Địa hình bị chia cắt mạnh bởi đồi núi, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai; người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán canh tác lạc hậu, tư duy tự cung tự cấp, tư tưởng trông chờ ỷ lại đã tồn tại quá lâu; thiếu việc làm… là những khó khăn chung ở vùng "lõi nghèo” của Yên Bái.
Bởi vậy, hỗ trợ tạo sinh kế, thay đổi tư duy sang kinh tế hàng hóa, phù hợp với nhu cầu trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương là một trong những giải pháp giảm nghèo được các địa phương này tập trung triển khai từ nhiều năm nay.
Theo đó, các địa phương đã tận dụng nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, đề án của tỉnh để hỗ trợ người dân mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế hộ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Chỉ tính riêng các dự án, tiểu dự án hỗ trợ về sinh kế thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã triển khai hỗ trợ Dự án "Hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sinh sản theo nhóm cộng đồng dân cư” ở 2 xã Bản Mù và Phình Hồ cho 192 hộ dân được thụ hưởng, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 4,2 tỷ đồng.
Anh Giàng A Vang ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu là một trong những hộ dân tham gia Dự án này chia sẻ: "Những năm trước, do thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất nên cuộc sống của gia đình rất khó khăn. Rồi tôi được hỗ trợ 3 con bò sinh sản, được hướng dẫn kiến thức kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ. Sau hơn 1 năm, bò sinh sản, thấy có hiệu quả tôi lại vay vốn Ngân hàng Chính sách huyện để mở rộng chăn nuôi. Giờ đây, gia đình tôi đã có 5 con bò, thu nhập của gia đình bắt đầu ổn định, sẽ sớm trả hết nợ trong 1-2 năm nữa”.
Ngoài ra, huyện Trạm Tấu còn triển khai 11 Dự án "Hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn thương phẩm theo nhóm cộng đồng dân cư” với kinh phí hỗ trợ 2,3 tỷ đồng; hỗ trợ giống, phân bón, cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị sản xuất với kinh phí hỗ trợ 3,247 tỷ đồng…
Không chỉ các dự án, chính sách của Trung ương, Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp, tập trung thay đổi tư duy, khuyến khích đồng bào xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Trong đó, chăn nuôi đã phát triển được hàng trăm mô hình chăn nuôi quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế cao như chăn nuôi đại gia súc hay nuôi lợn, gà giống bản địa, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trồng trọt có nhiều triển vọng, tiêu biểu có thể kể đến như: Dự án liên kết trồng mới và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả ôn đới (cây lê, cây hồng không hạt) triển khai năm 2023-2024 tại huyện Mù Cang Chải được đánh giá rất khả quan, đã hỗ trợ đồng bào nhân rộng giống cây đầy tiềm năng này với tổng diện tích 100 ha.
Anh Mùa A Mạnh - Bí thư Chi bộ bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải cho biết: "Vốn chỉ biết trồng lúa, ngô, nuôi vài con gà, con lợn phục vụ nhu cầu tự cung, tự cấp thì nay người dân bản mình đang trồng lê Đài Loan theo dự án liên kết chuỗi giá trị. Không chỉ được hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật mà còn được ký biên bản ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm nữa đấy. Giống lê này đã được chứng minh rất hợp với đất và khí hậu ở đây, giá trị cao, trung bình 1 ha lê cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Bởi vậy, chỉ vài năm nữa thôi, người dân Nả Háng Tủa Chử sẽ thoát nghèo và vươn lên làm giàu”.
Giai đoạn 2021-2023, 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã phát triển được gần 600 mô hình chăn nuôi, nâng cấp chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô hàng hóa tập trung. Đặc biệt, Nghị quyết số 69 còn vận động, thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo sinh kế bền vững, lâu dài cho đồng bào.
Tập trung hỗ trợ sinh kế bền vững cho đồng bào, hết năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Yên Bái còn 12,14% (giảm 4,93% so với năm 2022), trong đó huyện Mù Cang Chải giảm 9,83%, huyện Trạm Tấu giảm 6,95%.
Hoài Anh
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/giam-ngheo-o-vung-loi-nhieu-ho-tro-sinh-ke-cho-nguoi-dan-yen-bai-a9570.html