Khoảng 5 năm trở lại đây, tỉnh Hà Giang luôn đứng trong nhóm cuối bảng về điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.
Ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã có những chia sẻ với PV Báo Lao Động về vấn đề này.
PV: Qua kết quả điểm thi THPT năm 2024 và những năm vừa qua phản ánh thực trạng chất lượng giáo dục Hà Giang hay chưa, xin ông cho biết đâu là nguyên nhân?
- Ông Trần Đức Quý: Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua hoàn toàn phản ánh đúng với tình hình về giáo dục của Hà Giang mặc dù năm nay có cao hơn những năm trước nhưng so với mặt bằng của cả nước thì Hà Giang vẫn là tỉnh nhóm cuối cùng.
Có một số nguyên nhân sau. Thứ nhất, Hà Giang là một tỉnh xuất phát điểm thấp, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào dân tộc Mông chiếm tỉ lệ cao nhất trong cả nước.
Thứ hai, xuất phát từ dân trí thấp nên đầu vào của học sinh từ cấp tiểu học cho đến cao hơn cũng không đáp ứng được. Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng trình độ, năng lực của đội ngũ làm công tác giáo dục chưa đáp ứng được như nhiều địa phương khác trên cả nước. Rõ ràng phải có thầy giỏi mới có trò giỏi.
Thứ ba, vấn đề đầu tư cho giáo dục là Hà Giang cũng chưa đáp ứng được. Thực tế, trên địa bàn còn rất nhiều những điểm trường vẫn còn lớp ghép thì làm sao có thể bứt phá được.
PV: Vậy theo ông đâu là giải pháp mà tỉnh Hà Giang sẽ tập trung để nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện điểm số các kỳ thi?
Ông Trần Đức Quý: Mặc dù Hà Giang đã có nhiều giải pháp, đề án để nâng cao chất lượng giáo dục nhưng việc này cần phải một quá trình dài để có sự đổi thay tích cực. Đầu tiên, dân trí phải được nâng lên, tức là phụ huynh phải quan tâm hơn nữa đến việc học tập của các cháu để có đầu tư nó kịp thời.
Điều quan trọng, theo tôi Hà Giang cần phải có nguồn giáo viên là phải chất lượng. Đây là một bài toán khó, thực tế phần lớn các thầy cô có năng năng lực, điều kiện thì ít khi đến với Hà Giang. Trong khi chính sách để thu hút giáo viên đến với vùng sâu vùng xa như Hà Giang chưa thực sự hấp dẫn.
Tỉnh Hà Giang đã có đề án nâng cao chất lượng giáo dục nhưng khó khăn nhất là nguồn kinh phí cho việc này, hiện chưa đáp ứng được. Tôi lấy ví dụ, hiện nay Hà Giang muốn xóa các lớp ghép, để làm được thì cần phải quy tập dân cư nhưng địa lý thế này thì rất khó. Hà Giang đang làm nhưng cần cả một quá trình.
Tiếp đó là giảm các điểm trường, tiến tới không còn các điểm trường, đó là mục tiêu của Hà Giang nhưng cần nguồn ngân sách rất lớn để các cháu về học bán trú. Đặc thù trên vùng cao này thầy phải đi tìm trò đến lớp, thực tế là như vậy.
PV: Với giải pháp, quyết tâm như vậy, tỉnh Hà Giang và ngành giáo dục có đặt ra mục tiêu gì trong thời gian tới không thưa ông?
Ông Trần Đức Quý: Như tôi đã nói, việc này không phải thể trong một sớm một chiều mà làm được tức là ngay từ cấp 1 đã phải tốt rồi đến cấp 2, cấp 3. Ở đây là cả một quá trình, với xuất phát điểm thấp như Hà Giang chúng tôi sẽ làm từng bước.
Tất nhiên là mục tiêu vẫn có, thực tế so với các năm trước kết quả thi tốt nghiệp THPT đã có khá hơn. Như năm vừa rồi, thi học sinh giỏi, Hà Giang được hơn 20 em so với chỉ 5,6 em của các năm trước. Đó cũng là sự chuyển biến.
PV: Xin cám ơn ông.
NGUYỄN TÙNG
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/ha-giang-chia-se-ly-do-5-nam-lien-dung-cuoi-ve-diem-thi-tot-nghiep-a8362.html