Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có văn bản kiến nghị TP Hòa Bình (Hòa Bình) kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh hoạt động nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện.
Thông tin từ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Cục ĐTNĐ) cho biết, ngay sau buổi làm việc với Báo GD&TĐ đơn vị đã có công văn gửi UBND TP Hòa Bình.
Cụ thể, ngày 27/9/2024, ông Hoàng Minh Toàn, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam ký Công văn số 2775/CĐTND-QLKCHT với nội dung: Kiến nghị UBND phường Thái Bình, UBND TP Hòa Bình (Hòa Bình) kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh hoạt động nuôi trồng thủy sản trên phạm vi hồ thủy điện Hòa Bình.
Nội dung công văn nêu: Cục ĐTNĐ Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước đối với tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên hồ thủy điện Hòa Bình. Trong quá trình người dân tổ chức hoạt động nuôi trồng thủy sản trên vùng nước hồ thủy điện Hòa Bình có xin ý kiến Cục ĐTNĐ Việt Nam về vị trí các lồng, bè cá.
Về những hoạt động nuôi trồng thủy sản, cục đã có văn bản trả lời, ý kiến về các vị trí của người dân không thuộc phạm vi đường thủy do cục quản lý theo quy định của Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/1/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa (Nghị định số 08/2021/NĐ-CP).
“Qua thông tin phản ánh của báo chí, hiện nay một số hộ nuôi trồng thủy sản trên hồ Hòa Bình được cho ý kiến (“thỏa thuận” - PV) về vị trí mặt nước nuôi trồng thủy sản, nhưng không thực hiện và xây dựng nhà cửa kiên cố, nhà hàng, nhà nghỉ lưu trú cho khách qua đêm, sử dụng tàu, kinh doanh dịch vụ.... Về nội dung này, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã làm việc với cơ quan báo chí và được cung cấp một số thông tin, hình ảnh hoạt động có dấu hiệu trái quy định của pháp luật”, văn bản của Cục ĐTNĐ Việt Nam nhấn mạnh.
Cục ĐTNĐ Việt Nam đã chỉ đạo Chi cục Đường thủy nội địa khu vực 1 thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình để xử lý nếu hoạt động nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng đến phạm vi tuyến luồng. Tuy nhiên, do các hoạt động nêu trên nằm ngoài phạm vi, trách nhiệm quản lý của Cục ĐTNĐ Việt Nam.
“Vì vậy kiến nghị UBND TP Hòa Bình báo cáo UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan của địa phương kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo như các phản ánh. Trường hợp cần thiết đề nghị tỉnh tổ chức thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 64 Nghị định số 08/2021/NĐ-CP. Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện”, Cục ĐTNĐ Việt Nam kiến nghị.
Trước đó, từ ngày 15 - 17/10/2024, Báo GD&TĐ đăng tải loạt bài viết phản ánh tình trạng nhiều công trình nhà hàng, nhà nghỉ, tàu thuyền cỡ lớn… được cho là của Cơ sở kinh doanh tổng hợp Thái Bình mọc lên giữa lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Việc này làm thu hẹp kế sinh nhai của người dân, gây cản trở giao thông, luồng lạch khi người dân đưa con lên bờ tới trường học. Sự việc khiến cuộc sống gia đình nhiều phụ huynh học sinh bị đảo lộn.
Để có thông tin khách quan về sự việc, Báo GD&TĐ đã có buổi làm việc Cục ĐTNĐ Việt Nam. Với những hình ảnh Báo GD&TĐ cung cấp (tình trạng xây dựng công trình kiên cố gồm nhà hàng nổi, nhà dịch vụ lưu trú, ngủ nghỉ qua đêm), đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam khẳng định: “Những hoạt động như vậy là sai với quy định. Địa phương cần phải vào cuộc xử lý những vi phạm còn đang tồn tại”.
Theo ông Nguyễn Văn Loan, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng (Cục ĐTNĐ) cho biết: Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 64 Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/1/2021, UBND tỉnh Hòa Bình phải có trách nhiệm: “Tổ chức giải tỏa các bến tập kết, xếp dỡ hàng hóa không đủ điều kiện, công bố hoạt động các công trình, nhà hàng nổi, khách sạn nổi hoạt động trái quy định”.
Ngày 26/9, Báo GD&TĐ đã có buổi làm việc với đại diện Sở GTVT tỉnh Hòa Bình. Bà Trần Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái, cho biết: Thực hiện công tác quản lý trên địa bàn, Sở GTVT thường xuyên tổ chức kiểm tra theo kế hoạch và báo cáo với UBND tỉnh Hòa Bình, các địa phương và các cơ quan liên quan về tình hình hoạt động giao thông vận tải trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Theo bà Hiền, trước đó, ngày 12/8/2024, Sở GTVT tỉnh Hòa Bình có Báo cáo số 2482/SGTVT-QLVT, PT&NL về tình trạng một số nhà hàng nổi, phao nổi tự phát, kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch cho du khách khu vực lòng hồ Hòa Bình, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
“Sở GTVT phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác đôn đốc, tuyên truyền, kiểm tra… Đề nghị Cục ĐTNĐ, UBND các huyện, thành phố quan tâm phối hợp, triển khai thực hiện. Yêu cầu dừng hoạt động đối với các nhà hàng nổi, phao nổi hoạt động tự phát, trái phép, không đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và vệ sinh môi trường trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia”, văn bản Sở GTVT tỉnh Hòa Bình nêu.
Liên quan đến những phản ánh của người dân sống trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Báo GD&TĐ đã đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi thông tin.
Hà Long
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/de-nghi-kiem-tra-xu-ly-tinh-trang-mat-nuoc-ho-hoa-binh-bi-chia-cat-a9580.html