Đến 6 giờ ngày 16/9, bão số 3 làm Yên Bái thiệt hại khoảng 4.635 tỷ đồng

- Do chịu ảnh hưởng của bão số 3 (YAGI), tỉnh Yên Bái đã có 54 người chết và mất tích; 25.159 nhà ở bị thiệt hại; 5.528,7 ha diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng; 370 vị trí đường tỉnh sạt lở taluy dương... Ước thiệt hại theo thống kê sơ bộ khoảng 4.635 tỷ đồng.

Công tác chỉ đạo khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ ngày 6/9/2024 đến ngày 16/9/2024 (tính đến 6h00, ngày 16/9/2024)

I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT

1. Thời tiết:

Bão số 3 (YAGI) sau khi vào đất liền đã gây ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, gây gió mạnh, mưa lớn; hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt là các tỉnh Tây Bắc bộ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Tại tỉnh Yên Bái, do chịu ảnh hưởng của bão số 3, sau chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ nối với vùng áp thấp (suy yếu từ cơn bão số 3 di chuyển sang phía Tây), nên các khu vực trong tỉnh Yên Bái từ đêm 6 - 11/9 có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa từ 19h ngày 6/9 đến 19h ngày 11/9 phổ biến từ 100 500mm, một số nơi cao hơn 500mm như: An Phú 703,0mm; Phúc Lợi 691,0mm; Tân Phượng 679,8; Tà Si Láng 640,4mm; Khánh Hòa 615,8mm; Lũng Hà 613,6mm; Minh Bảo 613,0; Báo Ái 611,4mm; Liễu Đô 606,0mm, Phình Hồ 589.0mm; Phan Thanh 588,2mm; Phường Yên Ninh 581,8mm; Trung Tâm 560,8mm; Minh Tiến 560,0mm; Yên Bình 550,6mm; Khánh Thiện 532,2mm.

Lượng mưa từ 19h ngày 15 đến 6h ngày 16/9/2024 các khu vực trong tỉnh: Phúc Lợi (Lục Yên) 90.6 mm; Trung Tâm (Lục Yên) 82.2 mm; Mậu Đông 75.8 mm; Mậu A 73.2; Phan Thanh 69.4 mm; Phúc Lợi 69.2 mm; Đại Lịch 68.6 mm; Hưng Khánh 68 mm; Đại Sơn 58.8 mm...

2. Thuỷ văn:

Trên hệ thống sông suối trong tỉnh xuất hiện đã xuất hiện một đợt lũ đặc biệt lớn, với biên độ lũ lên từ 2,31 - 9,97m. Đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái đạt mức 35,73m (trên BĐ3: 3,73m), xuất hiện lúc 17h ngày 10/9, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) là 1,31m, hiện đang xuống nhanh; trên sông Ngòi Hút là 54,56m (trên BĐ3: 0,06m), xuất hiện lúc 22h ngày 08/9; sông Ngòi Thia là 46,20m (dưới BĐ3: 0,30m), xuất hiện lúc 08h ngày 08/9; sông Nậm Kim là 939,40m (dưới BĐ2: 0,10m), xuất hiện lúc 22h ngày 08/9; lũ sông Chảy hiện ở mức cao lịch sử do điều tiết xả lũ của thủy điện Thác Bà, mực nước cao nhất ở hạ lưu là 29,05m (trên BĐ3: 7,05m) xuất hiện lúc 19h ngày 11/9, mực nước cao nhất ở thượng lưu tại thời điểm từ 5h-9h sáng ngày 11/9/2024 đạt đỉnh 59.84m, trên mực nước tần xuất P = 0.1% = 59.65 (0.19 m).

II. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC THIỆT HẠI

1. Về phía Trung ương:

a) Ngày 08/9/2024, đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Bùi Thanh Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn đã đến huyện Yên Bình để kiểm tra, thị sát, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của lũ lụt và đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lũ.

b) Ngày 9/9/2024, đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc Phòng do Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm trưởng đoàn, đã kiểm tra công tác Phòng chống lụt bão tại huyện Yên Bình. Cùng đi có đồng chí Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2.

c) Ngày 10/9/2024, đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, làm trưởng đoàn đã đến tỉnh Yên Bái để kiểm tra, thị sát, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của lũ lụt và đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lũ.

d) Ngày 12/9/2024, đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị Thủ tướng Chính phủ, làm trưởng đoàn đã đến tỉnh Yên Bái để kiểm tra, thị sát, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của lũ lụt và đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lũ.

2. Về phía tỉnh Yên Bái

Ngay sau khi xảy ra lũ, ngập lụt, sạt lở đất tại các huyện thị xã, thành phố: Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đồng chí Chủ tịch, các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các ngành đã kịp thời có mặt tại vùng lũ để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả của thiên tai.

Các địa phương đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ để di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm kiếm người mất tích và khắc phục hậu quả thiên tai. Trước đó, Tỉnh ủy đã có Công văn số 2083- CV/TU ngày 05/9/2024; Ủy ban nhân dân tỉnh có Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 04/9/2024; Công điện số 11/CĐ-UBND ngày 07/9/2024; Công điện số 12/CĐ-UBND ngày 09/9/2024 về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai do hoàn lưu bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCH về tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024.

Chỉ đạo tăng cường thường xuyên công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến và tính chất phức tạp của Bão số 3 để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống, ứng phó khẩn cấp với cơn bão, tuyệt đối không để tư tưởng chủ quan, lơ là.

Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương bố trí lực lượng, địa điểm tiếp nhận các nguồn kinh phí, nhu yếu phẩm được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, hỗ trợ.

Thành lập các đoàn công tác của tỉnh do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm trưởng đoàn, trực tiếp xuống địa bàn để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, các lực lượng có liên quan triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.

3. Công tác tuyên truyền

Đã có 4.821 tin, bài được đăng tải trên các trang chính thức (cơ quan báo chí địa phương, cơ quan báo chí TW và trang thông tin của các huyện, thị xã, thành phố) và có trên 10.198 tin bài, phóng sự đăng trên trang mạng xã hội.

III. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI: 

Theo Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã, thành phố.

1. Thiệt hại về người:

- Người bị chết và mất tích: 54 người, trong đó:

+ Người chết do sạt lở đất: 50 người (thành phố Yên Bái 22 người; Trấn Yên 3 người; Lục Yên 13 người; Văn Chấn 2 người; Văn Yên 10 người).

+ Người bị chết do ngập lũ: 03 (Trấn Yên 01 người; thành phố Yên Bái 02 người).

+ Người mất tích: 01 người ở huyện Lục Yên.

- Người bị thương: 36 người (thành phố Yên Bái 10 người; Lục Yên 9 người; Văn Yên 12 người: Yên Bình 1 người; Văn Chấn: 1 người; Trấn Yên 3 người).

(Có phụ lục 01 chi tiết kèm theo)

2. Thiệt hại về nhà ở: 25.159 nhà, trong đó:

- Nhà bị sập đổ hoàn toàn: 265 nhà.

- Nhà bị hư hỏng nặng: 358 nhà.

- Nhà phải di dời khẩn cấp: 194 nhà.

- Nhà bị tốc mái trên 70%: 9 nhà.

- Nhà bị tốc mái từ 50 đến 70%: 27 nhà.

- Nhà bị tốc mái từ 30-50%: 34 nhà.

- Nhà bị thiệt hại dưới 30%: 221 nhà.

- Nhà bị sạt lở taluy ảnh hưởng: 1.600 nhà. 

- Nhà bị thiệt hại: 22.451 nhà (đây là số nhà bị ngập nước, hiện nay nước đã rút không bị ngập nữa mà bị ảnh hưởng hỏng tài sản, bùn rác trong nhà).

(Có phụ lục 02 chi tiết kèm theo)

3. Thiệt hại về nông nghiệp

a) Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng: 5.528,7 ha, trong đó:

- Diện tích lúa bị thiệt hại, ảnh hưởng: 3.039,4 ha;

- Diện tích ngô, rau màu bị thiệt hại: 1.352,5 ha;

- Diện tích cây công nghiệp (cây dâu, quế, chè, dong riềng) bị thiệt hại: 801,3 ha;

- Diện tích cây lâm nghiệp bị thiệt hại, ảnh hưởng: 216,4 ha;

- Diện tích cây ăn quả thiệt hại: 119,1 ha.

b) Thiệt hại về chăn nuôi: 335.994 con gia súc, gia cầm (trâu 57, bò 1, dê 19, lợn 7.054; gia cầm 328.843 con), 18 con nhím, 2 con hươu.

c) Thiệt hại về thủy sản: Diện tích nuôi cá truyền thống bị lũ tràn qua và vỡ bờ: 688,78 ha; vỡ bờ 06 ao cá huyện Trạm Tấu, ước tính: 375kg.

(Có phụ lục 03 chi tiết kèm theo)

4. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng

4.1. Về giao thông

a) Đường quốc lộ: Sạt lở taluy dương: 190 vị trí. Tổng khối lượng khoảng: 67.171m3. Sạt lở taluy âm: 535md/22 vị trí.

b) Đường tỉnh sạt lở taluy dương 370 vị trí. Tổng khối lượng khoảng: 235.605m³; sạt lở taluy âm: 395md/21 vị trí.

c) Thiệt hại giao thông cơ sở: (i) Các tuyến đường giao thông cơ sở bị sạt lở trên 1.000 điểm với tổng khối lượng đất đá khoảng 1.082.000 m³, hư hỏng các hạng mục thoát nước, phụ trợ (ii) 05 cầu bị hư hỏng, trôi, sập (cầu dân sinh tại khu vực Đồng Chua (thôn 4) xã Nghĩa Lộ bị lũ cuốn trôi, cầu Khéo Lẹng, xã Lâm Thượng thuộc tuyến đường Mai Sơn - Lâm Thượng - Tân Phượng (ĐH96) bị đổ sập hoàn toàn, cầu thôn Chống Tầu xã Làng Nhì hỏng 02 mố cầu, cầu Gái bản Chống Tầu - Chống Chơ xã Làng Nhì xói lở, hư hỏng 02 mố cầu, cầu Làng Nhì - Đề Chơ xã Làng Nhì bị cuốn trôi).

d) Các dự án giao thông đang triển khai thi công: Tổng số các điểm sạt lở:101 điểm với khối lượng sạt lở: 257.170 m³.

(Có phụ lục 04 chi tiết kèm theo)

4.2 Công trình thủy lợi, đê, kè, nước sạch

4.2.1 Thuỷ lợi: 226 công trình thủy lợi bị hư hỏng. 

4.2.2 Kè: (i) Kè bờ suối Thia sạt lở 40m và vẫn tiếp tục nguy cơ cao sạt lở đê, kè tại địa phận thôn Nậm To, xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ. (ii) Hư hỏng hạng mục kè bê tông, kè rọ thép bảo vệ mố cầu Thia Km0+350/ĐT.174 (mố M2 phía Nghĩa Lộ) tại phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ (phía thượng lưu cầu đảo dẫn hướng bị nghiêng đổ vùi lấp không còn tác dụng dẫn dòng. Khoảng 30m kè rọ thép bị xói chân, nghiêng đổ, phía hạ lưu hạng mục kè rọ thép L= 40m cao 6 tầng, bị xói lở trôi mất 7 hàng rọ tầng 1 tiếp giáp kè bê tông bao gồm cả cọc 1200 làm đoạn kè bị lún khoảng 1.2m; sạt và xói lở khoảng 10m mố lái nắn dòng suối Thia tại tổ 2, phường Cầu Thia).

4.2.3 Đê điều:

Đê vỡ và bị tràn đê: Đê Cát Vân, Đê ông Lộc, đê ông Thành thị trấn Cổ Phúc (xói lở chân đê 20m và xói lở, rò rỉ nhiều điểm thân đê); đê Liên Hiệp Minh Quân (xói lở chân đê 400m); đê Hồng Thái xã Nga Quán (100m); đê Phú Thọ xã Việt Thành (100m); Đê Lan Đình, xã Việt Thành (150m); đê Cầu Đất thị trấn Cổ Phúc.

4.2.4 Công trình cấp nước sạch: 16 công trình cấp nước tập trung nông thôn hư hỏng (820 hộ bị ảnh hưởng), (ii) 32.235 hộ gia đình bị ảnh hưởng nguồn nước (trong đó có 22.470 hộ trong trung tâm thành phố Yên Bái sử dụng nước sạch đô thị). Thành phố Yên Bái nguồn nước máy đã được khắc phục các hộ nước lũ đã rút đã có thể sử dụng nước. Các địa phương khác chưa được khắc phục.

4.3. Y tế: (i) Bệnh viện Nội tiết bị sạt taluy dương sạt xuống khối nhà nhiễm khuẩn, nhà để máy phát điện, nhà xe bệnh nhân khoảng 3.800 m³ đất đá; (ii) Trung tâm y tế huyện Trạm Tấu bị sạt taly dương thiệt hại: 01 lò đốt rác, 1 phần nhà kho của trung tâm, khối lượng đất đá ước tính: 2.000 m³, hiện đang khắc phục; (iii) Phòng khám đa khoa khu vực An Bình, huyện Văn Yên bị nứt tòa nhà phòng khám (nhà 3 tầng); (iv) 34 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, ngập lụt, sạt lở.

4.4. Giáo dục: 28 trường bị ngập lụt, 37 trường bị sạt lở. Thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học (bàn ghế, thiết bị máy tính, máy chiếu, máy in, máy phô tô, tài liệu,...), sách vở của cơ sở giáo dục và các em học sinh, ảnh hưởng tới các hạng mục công trình giáo dục do sạt lở đất, ngập lụt.

(Có phụ lục 05 chi tiết kèm theo)

4.5. Công trình an sinh - xã hội

(i) Trung tâm điều dưỡng tỉnh Yên Bái bị sạt lở đất tại một số điểm và làm đổ khoảng 70m tường rào; (ii) Nghĩa trang liệt sĩ Trung tâm tỉnh bị sạt lở toàn bộ phía sau đền thờ Bác Hồ nằm trong khuôn viên Nghĩa trang, sạt lở đồi thông phía sau kỳ đài và xuất hiện vết nứt lớn ở quả đồi tiếp giáp khu C.

4.6. Công trình văn hóa

(i) 02 nhà văn hóa thôn bị sập đổ hoàn toàn (nhà văn hóa thôn Khe Bín xã Tân Phượng và nhà văn hóa thôn Khe Chung xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên) 01 nhà văn hóa tổ 13 thị trấn Yên Bình bị sạt lở ta luy khoảng 100m. (ii) Di tích lịch sử - văn hóa Đền Cửa Ngòi, xã Đại Minh bị hư hỏng, thiệt hại do ngập úng (iii) 28 nhà văn hóa của các thôn, tổ, sân vận động, nhà thi đấu, rạp Hồng Hà và 08 công trình di tích lịch sử văn hóa bị ngập lụt gây hư hỏng tài sản tại các xã trên địa bàn thành phố Yên Bái.

4.7. Trụ sở cơ quan.

(i) 04 đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (Chi cục Quản lý đất đai; Chi cục Bảo vệ Môi trường; Văn phòng Đăng ký đất đai; Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường) bị thiệt hại tài sản, hồ sơ, tài liệu, thiết bị quan trắc do ngập lụt. (ii) Sạt lở taluy đồi gò Thần phía sau trụ sở Đảng uỷ - HĐND UBND xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình; khối lượng đất sạt lở ước khoảng 5.000 m³. (iii) Tường rào và Pano tại cổng Ủy ban nhân dân xã Việt Cường, huyện Trấn Yên bị đổ sập (iv) 37 cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Yên Bái bị ảnh hưởng do ngập lụt, sạt lở.

5. Thiệt hại công nghiệp:

5.1 Cung cấp truyền tải điện: 1.113 trạm biến áp phải dừng cấp điện do bão, lũ gây ra. Tổng số khách hàng mất điện hiện tại: 5.628 khách hàng/tổng số 253.831 khách hàng. Đối với đường dây 110kV: 05 cột bị sạt lở; đường dây Trung áp: 118 vị trí cột gẫy đổ, hư hỏng, sạt lở, nghiêng, 6.518 m dây dẫn và một số thiết bị, xà, sứ bị hư hỏng; 04 trạm TBA trạm biến áp bị sạt lở, 02 MBA bị hư hỏng; đường dây hạ áp: 379 vị trí cột gẫy đổ, hư hỏng, sạt lở, nghiêng, 11.530m dây dẫn và một số thiết bị, xà, sứ bị hư hỏng.

(Có phụ lục 06 chi tiết kèm theo)

5.2 Thủy điện: 14 thủy điện bị ảnh hưởng phải dừng phát điện, dừng hoạt động (các thủy điện: Ma Lừ Thàng, Nậm Đông 3, Nậm Tăng 3), giảm công suất (các thủy điện: Ngòi Hút 1, Sài Lương, Văn Chấn, Thác Cá 1, Thác Cá 2, Đồng Sung), sự cố, mất lưới điện (thủy điện Hạnh Phúc), sạt đường (các thủy điện Pá Hu, Ngòi Hút 2, Ngòi Hút 2A, Cụm dự án thủy điện Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải).

5.3. Khai thác chế biến khoáng sản

Một số mỏ thuộc nhóm đá hoa trắng, đá vật liệu xây dựng thông thường, felspat, than, graphit bị ảnh hưởng, thiệt hại do sạt lở, ngập lụt cụ thể: 08 mỏ đá hoa trắng; 05 mỏ đá vật liệu xây dựng thông thường; 01 mỏ than; 01 mỏ Felspat; 01 Nhà máy Graphit.

6. Thiệt hại về thông tin liên lạc

- Mạng viễn thông: 653 trạm BTS bị ảnh hưởng, sự cố (trong đó: VNPT: 252 trạm, Viettel 312 trạm, Mobifone: 89 trạm). Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp xử lý, khắc phục liên tục 24/24h đến nay đã khắc phục được 644/653 đạt tỷ lệ 98,3%, trong đó trạm (VNPT 250; Viettel: 310; Mobifone: 84); chưa khắc phục: 9/653 trạm đạt tỷ lệ 1,7%, trong đó trạm (VNPT: 2 trạm; Viettel: 02 trạm; Mobifone: 5 trạm).

Mạng bưu chính: Về cơ bản đường thư, đường chuyển phát nội tỉnh, liên tỉnh đã bước đầu được khắc phục. Sạt lở taluy âm chân cột ăngten phát sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái với khối lượng khoảng 350 m³.

7. Thiệt hại khác:

Gẫy đổ 294 cây xanh và các pano, biển báo trên các tuyến đường huyện Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái.

Các chợ, siêu thị, các hệ thống cửa hàng, kho hàng, nhà hàng, quán ăn, nhà xưởng sản xuất trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do bão, lũ.

Cửa hàng xăng dầu ngập nước và tạm dừng hoạt động 14/130 cửa hàng; 2 cửa hàng tạm ngừng do mất điện.

Phương tiện bị hư hỏng do ngập lụt (Trên 200 cột đèn trang trí bị hư hỏng, ô tô khoảng 1.013 cái, xe máy 30.000 cái và toàn bộ trang thiết bị, tài sản của các hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp bị ngập, sạt lở đất, lũ quét bị mất, hư hỏng chưa xác định được).

Ước thiệt hại theo thống kê sơ bộ khoảng 4.635 tỷ đồng.

IV. KẾT QUẢ CÔNG TÁC KHẮC PHỤC THIỆT HẠI

1. Công tác huy động lực lượng

Tổng số lực lượng huy động tham gia khắc phục hậu quả trên 105.090 người (Bộ đội 1.749 người; Công an 611 người; Dân quân 2.730 người và các lực lượng tình nguyện khác 100.000 người) để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Về phương tiện đã huy động phương tiện của Công ty quản lý đường bộ và các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn (129 máy xúc, 14 máy ủi; 322 ô tô 322; 63 xuồng máy; 24 thuyền máy; 11 thuyền nan; 38 máy phát điện; 168 máy cưa xăng....) tập trung hót đất, đá sạt lở để đảm bảo thông các tuyến đường và hót đất đá bồi lấp, vệ sinh môi trường.

Công tác tìm kiếm nạn nhân bị chết do sạt lở đất: Ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các lực lượng Công an, quân sự phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường bị sạt lở, thiệt hại về người huy động lực lượng, phương tiện xuống hiện trường thực hiện công tác tìm kiếm nạn nhân, đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu, đồng thời hỗ trợ gia đình di dời tạm thời người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn.

2. Công tác di dời các hộ bị ảnh hưởng và rà soát các hộ phải di dời

- Đối với 265 nhà bị sập đổ hoàn toàn đã di dời và bố trí chỗ ở tạm thời về nhà người thân;

- Đối với 20.868 hộ phải di dời người và tài sản đã bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ gia đình tại các nhà văn hóa, trụ sở Ủy ban nhân xã và xen ghép vào các hộ gia đình không bị ảnh hưởng. Hiện tại có 15.977 hộ quay về nhà sau khi nước rút và giảm nguy cơ sạt lở (Trấn Yên 4.048 hộ; Lục Yên 1.196 hộ; Yên Bình 3.522 hộ; Văn Chấn 340 hộ; Văn Yên 1.086 hộ, Yên Bái: 5.785 hộ).

3. Công tác đảm bảo an sinh xã hội

- Tổ chức thăm hỏi, trao hỗ trợ người bị thương nặng do bão lũ, sạt lở đất, đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và các trung tâm y tế, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ 05 triệu đồng/người; thăm hỏi, hỗ trợ đối với gia đình có người chết, người mất tích với mức hỗ trợ 25 triệu đồng/người.

- Tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ tạm thời cho 100% hộ gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn là 40 triệu đồng/ hộ; hỗ trợ nhà bị hư hỏng nặng là 20 triệu đồng/hộ.

- Tổ chức, bố trí lực lượng y, bác sỹ và chuẩn bị thuốc men để khám và chữa bệnh cho nhân dân nơi sơ tán và tại chỗ.

- Bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Tiếp tục rà soát, tìm kiếm quỹ đất để bố trí làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập hoàn toàn; nhà phải di dời khẩn cấp.

- Triển khai các biện pháp bình ổn giá cả hàng hóa, đáp ứng đầy đủ nhu yếu phẩm, nhu cầu nhiên liệu xăng, dầu cho người dân, máy móc, thiết bị; sớm khôi phục hệ thống điện sinh hoạt cho toàn bộ các hộ dân bị mất điện.

4. Công tác khắc phục bước đầu các công trình cơ sở hạ tầng

Công tác khắc phục về giao thông: Đến nay đã đảm bảo giao thông bước 1 của một số tuyến đường trọng yếu, tuyến đường Quốc lộ 32, 37, 2D, 32C lưu thông bình thường, khôi phục hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống điện cho các vùng bị thiệt hại.

Công tác đảm bảo thông tin liên lạc: Về cơ bản ngành đã nỗ lực, khắc phục nhanh nhất sự, cố về thông tin liên lạc trong khả năng có thể. Đến nay cơ bản những nơi có điện lưới đều đã có sóng di động, nhiều nơi chưa có điện nhưng doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp như: máy phát điện, pin dự phòng để duy trì hoạt động của các trạm phát sóng di động.

Các nhà máy thuỷ điện hiện nay đã quay lại hoạt động và khắc phục dần những hư hỏng.

5. Công tác y tế và vệ sinh môi trường

- Công tác hót dọn bùn đất, vệ sinh môi trường: Tổ chức lực lượng khắc phục hậu quả ngập úng, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Các lực lượng tại chỗ, nhân dân các xã, phường, các lực lượng quân đội, công an, phương tiện đang được tăng cường tổ chức hót dọn hàng triệu m³ bùn đất và hỗ trợ nhân dân di chuyển đồ đạc, tài sản, dựng lại nhà cửa để ổn định cuộc sống, sản xuất. Các trường học đã huy động cán bộ, viên chức, giáo viên của nhà trường cùng với các lực lượng tăng cường thu dọn, vệ sinh trường lớp. Đến nay trên địa bàn thành phố Yên Bái đã và đang thu dọn bùn đất được 101/142 tuyến và các đường nhánh trên địa bàn các xã, phường với khối lượng đất sạt, bùn rác được thu dọn khoảng 600.000 m³, đạt khoảng 50% khối lượng công việc.

Hướng dẫn, đôn đốc nhân dân vệ sinh, thu dọn, chôn lấp xác động vật chết (đến nay đã chôn lấp trên 2.000 con gà và 600 con lợn); tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu chăn nuôi để tái đàn; cải tạo, vệ sinh đất sản xuất và gieo trồng bổ sung ngay các cây rau, màu ngắn ngày sau khi khắc phục xong để đảm bảo sản xuất sau mưa lũ.

- Tổng số 26/35 cơ sở y tế đã khắc phục và tổ chức khám chữa bệnh.

- Cấp hóa chất xử lý nước, khử trùng cho các đơn vị, hộ gia đình và tiến hành phun thanh khiết môi trường và xử lý giếng nước bị ngập. Đã thực hiện cấp bổ sung 2.335 kg Cloramin các loại (400 kg Cloramin B, 1.935 kg Clorin), 9 cơ số thuốc phòng chống bão lũ, 2000 túi thuốc gia đình, 57 thùng (06 loại thuốc, các thực phẩm chức năng và các chế phẩm) cho các trung tâm Y tế trong hoạt động khử khuẩn, xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong ngày, đã sử dụng 313 kg Cloramin B, 5.800 viên Aquatasb (Lũy tích đã sử dụng 1.552 kg Cloramin B, sử dụng 10.800 viên Aquatasb). Trong ngày có 41 máy phun hóa chất hoạt động tại các huyện Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình và Thành phố Yên Bái để phun khử khuẩn môi trường. Hiện tại, nguồn nước sinh hoạt đã được xử lý (tính đến 15 giờ ngày 15/9/2024): 4.574 hộ gia đình (tăng 605 hộ), 63 đơn vị công cộng (tăng 25 đơn vị), 22 cơ sở y tế, 08 công trình cấp nước tập trung. Tiến hành phun thanh khiết môi trường: 19 cơ sở y tế (tăng 1 cơ sở), 77 khu vực công cộng (tăng 28), 8.503 hộ gia đình (tăng 1.931 hộ); Tiếp tục phun khử khuẩn, vệ sinh, thanh khiết môi trường tại các khu vực công sở, công cộng (Uỷ ban, Thành ủy, trường học, chợ...) và các tuyến đường xung quanh thành phố và các địa điểm bị ngập tại các huyện khi nước rút.

6. Công tác tiếp nhận tiền, hàng hóa ủng hộ

Tính đến 17h00' ngày 15/9/2024, Ban vận động cứu trợ các cấp tỉnh Yên Bải đã tiếp nhận ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cụ thể như sau:

(i) Cấp tỉnh: Kình phí ủng hộ và đăng ký ủng hộ của 1.519 tập thể và cá nhân với số tiền gần 73,4 tỷ đồng, trong đó đã tiếp nhận được hơn 52,6 tỷ đồng.

Hỗ trợ bằng hiện vật đã tiếp nhận của 133 đoàn, bao gồm các nhu yếu phẩm: 4.940 xuất quà tổng hợp và xuất ăn tổng hợp; 14.786 thùng nước; 5520 thùng sữa; 10.962 thùng mỳ tôm; 1031 thùng lương khô; 1029 thùng xúc xích; 15.346 chiếc bánh mỳ ăn liền; hơn 17 tấn gạo; 9.131 chiếc bánh ngọt và bánh trung; 3.410 cái áo phao; 2.105 đôi ủng; 2002 áo mưa; 2.292 đèn pin; 07 thuyền (xuồng) cứu trợ; 21 máy lọc nước; 132 dụng cụ bếp, 1.018 dụng cụ vệ sinh cá nhân, dụng cụ sửa chữa nhà cửa và dụng cụ gia đình; 931 chăn; 586 màn; 600 thảm ngủ; 748 tấm bạt che, bạt phủ đa năng (trong đó: Cục quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai ủng hộ: 40 máy lọc nước; 120 dụng cụ bếp; 1.018 dụng cụ vệ sinh cá nhân, dụng cụ sửa chữa nhà cửa và dụng cụ gia đình; 600 chăn; 360 màn; 600 thảm ngủ; 728 tấm bạt che, bạt phủ đa năng- hàng nước ngoài tài trợ) và nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Đã chuyển 99,9% số hàng trên đi các huyện 138 xe bao gồm: Thành phố Yên Bái: 49 xe; chuyển tiếp 03 thuyền (xuồng) cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Huyện Văn Yên: 24 xe và 4 thuyền (xuồng) cứu trợ; Huyện Yên Bình: 28 xe; Huyện Lục Yên: 24 xe; Huyện Trấn Yên: 11 xe; Huyện Trạm Tấu: 2 xe.

(ii) Cấp huyện: Kinh phí ủng hộ và đăng ký ủng hộ số tiền trên 943 triệu đồng.

Hỗ trợ bằng hiện vật đã tiếp nhận của gần 600 đoàn (trên 145 xe hàng), bao gồm các nhu yếu phẩm: 42.401 xuất ăn tổng hợp; 45.565 thùng nước lọc; 14.503 thùng sữa; 24.516 thùng mỳ tôm; 16.663 thùng lương khô; 500 thùng xúc xích; 35.241 bánh các loại; gạo hơn 8 tấn; 5931 áo phao; 1.011 đèn pin; 20 chiếc thuyền (gồm thuyền máy, thuyền bơm hơi và thuyền tôn) và nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu khác.

V. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Tập trung vào việc cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích, di dời người dân ra khỏi khu vực an toàn và chưa cho phép các hộ dân đã di dời ra khỏi vùng nguy hiểm trở về nhà khi chưa đảm bảo an toàn.

2. Tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở, quan tâm chăm lo hậu sự cho những người bị thiệt hại do thiên tai, chăm sóc y tế cho người bị thương; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng người yếu thế, người bị ảnh hưởng do thiên tai, quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; điều phối khoa học, hợp lý các nguồn lực hỗ trợ cho người dân.

3. Khẩn trương thực hiện công tác đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc để thực hiện tốt công tác chỉ đạo điều hành, cứu hộ; đảm bảo cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như: điện, nước, xăng dầu và thông tin liên lạc; hót dọn sụt sạt, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nước sinh hoạt nhất là tại những nơi công cộng như trường học, trạm y tế...

4. Tổ chức khắc phục các công trình giao thông đảm bảo thông suốt, các công trình thủy lợi đảm bảo cho sản xuất, các công trình điện, nước sạch đảm bảo đời sống nhân dân; thực hiện các biện pháp khắc phục sản xuất các diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng.

5. Triển khai ngay chính sách hỗ trợ nhà ở, đất tái định cư cho người dân; kiểm tra hiện trạng các ngôi nhà bị sụt sạt để đảm bảo an toàn cho người dân trước khi quay trở lại nhà. Khôi phục lại cơ sở hạ tầng, đảm bảo giao thông bước1, các công trình thủy lợi, công trình nước sạch, công trình thoát nước, nhất là những nơi bị ngập lụt, hạ tầng đô thị.

6. Thực hiện việc hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản để chuyển đổi cây trồng cho phù hợp; tập trung đảm bảo an ninh, an toàn, an dân, hỗ trợ an sinh xã hội; sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường cho người dân trong thời gian nhanh nhất.

7. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về công tác chỉ đạo khắc phục thiên tai của tỉnh, đảm bảo thông tin, tuyên truyền 2 chiều.

8. Huy động tối đa các lực lượng như: quân đội, công an, thanh niên, lực lượng giáo viên...; huy động máy móc, phương tiện của các doanh nghiệp và từ người dân tham gia khắc phục hậu quả thiên tai.

9. Thống kê toàn bộ thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra chính xác, đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp khắc phục.

10. Tăng cường công tác nắm tình hình, đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, chủ động giải quyết kịp thời, dứt điểm những phát sinh ngay từ cơ sở. Làm tốt công tác thông tin liên lạc phục vụ tìm kiếm cứu nạn.

 

 

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/den-6-gio-ngay-169-bao-so-3-lam-yen-bai-thiet-hai-khoang-4635-ty-dong-a9125.html