Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tròn 1 tháng sau sự cố sập cầu Phong Châu, ngày 9.10, các lực lượng chức năng đang tích cực phối hợp, khẩn trương thực hiện công tác phá dỡ, trục vớt kết cấu của phần cầu Phong Châu bị sập và các phương tiện lên bờ.
Tại hiện trường (phía bên huyện Tam Nông), các mặt bằng gần khu vực sập cầu đã được san gạt, phục vụ việc tập kết những vật được trục vớt lên; các phương tiện, máy móc cỡ lớn như cần cẩu, máy xúc, tàu... đang hoạt động hết công suất.
Các kết cấu của cầu Phong Châu bị sập, từng phần của phương tiện dưới sông được khoan cắt, cẩu lên mặt bằng sẽ được Tổ giám sát với sự chủ trì của cơ quan quân đội và công an tiến hành chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép để phục vụ công tác giám định nguyên nhân sự cố...
Đến nay, các lực lượng chức năng đã tìm kiếm, trục vớt được 4/8 nạn nhân mất tích trong vụ sập cầu, bàn giao thi thể cho các gia đình lo hậu sự (1 thi thể trong cabin xe tại hiện trường sập cầu, 3 thi thể trên hạ lưu sông Hồng).
Mới đây, Lữ đoàn Hải quân 126 (Quân chủng Hải quân) đã triển khai lực lượng gồm 40 cán bộ, chiến sĩ đặc công tinh nhuệ cùng đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, chạy đua với thời gian, tìm kiếm người mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu.
Với người dân sinh sống ở khu vực đầu cầu Phong Châu thuộc địa bàn xã Vạn Xuân (huyện Tam Nông), vụ việc khiến họ hụt hẫng vì mất đi cây cầu quen thuộc đã gắn bó hàng chục năm qua, nhất là ảnh hưởng đến những hộ kinh doanh trong khu vực.
Anh Bùi Văn Tuyến - chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại di động tại đây - kể lại: "Trước đây khi còn cầu Phong Châu, khu vực đầu cầu từ sáng đến đêm lúc nào cũng tấp nập người và phương tiện, sầm uất hơn so với khu trung tâm huyện. Từ các cửa hàng, quán cóc, xe taxi, xe ôm... đều rất đông khách. Thế nhưng, giờ mất đi cây cầu, tất cả đều vắng vẻ, dù mới chỉ 1 tháng trôi qua, nhưng những ảnh hưởng là thấy rõ".
Về giao thông, sau khi Lữ đoàn Công binh 249 (Binh chủng Công binh) và Quân khu 2 lắp đặt, thông lại cầu phao Phong Châu từ chiều ngày 6.10, người dân đã dần quen với việc lưu thông bằng cầu phao dã chiến.
Chị Phùng Thị Phương Thu - người dân sống tại xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao - bày tỏ: "Việc không mong muốn đã xảy ra. 1 tháng nay, chứng kiến các chiến sĩ quân đội, công an và nhiều lực lượng khác ngày đêm khắc phục hậu quả, đảm bảo việc đi lại và an toàn cho người dân, chúng tôi cũng sẽ phải thích ứng, rồi khó khăn cũng sẽ qua".
Với phần cầu Phong Châu hiện tại đang có nguy cơ đổ sập (phía nối xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao), Phú Thọ đã tổ chức phân luồng giao thông đường thủy qua khu vực cầu, bố trí rào chắn xung quanh cầu, đồng thời nghiên cứu phương án, giải pháp tháo dỡ các nhịp còn lại để đảm bảo an toàn.
Tô Công
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/tro-lai-cau-phong-chau-tron-1-thang-sau-tham-hoa-a9431.html