Từ ngày 19-24/9, tại xã Nông Thượng (TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) ghi nhận 82 người phải vào viện cấp cứu với tình trạng sốt, đau đầu, nôn ói. Tất cả trường hợp này đều ăn cơm bán trú tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nông Thượng vào trưa 19/9. Đến sáng 20/9, các học sinh và giáo viên cùng ăn vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn.
Ngày 23/9, Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cho biết, nguyên nhân của vụ ngộ độc bước đầu được xác định do vi khuẩn tụ cầu vàng gây ra, nghi ngờ thực phẩm được chế biến từ nguồn nước không đảm bảo. Vì vậy, đơn vị này khuyến cáo người dân đảm bảo an toàn thực phẩm sau mưa lũ, ăn chín, uống sôi, tập trung khử khuẩn, làm sạch nguồn nước sinh hoạt.
Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm nay, ngập lụt xảy ra trên diện rộng và kéo dài. Các vi khuẩn, vi sinh vật theo dòng nước di chuyển rộng hơn dẫn tới khó kiểm soát các vấn đề liên quan tới vệ sinh nguồn nước, môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Đặc biệt, người dân dễ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa như tiêu chảy do vi khuẩn E. coli, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A. Bệnh xuất hiện do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm.
Nguyên nhân là nước sạch thiếu thốn và ảnh hưởng từ việc khó khăn khi nấu nướng, cung cấp thực phẩm cho người dân dễ dẫn tới ngộ độc thực phẩm.
Ông Phu khuyến cáo dù sau bão lũ thực phẩm thiếu thốn, người dân vẫn cần có nhiều biện pháp đảm bảo an toàn như:
- Không nên ăn rau sống có thể trồng ở các khu vực bị nước ngập nhiễm vi khuẩn; không đủ nước sạch để rửa rau.
- Thận trọng khi chọn thực phẩm sống như lợn, gà (có thể bị ốm).
- Kiểm tra kỹ khi sử dụng thực phẩm để trong tủ lạnh bị mất điện. Sau 4 giờ mất điện, ngăn mát không còn tác dụng bảo quản thực phẩm nhất là thực phẩm chín như thịt, cá giàu protein dễ nhiễm khuẩn.
Ở ngăn đá, thời gian bảo quản lâu hơn nhưng bạn vẫn cần kiểm tra. Nếu thực phẩm rã đông hoàn toàn, chảy nước, không nên dùng chế biến món ăn. Khi nhận đồ cứu trợ, người dân cần kiểm tra thực phẩm trước khi dùng do các vấn đề khi vận chuyển.
- Xử lý tốt nguồn chất thải, rác thải và xác động vật chết; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo các nguyên nhân dẫn tới mất an toàn thực phẩm trong và sau bão lũ do nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn bị ách tắc. Lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố. Vì vậy, các địa phương tập trung tuyên truyền người dân đảm bảo an toàn thực phẩm sau mưa lũ. Các địa phương đẩy mạnh khử khuẩn môi trường, làm sạch nước ngăn ngừa dịch bệnh trong đó có bệnh lây qua đường tiêu hóa.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng khuyến cáo 5 nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm:
Nguyên tắc 1: Giữ gìn vệ sinh tốt
Rửa tay bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa với nước sạch trước khi tiếp xúc với thực phẩm, trong quá trình chế biến thực phẩm, sau mỗi lần đi vệ sinh. Vệ sinh bề mặt, dụng cụ chế biến. Khu vực bếp nấu cần sạch sẽ, tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập.
Nguyên tắc 2: Để riêng thực phẩm sống và chín trong tủ bảo quản cũng như quá trình chế biến. Không dùng chung dao thớt khi làm thực phẩm sống, chín. Bảo quản thực phẩm trong hộp có nắp đậy.
Nguyên tắc 3: Đun nấu kỹ.
Nguyên tắc 4: Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn.
Nguyên tắc 5: Sử dụng nước và nguyên liệu an toàn bao gồm cả nguyên liệu và nguồn nước dùng để nấu ăn, rửa thực phẩm.
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/di-cap-cuu-do-nguon-nuoc-sau-mua-lu-khong-sach-a9302.html