Thu tiền tỷ từ trứng rắn
Là thủ phủ nổi tiếng với nghề nuôi rắn độc, xã Vĩnh Sơn mỗi năm cung cấp ra thị trường các sản phẩm từ rắn, gồm thịt rắn, rắn giống, cao rắn. Tuy nhiên, nguồn thu nhập chính của người dân địa phương lại đến từ việc bán trứng rắn.
Ông Hạ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, cho biết, toàn xã có 650 hộ gia đình nuôi rắn, chủ yếu là rắn sinh sản và rắn thương phẩm.
Tổng số lượng rắn đang nuôi trên địa bàn xã Vĩnh Sơn hiện là 228.200 con.
Theo ông Hùng, mỗi năm, doanh thu trung bình từ rắn thương phẩm và trứng rắn ước đạt khoảng 85 tỷ đồng. "Trừ chi phí, thu nhập mỗi năm của người dân toàn xã Vĩnh Sơn đạt 75 tỷ đồng", ông Hùng thông tin.
6 tháng đầu năm nay, người dân xã Vĩnh Sơn có thu nhập tốt nhờ trứng rắn bán ra được với giá cao.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hòa ở thôn 4, xã Vĩnh Sơn là một hộ tiêu biểu về nuôi rắn hổ mang sinh sản. Nhà bà có 3 phân khu chuồng nuôi, với số lượng khoảng 3.000 con.
Bà Hòa chia sẻ, rắn hổ mang là loài dễ nuôi, trung bình 5 ngày mới phải cho ăn một lần. Với số lượng rắn lên đến hàng nghìn con, bà Hòa nói rằng bản thân phải rất để ý và đánh dấu từng con, theo dõi xem con nào có biểu hiện ốm yếu, bỏ ăn.
Trong trang trại nuôi rắn, mỗi con rắn sinh sản được ở trong một ô có kích thước 30x60cm. Người dân cho rắn ăn bằng cách mở cửa đưa thức ăn vào rồi nhanh chóng đóng cửa lại. "Việc cho rắn ăn phải nhanh, dứt khoát, bởi có những con phàm ăn có thể phi ra bất cứ lúc nào", bà Hòa kể.
Bà Hòa cho hay, chuồng nuôi rắn được bố trí theo tỷ lệ trung bình 1 rắn đực 2 rắn cái. Rắn đực khi trưởng thành sẽ được sử dụng để phối giống. Khoảng 2-4 năm sẽ thay thế một lứa đực khác.
Đối với rắn cái, thời gian đổi đàn có thể lâu hơn, có những con cái 10 năm vẫn còn sinh sản. Mỗi con rắn sinh sản được duy trì ở trọng lượng 2-3kg, mỗi lứa trứng có thể đạt 50 quả.
Đối với loài rắn độc như hổ mang, chúng chỉ sinh sản một lần trong năm. Với giá trứng thời điểm cao nhất lên tới hơn 74.000 đồng/quả, thu nhập từ bán trứng lên tới 3-4 triệu đồng/con rắn.
Theo bà Hòa, mọi bộ phận của con rắn đều mang lại lợi nhuận. Có những thời điểm, giá rắn thịt lên tới 700.000 đồng/kg, rắn giống từ 250.000-300.000 đồng/kg.
Nghề nguy hiểm
Theo thống kê của UBND xã Vĩnh Sơn, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn xã đã có 18 ca bị rắn độc cắn. Không ít người dân tại đây mất ngón tay, ngón chân vì bị rắn cắn khi cho ăn, dẫn đến hoại tử.
Chỉ vào bàn tay bị mất ngón út do bị rắn cắn 10 năm trước, bà Hòa kể: “Tôi gặp tai nạn lúc cho rắn ăn, vừa đưa đĩa thức ăn lên tới cửa thì rắn lao thẳng ra rồi mổ vào tay".
Theo bà Hòa, rắn nuôi độc tố tích tụ nhiều hơn rắn tự nhiên. Khi cho rắn ăn hoặc chăm sóc rắn, người nuôi phải đeo kính bởi nọc độc của chúng có khi bắn xa đến 2m, không may bắn vào mắt sẽ rất nguy hiểm.
Do nuôi rắn đã lâu, người dân địa phương có kinh nghiệm trong việc sơ cứu khi bị rắn cắn, sau đó người bị nạn nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai để chữa trị.
Hiện trong xã có 2 người chuyên chữa rắn cắn, giúp bà con yên tâm hơn. Nhưng chuyện đi cấp cứu với người dân làng rắn Vĩnh Sơn trở nên quá đỗi bình thường.
Ngoài ra, việc nuôi rắn còn gặp rủi ro bởi phụ thuộc vào diễn biến thị trường. Theo đó, những sản phẩm từ rắn không quá phổ biến tại Việt Nam, vì thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc.
Ngoài việc bị thương lái ép giá, thời điểm dịch bệnh đóng cửa, rắn không xuất biên được, vốn đầu tư của người dân coi như đổ sông đổ bể.
Theo đại diện UBND xã Vĩnh Sơn, có thời điểm, vì không xuất bán được sang Trung Quốc, hàng chục vạn con rắn của người dân xã Vĩnh Sơn không biết xử lý ra sao. Trong khi đàn rắn vẫn phải duy trì cho ăn thì trứng và rắn thương phẩm không tiêu thụ được.
Nhị Tiến
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/nguoi-dan-mot-xa-chia-nhau-75-ty-moi-nam-nho-nuoi-tram-nghin-con-ran-doc-a8366.html