“Đói” đơn hàng, doanh nghiệp cơ khí gặp khó

Từ nhiều tháng nay, một số doanh nghiệp (DN) cơ khí trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phải hoạt động cầm chừng do “đói” đơn hàng. Khó khăn về thị trường kéo dài và chưa có dấu hiệu khởi sắc khiến cho không ít DN phải cắt giảm lao động hoặc chấp nhận bù lỗ để duy trì sản xuất, kinh doanh.

1-img-3189-20240811161845-20240814083618-1723618332.jpg
Trước áp lực cạnh tranh của thị trường, Công ty CP Kết cấu thép và Xây dựng Tân Khánh (TP. Phổ Yên) đã phải cắt giảm 1/2 lao động để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. 

Tại Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập (TP. Thái Nguyên) chuyên sản xuất phụ tùng thang máy, nếu như những năm trước vào thời điểm giữa năm, hoạt động sản xuất diễn ra rất nhộn nhịp, thì hiện nay lại khá ảm đạm, hàng tồn kho nhiều. Giám đốc Bùi Xuân Dũng cho biết: Từ đầu năm đến nay, đơn vị gần như không ký được đơn hàng mới, kế hoạch sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều. Doanh thu 7 tháng qua sụt giảm tới 40% so với cùng kỳ năm trước.

Tìm hiểu thêm tại một số DN cơ khí khác như: Công ty CP Kết cấu thép và Xây dựng Tân Khánh, Công ty CP Thương mại thép Việt Cường cùng ở TP. Phổ Yên, chúng tôi cũng nhận thấy những khó khăn tương tự. Công ty CP Kết cấu thép và Xây dựng Tân Khánh (chuyên thiết kế, sản xuất, lắp dựng kết cấu thép, các loại khung nhà thép tiền chế, tấm lợp kim loại; thiết kế, cung cấp bồn chứa, bể chứa, si lô và các thiết bị nâng hạ phục vụ các công trình công nghiệp), trong 7 tháng qua, đơn hàng giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. 

Còn tại Công ty CP Thương mại thép Việt Cường, ông Lê Mạnh Cường, Giám đốc, chia sẻ: Chúng tôi đang hoạt động ở 2 lĩnh vực chính là thi công kết cấu thép tiền chế và đại lý phân phối thép hình của Thép Đại Việt, Tisco. Tính đến hết quý II/2024, sản lượng sắt thép tiêu thụ ở cả 2 lĩnh vực này đều giảm từ 15-20% so với cùng kỳ năm trước.

2-img-9428-20240811162227-20240814083644-1723618368.jpg
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập (TP. Thái Nguyên).

Theo lý giải của đại diện các DN cơ khí, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “đói” đơn hàng là do khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới. Hoạt động đầu tư xây dựng mới, mở rộng nhà máy, phân xưởng sản xuất của các DN trong và ngoài tỉnh chững lại. Ngoài ra, thị trường bất động sản chưa được phục hồi khiến các DN cơ khí lao đao.   

Nhiều DN đã phải duy trì sản xuất cầm chừng, chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để tăng sức cạnh tranh. Một số DN do áp lực cạnh tranh quá lớn đã buộc phải cắt giảm người lao động. Đơn cử như tại Công ty CP kết cấu thép và Xây dựng Tân Khánh, từ đầu năm đến nay đã cắt giảm hơn ½ số lao động so với cùng kỳ năm trước (tương đương hơn 10 người).

Còn tại một số đơn vị khác, để có thể duy trì ổn định việc làm cho người lao động thì chấp nhận bù lỗ. Ví dụ như Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập, mặc dù sản phẩm làm ra không bán được song Công ty vẫn cho 70 người lao động đến làm việc bình thường và chấp nhận bù lỗ để trả lương nhằm giữ chân công nhân trong thời gian chờ thị trường khởi sắc...

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp song theo đại diện các DN cơ khí, đó chỉ là những đối sách tạm thời, bởi DN luôn phụ thuộc vào sự khởi sắc của thị trường. Các đơn vị, DN cơ khí kiến nghị các cấp, ngành chức năng có thêm giải pháp kích cầu thị trường xây dựng và bất động sản; đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công các công trình xây dựng... Cùng với đó, cơ quan chức năng tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các chính sách giảm thuế, giãn thời gian đóng thuế, bảo hiểm xã hội cũng...

Hoàng Cường

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/doi-don-hang-doanh-nghiep-co-khi-gap-kho-a8672.html