Ngăn chặn sự thâm nhập của tà đạo ở vùng cao Yên Bái

Một số đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái đã bán nhà cửa, ruộng nương, con cái thất học, cuộc sống nghèo đói, lam lũ vì tin Hội thánh đức chúa trời toàn năng, nghe theo luận điệu lập “Nhà nước riêng” và các hiện tượng tôn giáo mới, tà đạo…

ca-yen-bai-22a-1720749952.jpg
Lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái giải thích đến đồng bào các dân tộc thiểu số về bản chất của đạo lạ. Ảnh: CACC

Người dân bị dụ dỗ bán tài sản

Theo Công an tỉnh Yên Bái, từ năm 2011 đến nay, các đối tượng phản động trong và ngoài nước đã lợi dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ, thông qua mạng Internet và các đài phát thanh tiếng H'Mông ở nước ngoài để tuyên truyền về “Nhà nước H'Mông” ở khu vực Tây Bắc, kêu gọi đồng bào H'Mông muốn có cuộc sống sung sướng phải có “Vua H'Mông”, “Đất nước riêng của người H'Mông”. Tại tỉnh Điện Biên, Lai Châu các thế lực thù địch đã tuyên truyền, lôi kéo người H'Mông dựng nhà bạt, treo cờ riêng, lập chốt để ngăn chặn và chống trả lại lực lượng chức năng, âm mưu hoạt động lập “Nhà nước H'Mông”.

Do có cùng đặc điểm tâm lý, phong tục tập quán, vào năm 2018 một số trường hợp ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái thông qua mạng xã hội đã bị các đối tượng tuyên truyền, lôi kéo, dụ dỗ với các luận điệu như: Sau khi thành lập được “Nhà nước H'Mông” sẽ được chia đất, được làm quan, có cuộc sống sung sướng… từ đó mù quáng tin theo. Bước đầu, một số người đã bán nhà cửa, ruộng nương… lấy tiền gửi cho các đối tượng ở tỉnh Điện Biên, Lai Châu để ủng hộ hoạt động lập “Nhà nước H'Mông”.

ca-yen-bai-23-1720749986.jpg
Một số cờ, biểu tượng “Nhà nước - Vương quốc H'Mông” của các đối tượng phản động. Ảnh: CACC

Ròng rã 5 năm trời, các trinh sát phải bám địa bàn, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn việc người dân bị tác động, lôi kéo...

“Ban đầu họ đóng cửa không tiếp mình, cứ thấy bóng dáng lực lượng chức năng là lẩn tránh. Chúng tôi phải phối hợp với những người có uy tín trong cùng dân tộc, dòng họ để vận động, tác động tư tưởng. Mưa dầm thấm lâu, sau thời gian dài đấu tranh kết hợp tuyên truyền, giáo dục cảm hóa, đến nay trên các trường hợp bị tuyên truyền, lôi kéo liên quan đến hoạt động lập “Nhà nước H'Mông” đã nhận thức được bản thân do thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng lừa phỉnh, dụ dỗ. Hiện nay họ ở lại địa phương sinh sống, làm ăn, phát triển kinh tế, và không tin theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu”, Thượng úy Sùng A Sinh (cán bộ Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Yên Bái) kể lại.

ca-yen-bai-2-1720750020.jpg
Thượng úy Sùng A Sinh kể chuyện bám địa bàn, chủ động ngăn chặn sự thâm nhập của đạo lạ. Ảnh: Bảo Nguyên

Hiến dâng tài sản cho hội thánh

Cuối năm 2023, cuộc sống yên bình, êm ấm của một gia đình ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái bỗng chao đảo, khi người phụ nữ 57 tuổi có những thay đổi bất thường. Vốn là người mẹ, người vợ đảm đang, biết thu vén việc nhà, chị như biến thành một con người hoàn toàn xa lạ… Người phụ nữ “ngại” tiếp xúc với những người xung quanh, kể cả người thân trong gia đình. Vào những giờ nhất định trong ngày, chị thường khoá trái cửa rồi ở lỳ trong phòng nhiều giờ đồng hồ. Đôi lúc hay nói về những điều vô lý, không có căn cứ khoa học chứng minh…

Sau khi nắm được nghi vấn liên quan đến sự xuất hiện của một hiện tượng tôn giáo mới, các đơn vị chức năng của Công an tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng tiếp cận, thu thập thông tin. Theo Thượng tá Vũ Đức Chung, Phó trưởng Phòng An ninh nội địa, trong quá trình tuyên truyền, phát triển vào địa bàn tỉnh Yên Bái, các đối tượng hoạt động theo hình thức đa cấp. Các đối tượng liên lạc, họp nhóm, họp giáo lý, giáo luật thông qua ứng dụng Facebook và thường xuyên thay đổi phương thức để tránh bị phát hiện.

Bắt đầu từ việc nắm bắt thông tin về người phụ nữ, những nghi vấn của các cán bộ Phòng An ninh nội địa dần được sáng tỏ. Sau một thời gian thu thập tài liệu, họ xác định người phụ nữ đã tham gia vào hoạt động của Hội thánh đức chúa trời toàn năng.

Cùng thời gian này, qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh nội địa phát hiện trên địa bàn có dấu hiệu tập trung một số nhóm nhỏ từ 3-5 người họp trong phòng kín do H.A.C (SN 1995) làm trưởng nhóm. Sự xuất hiện của Hội thánh đức chúa trời toàn năng gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như làm thay đổi, xáo trộn về nếp sống, tập quán truyền thống của đồng bào vùng cao. Nhiều người sau khi tham gia đã từ bỏ lao động sản xuất, bỏ gia đình, không kết hôn, hiến dâng tài sản cho hội thánh…

ca-yen-bai-3-01-1720750056.jpg
Cán bộ Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Yên Bái tuyên truyền, vận động người dân không tin, không nghe theo kẻ xấu. Ảnh: CACC

Sau khi tìm hiểu về nhân thân, các trinh sát bắt đầu bằng việc giáo dục, vận động đối tượng này. Tuy nhiên, muốn gặp được C chỉ có cách trực tiếp vào bản, bởi ở nơi đối tượng sinh sống, sóng điện thoại vẫn chưa có. Từ trung tâm huyện Văn Chấn đến địa bàn xã mất gần một giờ đồng hồ, muốn di chuyển vào đến nơi chỉ có phương tiện duy nhất là xe máy. Trên những con đường bề ngang chỉ vừa đủ một bánh chiếc xe máy, không ít lần các trinh sát thót tim trước những khúc cua tay áo.

“Hôm đầu tiên chúng tôi vào địa bàn, trời bất ngờ đổ mưa xối xả. Con đường vào bản thường ngày vốn đã khó khăn trơn như xối mỡ… Trong căn nhà gỗ ọp ẹp, cũ nát, rộng chừng 40m2, phải vất vả lắm mới tìm được một chỗ để ngồi” - Thượng úy Nguyễn Việt Anh, cán bộ Phòng An ninh nội địa chia sẻ.

ca-yen-bai-22-1720750102.jpg
ca-yen-bai-21-1720750102.jpg
Tuyên truyền đến người dân vùng cao tác hại của việc tin theo tà đạo. Ảnh: CACC

Lần đầu làm việc với tổ công tác, H.A.C trả lời rằng không tham gia vào hoạt động truyền đạo và không biết gì về Hội thánh đức chúa trời toàn năng. Sau hàng chục lần gõ cửa, vận động, nam thanh niên này mới thừa nhận anh ta tham gia Hội chỉ vì mục đích kinh tế. Các đối tượng trong hội thánh tuyên truyền rằng nếu tham gia sinh hoạt thì sẽ thoát được cái đói, cái nghèo… Tin vào những lời hứa viển vông đó, C đã đồng ý tham gia. Sau đó, anh ta được phát sách để đọc.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng phát hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 6 nhóm hoạt động trên ứng dụng Messenger và 3 nhóm hoạt động trên địa bàn với 85 người tham gia. Phòng An ninh nội địa - Công an tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Công an các huyện làm việc với 11 đối tượng cầm đầu, cốt cán và 74 đối tượng tham gia sinh hoạt theo Hội thánh đức chúa trời toàn năng. Thu giữ nhiều sách và tài liệu có liên quan đến Hội thánh đức chúa trời toàn năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thu hàng nghìn trang tài liệu…

Xóa bỏ tổ chức “Giê Sùa”

Khoảng giữa năm 2021, Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Yên Bái phát hiện 6 hộ với 40 khẩu người dân tộc H'Mông tại huyện Văn Chấn và Trạm Tấu có các biểu hiện bất thường như: Bỏ đi làm nương rẫy để tập trung nghe các bài giảng trên YouTube vào sáng thứ Bảy hàng tuần; kiêng một số đồ ăn như thịt lợn, cá không vảy… Trước tình hình trên, lực lượng chức năng đã tổ chức xác minh, qua đó xác định các trường hợp trên khi vào các trang mạng Internet như Facebook, YouTube, Zalo… do tò mò, đã bấm vào xem các video, clip có liên quan đến David Her (Hờ Chá Sùng), sau đó bị các đối tượng trong tổ chức “Giê Sùa” ở trong và ngoài nước nhắn tin, gọi điện, lợi dụng sự thiếu hiểu biết để tuyên truyền, lôi kéo tin theo tổ chức này.

ca-yen-bai-13-1720750186.jpg
ca-yen-bai-11-1720750186.jpg
ca-yen-bai-10-1720750186.jpg
Cán bộ phòng An ninh Nội địa, Công an tỉnh Yên Bái thường xuyên lên các bản có người H'Mông sinh sống để tuyên truyền. Ảnh: CACC

Xác định rõ việc đồng bào dân tộc H'Mông trên địa bàn tin theo tổ chức “Giê Sùa” do đời sống kinh tế còn khó khăn, lại thiếu hiểu biết nên bị các đối tượng xấu lôi kéo tham gia, lực lượng công an đã quyết liệt đấu tranh kết hợp kiên trì tuyên truyền, vận động. Đến nay, tất cả các trường hợp tin theo tổ chức “Giê Sùa” đã ký cam kết từ bỏ để quay trở lại sinh hoạt theo tín ngưỡng truyền thống của đồng bào dân tộc H'Mông.

Công an tỉnh Yên Bái cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn huy động các nguồn lực tại địa phương để hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã cam kết từ bỏ tổ chức “Giê Sùa” để họ yên tâm lao động sản xuất, không nghe, không tin theo luận điệu tuyên truyền của các đối tượng xấu.

Thượng tá Đỗ Tuấn Anh - Trưởng phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Yên Bái nhấn mạnh - các hiện tượng tôn giáo mới, tà đạo, đạo lạ nêu trên có bản chất là lôi kéo người dân chống phá Đảng và Nhà nước, âm mưu hoạt động lập “Nhà nước riêng”, gây mất đoàn kết trong nhân dân. Sự xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới, tà đạo, đạo lạ không phải là vấn đề mới ở vùng cao, tuy nhiên ở mỗi giai đoạn lại có những biểu hiện khác nhau, mức độ ngày càng tinh vi hơn.

Sau khi đã lôi kéo được đông người tham gia, chúng dần bộc lộ tính chất mê tín, dị đoan, phản khoa học, đi ngược văn hóa, thuần phong mỹ tục… từ đó gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân, ảnh hưởng đến đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 và có thể bị phạt tù từ 7-15 năm.

 

BẢO NGUYÊN

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/ngan-chan-su-tham-nhap-cua-ta-dao-o-vung-cao-yen-bai-a8285.html