Những tuyến đê 'run rẩy' chờ kinh phí

Nước lũ rút, cũng là lúc nhiều tuyến đê dọc sông Lô trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang bị đe dọa sự an toàn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

z5865394645701-81a7831f2fe6e0ca9c6ae483042068dd-130658-73-130658-084021-1727316262.jpg
Tuyến đê sông Lô, đoạn qua địa bàn xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương bị vỡ hôm 10/9 cần có kinh phí sửa chữa, khắc phục. Ảnh: Đào Thanh.

Tối ngày 10/9, khoảng 10m đê sông Lô, đoạn qua địa bàn xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang giáp với xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ bị vỡ. Tuyến đê này đã làm từ lâu năm, cống dưới chân đê xuống cấp, khi nước dâng cao gây rò rỉ. Do đó khi nước sông Lô dâng cao, dòng chảy xiết tác động mạnh vào đê khiến tuyến đê bị vỡ.

Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngay sau khi sự cố vỡ đê sông Lô xảy ra, UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các sở, ngành, quân đội, UBND huyện Sơn Dương và các cơ quan liên quan tập trung nhân lực, vật lực để xử lý, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất, đạt hiệu quả cao nhất, nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại về tài sản và sản xuất của bà con.

Tỉnh cũng chỉ đạo rà soát các hộ trong vùng ảnh hưởng và thực hiện di chuyển khẩn cấp đến nơi an toàn. Tuy nhiên vào thời điểm khắc phục xảy ra mưa rất lớn và vào ban đêm, lưu lượng dòng chảy xói vào đê rất lớn. Mặc dù các lực lượng đã cố gắng ngăn chặn dòng nước nhưng việc khắc phục gặp nhiều khó khăn, nguy cơ xảy ra tai nạn, ảnh hưởng tới tính mạng của lực lượng tham gia ứng cứu nên phải dừng công tác khắc phục và thực hiện các nhiệm vụ cắm biển. Hiện nay, việc khắc phục tuyến đê vẫn phải chờ những biện pháp kỹ thuật của cơ quan chuyên môn.

Cũng dọc tuyến sông Lô, đê tả đoạn qua địa bàn xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương mái đê phía cánh đồng xuất hiện 4 vị trí mạch đùn sủi. Ngay sau khi nắm được thông tin sự cố xảy ra, Sở NN-PTNT, Chi cục Thuỷ lợi đã trực tiếp xuống hiện trường, phối hợp với UBND huyện Sơn Dương, UBND xã Trường Sinh huy động lực lượng, vật tư cát, sỏi, đất, bao tải, rơm, tre nứa để thực hiện xử lý, khắc phục sự cố.

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang kiểm tra hiện trạng hệ thống các tuyến đê dọc sông Lô đoạn qua địa phận huyện Sơn Dương. Ảnh: Đào Thanh.
Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang kiểm tra hiện trạng hệ thống các tuyến đê dọc sông Lô đoạn qua địa phận huyện Sơn Dương. Ảnh: Đào Thanh.

Hay tuyến đê tả sông Lô đoạn qua thôn Xạ Hương, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương mặt đê, thân đê bị nứt dọc theo chiều dài khoảng 300m, chiều rộng vết nứt từ 5 đến 30cm, có nguy cơ xảy ra vỡ đê.

Theo ông Hoàng Văn Niên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Dương thì khó khăn lớn nhất trong việc khôi phục sửa chữa các tuyến đê trên địa bàn bị thiệt hại là thiếu kinh phí và quy trình kỹ thuật thi công. Bởi vậy, khi nước rút, một số công trình đành để lại hiện trạng hư hỏng. Tuy nhiên về lâu dài cứ để như thế sẽ không ổn, bởi nếu có mưa lũ xảy ra, sẽ đe dọa nghiêm trọng đến mùa màng và cả đời sống của người dân sinh sống ven đê.

Mới đây, UBND huyện Sơn Dương đã có văn bản gửi UBND tỉnh Tuyên Quang về nhu cầu kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại về thủy lợi. Tổng nguồn kinh phí huyện cần là khoảng 38,5 tỷ đồng, để xây dựng, sửa chữa công trình kè chống sạt lở sông Phó Đáy với kinh phí là 1,5 tỷ đồng và 37 tỷ đồng khắc phục 5 công trình về đê điều.

Trong tổng số nhu cầu kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là hơn 1.800 tỷ đồng, thì nhu cầu kinh phí khắc phục sự cố thủy lợi và đê điều đã là hơn 1.170 tỷ đồng. Điều này có thể thấy, hậu quả thiệt hại khủng khiếp do bão số 3 gây ra cho ngành thủy lợi của Tuyên Quang. Việc khắc phục sớm thiệt hại về thủy lợi, đê điều không chỉ đảm bảo an sinh xã hội, mà còn đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới kịp thời cho người nông dân, khi vụ đông xuân đang tới cận kề.

 

Đào Thanh

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/nhung-tuyen-de-run-ray-cho-kinh-phi-a9252.html