc đập bùn thải tuyển quặng bị vỡ là sự cố môi trường nghiêm trọng. Công tác thu dọn chất thải dự kiến kéo dài đến cuối năm 2024.
"Hiện nay do chưa có kết quả xét nghiệm nguồn nước nên tôi cũng chỉ khuyến cáo người dân không tiếp xúc hay sử dụng nước suối để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, để xử lý hoàn toàn số bùn thải bị lẫn trong đất và dưới lòng suối là rất khó khăn" - ông Tiềm thông tin thêm.
Trước đó, sáng 9.9, vụ vỡ đập bùn thải của Công ty Kim loại màu Bắc Kạn đã khiến hơn 1.000 tấn bùn thải quặng chì kẽm tràn ra môi trường, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đe dọa đời sống hàng trăm hộ dân tại 2 tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn. Sau vụ việc, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) đã hỗ trợ xét nghiệm chất lượng nước sinh hoạt tại xã Bình Phú (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) với 8 thông số nhóm A và 29 thông số kim loại, vi sinh nhóm B để đánh giá nguy cơ nhiễm kim loại nặng từ nước tuyển quặng.
Kết quả cho thấy, 10/10 mẫu nước đều không đạt quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt ở các thông số hóa lý và thông số vi sinh.
Ngọc Minh
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/nguoi-dan-song-thap-thom-sau-vu-vo-dap-bun-thai-o-bac-kan-a9601.html