Những tiết học tiếng Mông của các em học sinh tại các trường tiểu học trên địa bàn thị xã Sa Pa được duy trì đều đặn 2 tiết học trong 1 tuần. Tại đây các em học sinh được học chữ viết với thầy, cô giáo là người dân tộc Mông gốc ở Sa Pa giảng dạy theo Chương trình song ngữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiết học tiếng Mông tại Trường Tiểu học Hàm Rồng, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai). |
Tiết học này, được các em học sinh vô cùng yêu thích và mong chờ bởi ngoài học chữ viết các em còn được đọc thơ hay học những bài hát, câu ca dao nổi tiếng được dịch sang tiếng dân tộc của mình và điều đặc biệt hơn nữa các em học sinh được học đó là những tấm gương về những người Mông lập nghiệp và thành công đã chắp cánh, gieo những ước mơ về tương lai tươi sáng cho các em. Em Hạng Thị Dung, lớp 5A1, Trường Tiểu học Hàm Rồng, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Chúng em rất vui khi được học tiếng dân tộc của mình. Khi học xong chúng em sẽ tự dịch sang tiếng Việt để có những kiến thức tốt hơn và về nhà chúng em sẽ chia sẻ lại cho gia đình, bố mẹ và anh chị em của mình để ngày một trân trọng tiếng nói, chữ viết của dân tộc Mông Sa Pa. Từ đó giúp cho chúng em được tiếp thêm nghị lực, luôn cố gắng học tập, theo đuổi ước mơ của mình”.
Học sinh người dân tộc Mông tại thị xã Sa Pa mặc trang phục truyền thống khi đến lớp học. |
Hiện nay, tại các trường tiểu học trên địa bàn thị xã Sa Pa có giảng dạy tiếng Mông thì mỗi trường sẽ có một giáo viên dạy tiếng Mông là người địa phương có trình độ Đại học Sư phạm thực hiện giảng dạy song song chữ viết và tiếng Mông cho 100% học sinh là người dân tộc Mông. Những giờ lên lớp luôn được các thầy, cô chuẩn bị kỹ lưỡng với tâm huyết bảo tồn văn hóa dân tộc, chắp cánh ước mơ thắp sáng bản Mông trong tương lai. Thầy giáo Châu A Tầu, giáo viên Trường Tiểu học Hàm Rồng, thị xã Sa Pa cho biết: “Hiện nay chữ Mông Quốc tế đang phát triển rầm rộ trên thế giới, cho nên nếu như mình là người Mông mà chữ Mông Việt Nam mình mà không bảo tồn thì dần dần sau này cũng bị mai một đi, tôi cũng cố gắng đem hết khả năng của mình để giúp các em học để bảo tồn, duy trì lâu dài…”.
Ngoài việc chú trọng giáo dục đa ngôn ngữ cho học sinh, các trường tiểu học trên địa bàn thị xã Sa Pa còn thực hiện có hiệu quả việc duy trì những giờ học ngoại khóa về các bài hát, điệu múa truyền thống của người Mông, duy trì mời các nghệ nhân đến trường truyền đạt về làm khèn Mông, dệt vải… 2 lần/tháng. Các em học sinh là người dân tộc Mông sẽ mặc trang phục truyền thống dân tộc Mông 2 buổi/ tuần để từ đó tạo môi trường học tập gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, giúp các em học sinh thêm yêu, trân trọng truyền thống bản sắc dân tộc mình. Giữ gìn bản sắc dân tộc để cùng với địa phương phát triển kinh tế, phát triển du lịch.
Học sinh người dân tộc Mông thị xã Sa Pa tham gia biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội Văn hóa Du lịch Sa Pa tại Hà Nội. |
Cô giáo Trần Thị Mai Sâm, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Rồng, thị xã Sa Pa cho biết: “Đối với một trường tiểu học có 99% học sinh là người dân tộc Mông, việc dạy song ngữ cho học sinh rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nói chung để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018. Duy trì bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Mông, nâng cao chất lượng về du lịch cộng đồng nhằm thu hút khách nước ngoài đến tham quan”.
Những tiết học ý nghĩa mang theo dáng hình của quê hương Sa Pa mờ sương, của đồng bào dân tộc Mông gắn với hàng trăm năm tuổi của du lịch Sa Pa đã gieo mầm cho những ước mơ về tương lai cho các em học sinh dân tộc Mông để con đường đi học xa sẽ dẫn đến tương lai thật gần. Từ đó góp phần cùng với thị xã Sa Pa phát huy được sức mạnh nội sinh về văn hóa bản địa để phát triển du lịch bền vững.
PHẠM QUỲNH
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/tiet-hoc-gieo-nhung-uoc-mo-a8534.html