Bản làng vẫn tan hoang sau vụ vỡ đập bùn thải ở Bắc Kạn

Hơn 1 tháng sau vụ vỡ đập bùn thải quặng chì kẽm của Công ty Kim loại màu Bắc Kạn, người dân vẫn sống trong nơm nớp nỗi lo ô nhiễm, bản làng tan hoang.

0-vo-dap-bun-thai-qu-06-1729150612.jpeg
Hiện trường vụ tràn bùn thải ở Bắc Kạn sau hơn 1 tháng. Ảnh: Việt Bắc

Ngày 16.10, PV trở lại hiện trường vụ vỡ đập của Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn (Công ty Kim loại màu Bắc Kạn). Đã hơn 1 tháng trôi qua, bùn thải quặng chì kẽm vẫn chất đống nhiều nơi, kết thành từng mảng dày trên nền đất tại xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn.

Nhiều công nhân, máy móc của Công ty Kim loại màu Bắc Kạn vẫn đang tiến hành thu dọn bùn thải, đóng vào bao, tập kết dọc hai bên bờ suối.

Trong khi đó, dòng nước màu xám đục hướng từ khu vực xưởng tuyển vẫn ồ ạt chảy ra con suối Bản Thi - nơi cung cấp nước phục vụ canh tác, chăn nuôi sản xuất của người dân. Bản làng vẫn tan hoang cùng bùn thải.

Nhiều tuần đã trôi qua nhưng chị Nông Thị Bùi (thôn Bản Nhường, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn) vẫn chưa hết bàng hoàng, kinh hãi mỗi khi nhớ lại thời khắc vụ vỡ đập xảy ra.

Hjn
Người dân vẫn thấp thỏm lo âu sau vụ vỡ đập bùn thải quặng kẽm, chì. Ảnh: Việt Bắc

"Sau tiếng động lớn, nước và bùn từ trên đập thải ào ạt chảy ra đường đi, tràn vào nhà, lấp kín ruộng lúa. Đến bây giờ, bùn thải chì kẽm vẫn chất đống trên đất của nhà tôi, không chăn nuôi trồng cấy được gì.

Tôi tính sẽ phải đi mua đất nơi khác về đổ lên mặt ruộng để trồng cấy nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ bồi thường từ phía Công ty Kim loại màu Bắc Kạn", chị Bùi bức xúc.

Tương tự, chị Nông Kim Huyên (tên nhân vật được thay đổi) ở thôn Bản Nhường, xã Bản Thi chia sẻ, kể từ khi xảy ra sự cố vỡ đập bùn thải, nỗi lo ô nhiễm môi trường, nguồn nước vẫn luôn thường trực trong tâm trí người dân nơi đây.

"Tôi rất lo nguồn nước và đất canh tác bị nhiễm độc chì, nếu vậy thì chẳng thể canh tác được nữa.

Giờ phía bên công ty họ mới dọn dẹp phần bề mặt và hai bên bờ suối, nhìn cảm quan thì cũng đã dọn dẹp cơ bản nhưng các chất lẫn trong đất, dưới lòng suối thì rất khó để xử lý triệt để", chị Huyên cho hay.

Ngày 16.10, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Hoàng - Giám đốc Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn - cho hay, phía đơn vị vẫn đang thu dọn chất bùn thải sau vụ vỡ bờ đập quặng, hiện đạt khoảng 80%. Dự kiến, đơn vị sẽ xử lý xong trong tháng 10.2024.

"Chúng tôi cũng đang tiến hành thống kê thiệt hại, xây dựng các phương án để đánh giá, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng", ông Hoàng thông tin.

Một số hình ảnh PV ghi nhận:

Số chất thải sau vụ vỡ đập bùn thải đang được thu dọn, xử lý. Ảnh: Việt Bắc.

Hiện trường vụ vỡ đập. Ảnh: Việt Bắc

2

Một lượng bùn thải tràn vào đất của người dân vẫn chưa được xử lý, thu dọn. Ảnh: Việt Bắc

3

Khu vực hướng xưởng tuyển quặng bị vỡ vẫn ngổn ngang. Ảnh: Việt Bắc

Dòng nước đục ngầu hướng từ nơi xảy ra sự cố vỡ đập bùn thải vẫn tràn ra, chảy vào suối Bản Thi. Ảnh: Việt Bắc.

Dòng nước đục ngầu hướng từ nơi xảy ra vỡ đập vẫn tràn ra, chảy vào suối Bản Thi. Ảnh: Việt Bắc

Những nơi bùn thải tràn ra ngoài hiện đang được công nhân thu dọn, đóng vào bao tập kết hai bên bờ suối. Ảnh: Việt Bắc.

Những nơi bùn thải tràn ra ngoài đang được công nhân thu dọn, đóng vào bao tập kết hai bên bờ suối. Ảnh: Việt Bắc

Tất cả mẫu nước kiểm nghiệm đều không đạt

Như Báo Lao Động đã thông tin, sáng 9.9, vụ vỡ đập bùn thải của Công ty Kim loại màu Bắc Kạn đã khiến hơn 1.000 tấn bùn thải quặng chì kẽm cùng hóa chất đi kèm tràn ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và đe dọa đời sống, sinh kế của hàng trăm hộ dân tại 2 tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn.

Sau vụ việc, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) đã hỗ trợ xét nghiệm chất lượng nước sinh hoạt tại xã Bình Phú (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) với 8 thông số nhóm A và 29 thông số kim loại, vi sinh nhóm B để đánh giá nguy cơ nhiễm kim loại nặng từ nước tuyển quặng.

Kết quả cho thấy, 10/10 mẫu nước đều không đạt quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt ở các thông số hóa lý và thông số vi sinh.

Việt Bắc

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/ban-lang-van-tan-hoang-sau-vu-vo-dap-bun-thai-o-bac-kan-a9519.html